La Tribune Indigène và nhóm chóp bu chính trị người bản xứ
Sau khi toàn quyền Albert Sarraut về Pháp, tờ La Tribune Indigène (Diễn đàn bản xứ) của Nguyễn Phú Khai và Bùi Quang Chiêu, tiếng nói hợp pháp duy nhất của người Việt lúc bấy giờ, ngày càng thể hiện được vai trò dẫn dắt thảo luận xã hội của báo chí, ủng hộ nhiều quan điểm tự do chính trị “bài Pháp” và ít nhiều đứng về lợi ích của nhân dân thuộc địa. Thời kỳ này, La Tribune Indigène là ngọn cờ đầu trong phong trào đấu tranh chống nhà cầm quyền thực dân, nêu cao tinh thần phản biện công khai, phần nào bảo vệ quyền tự do ngôn luận, là một lực lượng chính trị đối lập “ôn hòa”.
Cuộc tẩy chay “thế lực Khách trú”, của liên minh trí thức - ký giả - nhà tư sản - báo quốc ngữ - báo Pháp ngữ do tờ La Tribune Indigène lãnh đạo, dù thất bại vào nửa cuối năm 1919, cho thấy giới đại địa chủ, tư sản, trí thức lớp trên người bản xứ ở Sài Gòn có thể ngồi lại với nhau vì lợi ích dân tộc nói chung; tiếp đó là sự việc chủ nhiệm của 6 tờ báo (Lục tỉnh tân văn, Nông cổ mín đàm, Đại Việt tập chí, Công luận báo, Thời báo, Nam Trung nhật báo) ký vào tuyên bố chung chỉ trích chính quyền thuộc địa kiểm duyệt báo quốc ngữ; và chiến dịch bầu cử dân biểu Nam kỳ vào cuối năm khiến chính quyền thuộc địa bắt đầu lo ngại về sự tồn tại của một đảng phái chính trị đối lập của người bản xứ.
Quyết định đình bản tờ Quốc dân diễn đàn ngày 11.12.1919, do Nguyễn Phú Khai làm chủ nhiệm, là sự trấn áp đầu tiên mà chính quyền thuộc địa nhắm vào nhóm chóp bu này.
L’Écho Annamite và cuộc ứng cử Hội đồng Quản hạt Nam kỳ
Ngày 8.1.1920, tờ báo Pháp ngữ L’Écho Annamite (Tiếng vọng An Nam) ra đời, mục đích là bảo vệ quyền lợi Pháp-Việt, do Võ Văn Thơm làm chủ nhiệm, Nguyễn Phan Long là chủ bút với bút danh Văn Thế Hội. Đến ngày 13.3.1920, Bạch Văn Thâm (1870 - 1921, một người cũ của La Tribune Indigène) cộng tác viết bài, từ tháng 7.1920 Bạch Văn Thâm là đồng chủ bút.
Bạch Văn Thâm là ký giả có kinh nghiệm và tiếng tăm trong làng báo. Trên L’Écho Annamite số ra ngày 9.10.1920, Bạch ký giả viết bài nói rõ sự khác biệt đường lối giữa 2 tờ báo, về quan điểm của ban biên tập với chính quyền thực dân, rằng L’Écho Annamite không phải là phiên bản khác của La Tribune Indigène… L’Écho Annamite dưới thời của 2 ký giả Nguyễn-Bạch thể hiện được tinh thần độc lập của báo chí.
Tháng 7.1921, L’Écho Annamite và La Tribune Indigène hợp sức nhau trong cuộc bầu cử Hội đồng Quản hạt, liên minh này đã đạt được những thành công nhất định khi sau đó sắc lệnh tháng 6.1922 của Toàn quyền điều chỉnh số thành viên người bản xứ (từ 4 lên 10) trong Hội đồng và số cử tri người Việt (từ 1.700 lên 21.000) tăng với tỷ lệ rất cao, số liệu dẫn lại của Philippe M.F. Peycam (sđd, tr. 98).
Cũng trong tháng 6.1922, Nguyễn Phan Long mua được cổ phần từ giới chủ bảo trợ, ông chính thức làm chủ tờ L’Écho Annamite. Số 349 ra ngày 29.6.1922, Nguyễn Phan Long lần đầu đứng tên chủ bút kiêm quản lý trên măng-sét tờ L’Écho Annamite. Đến số 428, khẩu hiệu “Organe de Défense des intérêts Franco-Annamites” (Cơ quan bảo vệ quyền lợi Pháp-Việt) không còn trên măng-sét báo nữa.
Từ cơ quan bảo vệ quyền lợi Pháp-Việt ban đầu, L’Écho Annamite đến đời Nguyễn Phan Long góp thêm tiếng nói phản biện xã hội, khiến La Tribune Indigène dần đánh mất vai trò độc tôn trong làng báo Pháp ngữ. Nguyễn Phan Long nhanh chóng xây dựng được uy tín cho L’Écho Annamite qua những bài viết về vấn đề cải cách định chế, phát triển giáo dục hiện đại (Philippe M.F. Peycam, sđd, tr. 96)…
Philippe M.F. Peycam (sđd, tr.95) nhận xét rằng, Nguyễn Phan Long đã đưa L’Écho Annamite vượt ra khỏi biên giới Nam kỳ, hướng tới “cộng đồng” độc giả Pháp ngữ “thiểu số” trên cả nước, còn La Tribune Indigène chỉ hạn hẹp trong giới trí thức, tư sản và “mạng lưới xã hội” Nam kỳ, chủ yếu là Sài Gòn.
Với sự ủng hộ của nhóm chóp bu bản xứ, Nguyễn Phan Long đại diện Đảng Lập hiến ra ứng cử, tháng 9.1922 ông trở thành người Việt đầu tiên làm Phó chủ tịch Hội đồng Quản hạt Nam kỳ.
Tháng 6.1923, tờ L’Écho Annamite đình bản (số 494, ra ngày 30.6.1923). Ngày 28.1.1924, Nguyễn Phan Long tục bản tờ báo, đánh số lại từ đầu. L’Écho Annamite là một trong những tờ báo sống lâu nhất trong làng báo Sài Gòn, qua nhiều đời giám đốc chính trị và chủ bút và hơn một lần đình bản, số cuối cùng chúng tôi hiện có ra ngày 14.9.1944.
Một trăm năm trước, L’Écho Annamite và La Tribune Indigène là 2 tờ báo quan trọng thể hiện được nhu cầu, sự chuyển hóa và là thành tựu đầu tiên của xã hội dân sự ở Nam kỳ đầu thế kỷ 20.
(còn tiếp)