Bảo vật phía tây thành Đồ Bàn
Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa được phát hiện năm 1992. Khi đó, trong lúc đào đất để xây dựng công trình dân cư, người dân thôn Đại Hòa (xã Nhơn Hậu, TX.An Nhơn, Bình Định) đã tình cờ phát hiện bảo vật quốc gia này. Tại thời điểm phát hiện, phù điêu nằm trong lòng đất, ở tư thế nằm sấp. Sau đó, phù điêu được đưa về Trung tâm văn hóa - thông tin H.An Nhơn. Năm 1999, phù điêu được đưa về trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định.
Phù điêu được đặt tên gắn với phế tích nơi đã tìm ra nó là gò Mả Chùa. Bảo tàng Bình Định cho biết: “Vị trí phế tích nằm phía tây của thành Đồ Bàn, kinh đô vương quốc Champa xưa”. Tại bề mặt gò đất cũng là phế tích này còn nhiều loại vật liệu kiến trúc Champa nằm vương vãi như mảnh gạch, đá ong, gốm trang trí điểm góc..., với phạm vi phân bố rộng khoảng 5.000 m2. Điều này chứng tỏ nơi đây từng tồn tại kiến trúc tôn giáo của người Champa xưa.
Khảo tả của Bảo tàng Bình Định cho biết Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa (thế kỷ 12) làm bằng đá sa thạch, cao 110 cm, nặng 500 kg. Phù điêu được chạm nổi trên khối sa thạch, thể hiện là một nam thần. Thần đội vương miện hai tầng, khuôn mặt vuông dữ tợn. Đồ trang sức là những vòng kiềng để trơn, không trang trí hoa văn. Thần trong tư thế vững chãi, chân phải gập chùng xuống và chân trái quỳ đầu gối sát đất. Thần mặc chiếc quần ngắn (sampot) bó sát đùi, với nhiều nếp gấp.
“Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đá Champa, thuộc phong cách tháp Mẫm thế kỷ 12”, bảo tàng cho biết. Theo truyền thuyết của Hindu giáo, thần Hộ pháp hay thần Dvarapala là vị môn thần canh giữ cổng hoặc cửa của những ngôi đền tháp. Thần có nhiệm vụ bảo vệ đạo pháp, người tu hành, người đến hành lễ. Thần thường thể hiện theo cặp đối xứng, đặt ở hai bên cửa ra vào đền tháp Champa.
Tiếp nối phong cách nghệ thuật Đồng Dương
Theo hồ sơ bảo vật, Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa, về cơ bản, có tư thế, động tác và khuôn mặt là tiếp nối truyền thống của phong cách nghệ thuật Đồng Dương. Đó là khuôn mặt to dữ tợn với đôi mắt dô ra ngoài tròng, hai lỗ mũi phình ra, cặp răng nanh hàm trên chìa ra, đôi lông mày to uốn cong hai đầu…
Mặc dù vậy, Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa còn cho thấy một vài chi tiết đặc trưng của phong cách tượng Hộ pháp tháp Mẫm như cặp đôi lông mày và đôi hàng mi đã mất đi tính tự nhiên để thành những khối và nét như một hình trang trí đậm đặc. “Vì vậy, với Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa, có thể thấy khá rõ sự chuyển tiếp từ những truyền thống mạnh mẽ, sống động và tự nhiên của các Hộ pháp Đồng Dương sang tính trang trí ngộ nghĩnh và nặng nề của các Hộ pháp tháp Mẫm”, hồ sơ phân tích.
Về nghệ thuật điêu khắc, Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa thể hiện hoàn toàn mới. Những Hộ pháp trong điêu khắc Champa phát hiện ở các nơi khác đều thể hiện dưới dạng tượng tròn và được tạo tác thành cặp đối xứng, đứng hướng vào nhau. Trong khi đó, Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa được khắc tạc ba mặt. Phía sau lưng pho tượng để trơn, không phải là tượng tròn như truyền thống, mà được chạm khắc thành hình phù điêu nổi như các vũ nữ tháp Mẫm.
Bảo tàng Bình Định cho biết năm 2011 trong quá trình khảo sát tại phế tích gò Mả Chùa, cán bộ đơn vị này còn nhặt được một mảnh đá khắc tạc khuôn mặt, nhưng chỉ còn 1/3. Khi so sánh mảnh khắc với Phù điêu thần Hộ pháp Mả Chùa đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định thấy rất giống nhau.
PGS-TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) cho rằng phù điêu ở gò Mả Chùa là tác phẩm điêu khắc thần Hộ pháp đầu tiên của nhóm tượng Hộ pháp thuộc phong cách Bình Định. Đây cũng là phù điêu duy nhất chạm nổi hình Hộ pháp trong tư thế quỳ của Champa mà chúng ta biết. “Vì vậy, Phù điêu thần Hộ pháp gò Mả Chùa là một tác phẩm điêu khắc không chỉ có những nét đẹp riêng, mà còn là tác phẩm Hộ pháp duy nhất đại diện cho phong cách lớn, phong cách Bình Định còn lại cho đến nay của nghệ thuật Champa”, ông Doanh cho biết.
PGS-TS Ngô Văn Doanh cũng cho rằng thế kỷ 14 vương quốc Champa có nhiều biến động. Đầu thế kỷ 15 đến năm 1471, các tiểu quốc Amaravarti và Vijaya của Champa lần lượt sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Nghệ thuật điêu khắc Champa giai đoạn này cũng ảnh hưởng, là phong cách nghệ thuật Bình Định, được ví như buổi hoàng hôn trong lịch sử nghệ thuật điêu khắc Champa.