Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.045
123.235.354

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chợ U Minh - xóm chợ trên mảnh đất anh hùng
Chợ U Minh năm 2022 PHẠM KHÁNH DUY Nằm bên bờ sông Cái Tàu, chợ U Minh (tọa lạc tại thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) là khu chợ lớn nhất của huyện.

 

Chợ U Minh nói riêng và huyện U Minh nói chung, tính đến nay, đã tồn tại hơn 40 năm. Đây là nơi giao thương, trao đổi hàng hóa chính của người dân thị trấn U Minh và các xã lân cận như Nguyễn Phích, Khánh Thuận, Khánh Hòa, Khánh Lâm, Khánh Tiến…

Trải qua những cuộc chiến tranh, nơi đây bị tàn phá nặng nề bởi bom đạn và chất độc hóa học (trong kháng chiến chống Mỹ) của kẻ thù xâm lăng. Với sự kiên cường, bản lĩnh và khả năng vươn dậy mạnh mẽ, người U Minh đã xây dựng lại mọi thứ trên nền đổ nát. Ngày nay, chợ U Minh hoạt động với không khí sôi nổi, sầm uất, trở thành điểm nhấn của vùng đất U Minh đang trên đà phát triển.

“Áo mới”… chợ U Minh

Đứng ngay trung tâm thị trấn U Minh (phía chợ U Minh), không ai nghĩ rằng đây là cái chợ tòm tèm, chật chội, mất vệ sinh hơn mười năm về trước. Trước khi được tu sửa, chợ U Minh từng là nơi đông đúc, người mua chen chúc, người bán lấn chiếm lòng lề đường gây cản trở giao thông. Khu nhà lồng chợ ngày trước tối tăm, ẩm thấp, lối đi chật hẹp, chợ thực phẩm tươi sống lụp xụp, tanh hôi, nước đọng, vào mùa mưa thường diễn ra cảnh ngập ngụa lầy lội, trông rất mất thẩm mỹ, mất vệ sinh. Đáng nói hơn là đoạn sông Cái Tàu trước chợ U Minh và dòng Kinh 12 cạnh chợ cá và nhà dân đầy rác rưởi. Rác thải từ chợ bị đổ trực tiếp xuống dòng nước vô tội vạ, chẳng bao lâu nước đen ngòm, cá chết sạch, quãng sông này lúc nào cũng phảng phất mùi tanh hôi khó chịu. Tình trạng chợ U Minh giai đoạn đó bị ô nhiễm trầm trọng.

Sau thời gian thi công xây dựng, chỉnh trang lại, năm 2019, chợ U Minh khoác lên mình diện mạo mới khang trang, sạch sẽ hơn. Mặt ngoài của chợ U Minh được thiết kế đơn giản, gọn gàng đúng với phong cách của con người nơi đây. Bên trong nhà lồng chợ, các gian hàng của tiểu thương được phân bố ngăn nắp, lối đi rộng rãi, không gian sáng sủa thoáng mát. Chợ thực phẩm tươi sống cũng thoáng đãng và khô ráo hơn, không còn cảnh nước ngập khi trời mưa. Trước chợ U Minh là bãi xe rộng rãi, từ chân cầu Kinh 12 hướng về cầu Cái Tàu là những sạp rau củ quả, hàng cá, những cửa hiệu san sát nhau hai bên con đường rộng để xe cộ lưu thông qua lại.

Đặc biệt, với sự quan tâm của ban quản lý thị trường, cảnh giành khách ồn ã, tranh chỗ, vi phạm vấn đề bảo vệ môi trường, cản trở giao thông… không còn tái diễn. Chị Huệ Thư (sinh năm 1997) chia sẻ: “Khi đi đến chợ, tôi cảm thấy thoải mái vì không gian sạch sẽ thoáng mát trong chợ. Bên cạnh đó, trong khuôn viên chợ U Minh ngày nay còn có sự xuất hiện của các quán cà phê, trà sữa, mì cay… - những loại đồ ăn thức uống của giới trẻ. Chợ U Minh ngày nay thật sự là điểm mua bán lý tưởng của người dân xứ này”.

 

Hàng hóa phong phú đa dạng

 

Chợ U Minh là nơi tập trung nhiều loại hàng hóa. Về thực phẩm tươi sống, bên cạnh các loại quần áo, rau củ, trái cây, thịt cá… quen thuộc mà chợ nào cũng có, chợ U Minh còn nổi tiếng với thủy hải sản. Được thiên nhiên ưu đãi, vùng đất U Minh có hệ sinh thái rừng tràm, hệ thống sông ngòi dày đặc nên nguồn cá tôm rất phong phú, đáng kể đến là các loại cá đồng như các lóc, cá dầy, cá trê, cá rô… Mặt khác, do nằm gần cửa biển Khánh Hội nên hải sản tươi sống nhanh chóng được đưa đến chợ U Minh. Vì thế, hải sản ở đây rất tươi ngon, thậm chí vẫn còn sống mà giá cả lại rất phải chăng. Một số loại hải sản phổ biến như mực ống, bạch tuộc, cá khoai, cá sòng, cua ghẹ… Một số mặt hàng thủy hải sản kể trên đảm bảo về mặt chất lượng, tiểu thương cũng nói không với việc nói thách giá. Có thể xem thủy hải sản là mặt hàng bán chạy nhất ở chợ U Minh.

 

Những năm trước đây, dãy chợ phía bên bờ Kinh 12 là nơi tập trung mua bán các loại cá đồng, rắn, rùa, kình đước… Những “sản vật” từ những cánh rừng tràm bạt ngàn được đưa đến đây tạo thành khu chợ cá nổi tiếng. Tuy nhiên những năm gần đây khu chợ cá này đã bị giải thể vì nhiều nguyên nhân: thứ nhất, khu chợ nhốn nháo vừa mất mỹ quan, vừa ô nhiễm môi trường, tạo ra mùi tanh hôi gây khó chịu cho người đến chợ; thứ hai, chợ cá là nơi trao đổi mua bán những loại thủy sản nằm trong “danh sách cấm”, chẳng hạn như cá ròng ròng (cá lóc con), cá rô non, rắn hổ mang, rái cá…

 

Việc mua bán các loại cá con ảnh hưởng rất lớn đến tài nguyên thiên nhiên, dễ dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn thủy sản nơi đây. Rất may mắn việc làm đó đã bị cơ quan có thẩm quyền kịp thời ngăn cấm. Ngày nay, chợ U Minh vẫn là nơi buôn bán mặt hàng thủy sản phong phú, tuy nhiên những mặt hàng đó nằm trong phạm vi cho phép của cơ quan chức năng.

Người dân U Minh sống chủ yếu dựa vào tự nhiên như sông ngòi, rừng tràm, biển cả. Nghề đánh bắt thủy hải sản là một trong những nghề chính của người dân xứ này. Bởi thế, tại chợ U Minh, những dụng cụ đánh bắt cá tôm được bán rất nhiều và rất đắt hàng. Đó là lờ, lợp, lưới để bắt cá, lú để bắt tôm, rập để bắt cua, các loại nhợ câu, lưỡi câu cho ngư dân theo tàu đi biển đánh bắt hải sản.

Những sản phẩm thông thường kể trên, qua bàn tay khéo léo của người U Minh, vừa đảm bảo công dụng đánh bắt tôm cá, vừa mang tính thẩm mỹ cao độ. Ngoài ra, sản phẩm đan đát như thúng, rổ, rá, nia, sịa, sề… cũng là một trong những mặt hàng thủ công mỹ nghệ được bày bán nhiều tại chợ U Minh. Người dân sống bên bờ sông Cái Tàu có nghề đan lát truyền thống, sản phẩm đan lát được bán lại cho tiểu thương, sau đó bày bán ở chợ. Đây cũng là một nét riêng của chợ U Minh mà chợ ở những vùng miền khác không có.

Qua bao phen đổi thay, chợ U Minh hôm nay đã khoác lên mình “tấm áo mới”, trở thành khu chợ lớn nhất huyện, nơi tập trung mua bán, trao đổi hàng hóa của người trong và ngoài huyện. Sự phát triển của chợ U Minh góp phần thúc đẩy sự phát triển của huyện nhà, của vùng đất U Minh huyền thoại. Hơn thế nữa, chợ U Minh còn là hình ảnh thân thương đậm sâu trong ký ức của nhiều người. Từ mảnh đất này, biết bao người đã bay xa, bay cao, thành công và trở về phục vụ quê hương để U Minh ngày thêm giàu đẹp.

 

 

 

 

Phạm Khánh Duy - TN0
Tin tức khác