TP.Hải Phòng vốn là vùng đất ven sông thuộc trấn Hải Dương và ít được các triều đại phong kiến đầu tư, xây dựng. Chỉ đến khi người Pháp chiếm đóng, vùng đất Hải Phòng mới bứt ra và phát triển mạnh mẽ thành một trong ba đô thị loại I đầu tiên của Việt Nam.
Dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của người Pháp
Theo ông Ngô Đăng Lợi, nhà nghiên cứu lịch sử nổi tiếng có kiến thức uyên thâm về TP.Hải Phòng thì trước khi người Pháp đặt chân đến vùng đất này, nơi đây chỉ có làng của người Việt (làng Gia Viên và làng An Biên) với những kiến trúc sơ sài.
Ông Ngô Đăng Lợi chia sẻ: “Trong khi Hà Nội, Huế, Hội An hay TP.HCM là những đô thị phong kiến có lịch sử lâu đời, nhiều công trình kiến trúc phong kiến thì Hải Phòng vốn chỉ là một phần thuộc Hải Dương, thực chẳng có gì. Tuy nhiên, đó cũng là thuận lợi lớn để người Pháp dễ dàng quy hoạch đô thị Hải Phòng theo dấu ấn của họ. Qua đó, chỉ trong một thời gian ngắn, Hải Phòng trở thành đô thị loại I, ngang với TP.Hà Nội và TP.HCM vào năm 1888 (sắc lệnh do Tổng thống Pháp khi đó ký-PV)”.
Đứng ngắm nhìn trụ sở UBND - HĐND TP.Hải Phòng, nơi có những công trình tuyệt đẹp còn gần như nguyên vẹn như khi được người Pháp xây dựng, ông Ngô Đăng Lợi cho biết: “Năm 1872, Pháp đánh chiếm vùng đất Hải Phòng rồi buộc nhà Nguyễn nhượng địa 7 ha khu vực ven sông Cấm. Ngày nay là khu vực từ chân cầu Lạc Long đến phố Trần Hưng Đạo. Tại đây, họ xây những công trình kiến trúc đầu tiên. Đó là tòa đốc lý (trụ sở UBND TP.Hải Phòng ngày nay), trạm xá (Quân y viện 7 ngày nay) và trại lính (nay không còn). Như vậy, trụ sở UBND TP.Hải Phòng là một trong những công trình có kiến trúc Pháp đầu tiên ở TP.Hải Phòng”.
Qua nhiều tài liệu và hình ảnh cho thấy, tòa đốc lý ở TP.Hải Phòng được giữ khá nguyên vẹn từ khi được hoàn thành vào năm 1905 cho đến nay. Tòa đốc lý Hải Phòng được xây chắc chắn, hình chữ nhật, 2 tầng với thiết kế đối xứng, cửa chính nằm ở giữa, quay hướng Nam. Công trình có họa tiết châu Âu khá cầu kỳ để trang trí. Các phòng làm việc có hành lang rộng bao xung quanh.
“Theo các nhà nghiên cứu, tòa đốc lý và các công trình được Pháp xây sau đó được xây theo phong cách tiền thực dân. Đây là phương pháp xây dựng được những kiến trúc sư Pháp nghiên cứu để phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Do đó, ngoài sự thống nhất về thiết kế, thẩm mỹ thì các công trình này có công năng cao, an toàn, chắc chắn, không bị ẩm thấp, mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Những ưu điểm mà nhiều công trình, nhà cửa của do Việt Nam ta xây sau này không có được”, ông Ngô Đăng Lợi, chia sẻ.
Theo thời gian, cùng với quá trình lấn chiếm, mở rộng khu nhượng địa, người Pháp cũng tiến hành xây dựng thêm nhiều công trình. Đặc biệt, do địa hình TP.Hải Phòng khi đó thấp, nhiều đầm lầy nên người Pháp đã cho đào kênh Bonal (dải vườn hoa trung tâm và hồ Tam Bạc ngày nay) để ngăn khu người Pháp với khu người Việt và lấy đất tôn tạo các khu vực khác.
Trong cuốn Lịch sử Hải Phòng có ghi, sau Hiệp ước Giáp Tuất (1874), quá trình đô thị hóa TP.Hải Phòng được người Pháp tiến hành nhanh chóng và bài bản. Họ xây dựng khu nhượng địa theo kiểu ô bàn cờ. Dần dần, những khu phố Tây gồm các đường Hoàng Văn Thụ, Minh Khai, Lê Đại Hành và Điện Biên Phủ ngày nay.
“Trong bài đăng trên Tạp chí Đô thị hóa Đông Dương, số 104 – 165, ngày 28.10.1945, Đốc lý Merlo đã nói về tình hình quy hoạch TP.Hải Phòng trong những thập niên đầu thế kỷ XX: Hải Phòng là một thành phố pha chút tỉnh lỵ, tính chất buôn bán nhiều hơn duyên dáng, diễm lệ. Trung tâm thành phố là một bức tranh cân xứng nhưng hơi hẹp…”, trích tập 3, sách Lịch sử Hải Phòng.
Theo đánh giá của ông Phạm Tuệ, (ngụ phố Nguyên Hồng, Q.Lê Chân), người sở hữu bộ sưu tập ảnh Hải Phòng xưa cực kỳ đồ sộ thì, trong các dãy phố mà người Pháp xây dựng ở TP.Hải Phòng, phố Điện Biên Phủ, thời Pháp được gọi là đại lộ Paul Bert có nhiều công trình to lớn và đẹp nhất.
“Trên đại lộ Paul Bert có Ngân hàng Pháp - Hoa, nay là Bảo tàng Hải Phòng. Phòng Thương mại Thành phố, tòa nhà được xây dựng năm 1895 với điểm nhấn là tháp có 3 đồng hồ, người Hải Phòng vẫn thường gọi là "Nhà đồng hồ ba chuông", nay chính là trụ sở Sở VH-TT. Tòa nhà hãng Vận tải biển Chargeurs Reunis với biểu tượng 5 sao nằm đối diện Tòa nhà của Công Ty Tài chính Pháp quốc và Thuộc địa. Người Hải Phòng vẫn thường gọi Công Ty Tài chính Pháp quốc và Thuộc địa này là “Nhà Băng Năm Sao”, thực ra từ “Năm Sao” là biểu tượng riêng của Hãng tàu biển bên kia đường”, ông Tuệ vừa đi dạo, vừa chụp ảnh lại các công trình Pháp trên phố Điện Biên Phủ vừa vanh vách kể.
“Có thể khẳng định, đô thị Hải Phòng in đậm dấu ấn quy hoạch, kiến trúc của người Pháp. Các công trình vẫn hiện hữu, trong một xã hội đương đại tạo ra sự cân bằng và hài hòa. Các tầng lớp xã hội đã tiếp cận và sử dụng các công trình Pháp, qua đó có thể cảm nhận các giá trị mang tính di sản mà các công trình này mang tới cho đô thị”, KTS Minh Trí, Phó Chủ tịch Hội KTS Hải Phòng đánh giá.
Di sản cần bảo tồn
Thực tế cho thấy, giá trị của kiến trúc Pháp tại Hải Phòng đã được khẳng định trong thời gian qua. Tuy nhiên, đứng trước sự biến đổi về văn hóa, xã hội và kinh tế, quỹ di sản đô thị này đang dần bị mai một. Dạo quanh nội đô TP.Hải Phòng, chúng ta có thể dễ dàng thấy những công trình Pháp bị “xâm hại” bởi nhiều yếu tố. Thậm chí đã có những công trình rất đẹp đã biến mất trong sự tiếc nuối như Khách sạn Thương mại (được xây dựng năm 1886, trên đường Điện Biên Phủ, cạnh khách sạn Hữu Nghị hiện nay).
Vì vậy, vấn đề cấp thiết đề ra là cần phòng ngừa và hạn chế những nguy cơ phá huỷ, làm hư hỏng các công trình kiến trúc, các quần thể, các tuyến phố có giá trị. KTS Minh Trí, Phó Chủ tịch Hội KTS Hải Phòng cho rằng: “Giải pháp bảo tồn bền vững nhất thiết phải có sự tham gia của người dân sinh sống trong khu vực di sản, những người và tổ chức có quyền lợi gắn với khu vực di sản, các tổ chức có trụ sở là công trình di sản, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến khu vực di sản, các tổ chức và chuyên gia về vấn đề bảo tồn di sản”.
Theo KTS Minh Trí, cần phải có một chiến lược khai thác hợp lý và lâu dài các giá trị của khối tài sản này để hiệu quả sẽ tạo nguồn bảo trì các công trình thường xuyên và hiệu quả. “Một trong số những cách làm hiệu quả đó là việc thông qua du lịch. Bản thân mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa và lại còn đẹp nên đều có thể trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn”, KTS Minh Trí nói.
Được biết, TP.Hải Phòng hiện có hơn 300 biệt thự kiểu Pháp. Trong đó, hơn 100 công trình có kiến trúc độc đáo và ý nghĩa lịch sử cần bảo tồn, gìn giữ và phát huy.
Ông Võ Quốc Thái, nguyên Phó giám đốc Sở Xây dựng Hải Phòng thì việc bảo tồn kiến trúc Pháp ở TP.Hải Phòng không nên đi vào từng công trình cụ thể mà nên xây dựng đề án tổng thể cho các tuyến phố nội đô (phố Tây trước đây). “Đầu tiên là TP.Hải Phòng cần tuân thủ việc hạn chế phát triển, cải tạo chỉnh trang kết hợp xây mới, không thay đổi lớn về cơ cấu sử dụng đất, tránh quá tải về hạ tầng đô thị, tầng cao trung bình 3 - 5 tầng khu nội thành cũ như trong Quyết định số 1448 ngày 16.9.2009 của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050, đã nêu rõ. Thứ 2 là có sự đánh giá tổng thể các công trình pháp về hiện trạng và lên phương án sử dụng, tránh tình trạng các công trình kiến trúc Pháp bị cô lập rồi dần dần bị đập bỏ. Ví dụ như toà nhà của VKSND Q.Hồng Bàng đang bị bỏ không hiện nay đã có đề xuất làm Bảo tàng văn học TP.Hải Phòng”, ông Võ Quốc Thái đề xuất.
Ngày 13.7.2021, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng vừa ký Quyết định 1981/QĐ-UBND về thành lập Hội đồng xác định danh mục nhà ở, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, kiến trúc, văn hóa, lịch sử cần được giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ trên địa bàn TP.Hải Phòng. Hội đồng gồm 17 người là lãnh đạo các Sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan. Hội đồng căn cứ theo quy định pháp luật có liên quan để xác định, đánh giá, phân loại và xác định danh mục nhà ở, công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật, kiến trúc văn hóa, lịch sử cần được giữ gìn tôn tạo và bảo vệ trên địa bàn TP.Hải Phòng.