Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.816 tác phẩm
2.758 tác giả
383
122.789.861

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nam kỳ ngao du: Một chút Âu châu trong lòng Sài Gòn
Quai de Belgique (góc đường Adran) năm 1921 qua ống kính Ludovic Crespin, nay là Bến Chương Dương và góc Hồ Tùng Mậu THƯ VIỆN QUỐC GIA PHÁP Trong đám người Âu thuộc lớp trung lưu nhỏ cũng có những “người tốt”. Dân An Nam biết những người đó. Ở Sài Gòn, ít nhất có một gia đình như thế. Đó là gia đình người chỉnh âm, buôn bán nhạc cụ.

 

 

Cha mẹ và con cái không tỏ vẻ ngạo mạn thực dân. Tuồng như họ thích ứng với sự dễ dãi, uyển chuyển và giản đơn của đời sống Viễn Đông. Cả nhà cùng chơi dương cầm và guitar. Bọn trẻ tới nhà người Hoa uống trà thảo mộc. Tôi đã thấy cô bé mười lăm tuổi “chạy việc” vui vẻ nhanh nhẹn như một đứa bé ở miền quê Pháp được các cụ già âu yếm gọi tên...

 

Người ta cũng nhắc tới một hai kiều dân đã An Nam hóa. Họ cưới một cô nàng An Nam, sống đời sống An Nam và nhập gia tùy tục. Đến lượt con gái của họ lại cưới người An Nam. Người ta kể rằng một trong số kiều dân đó có cô con gái góa chồng tái hôn, trước bàn thờ theo tục lệ, ông ta phải có lời thưa với người con rể quá cố: “Đừng trách vợ con đi lấy chồng mới. Chỉ tại con ra đi quá sớm. Con không còn ở đây để bảo vệ nó nữa…”.

Những ví dụ này không có giá trị chung. Ở Nam kỳ, kiều dân ít nhất cũng là một huyền thoại, một huyền thoại Âu châu. Tiếp điểm giữa Viễn Đông với chính quốc chỉ là lĩnh vực hành chính, tài chính, quân sự… Ở Sài Gòn có năm đến sáu ngàn người Âu, ở các tỉnh khác và ở Trung kỳ có chừng ngàn rưỡi tới hai ngàn người. […]

Khi tôi nghỉ phép, thằng bồi mang mũ cát vào phòng chờ cho tôi, nó dâng chiếc mũ một cách kính cẩn, cực kỳ khiêm hạ, sự cung kính đó chỉ còn có thể thấy trong rạp hát Âu châu và trong truyện cổ Ngàn lẻ một đêm. Ngay cả cử chỉ đó tôi cũng chưa đủ sức đánh giá. Và tôi không biết phải gọi tên cái dấu hiệu khúm núm đầy tính cứu rỗi này là gì.

Vài ngày sau tôi gặp ông chủ nhà ở hiên quán cà phê. Tôi ngồi vào bàn ổng. Một cậu bé An Nam bán báo chạy giữa những cái bàn. Nó đưa một tờ nhật báo cho ông bạn người Âu của tôi nhưng bị từ chối. Đứa bé không nài nỉ. Rồi nó quay lại lần nữa. Lão già phẩy tay hất tờ báo rơi xuống đất. Đứa bé không nói không rằng nhặt lên.

Tôi hỏi người bạn mình:

- Ở Paris anh có dám làm vậy không, khi ngồi uống cà phê ấy?...

Ông ta ấp úng. Ông ta xin lỗi. Tôi đã khuấy động chút gì của Âu châu trong lòng ổng.

Một sáng nọ tôi dạo chơi với anh bạn Nguyễn An Ninh trên đường phố Sài Gòn. Chúng tôi dừng lại trước một căn nhà và Ninh chỉ cho tôi một bàn thờ gia tiên kiểu cổ. Khi đó xuất hiện một bà lão tóc bạc phơ trang nghiêm và giản dị như một vài phụ nữ thị dân Âu châu. Bà mời chúng tôi vào nhà uống trà. Tôi không buồn vì không biết tiếng An Nam. Trong phút giây đó, bà cụ cho tôi nhiều hơn cả lời nói. Nếu từ quý phái có một nghĩa nào đó, thì cái dung dị đáng ngưỡng mộ của bà lão thật là quý phái. Ôi nụ cười mới ý nhị kín đáo làm sao. Bà thậm chí không hỏi Nguyễn An Ninh xem kẻ xa lạ đi cùng anh là ai.

 

Chúng tôi vào một nhà hàng An Nam và gặp một nhóm người Âu ở đó: Một thường dân đẫy đà lớn lối và vợ anh ta, cùng một trung sĩ trẻ tuổi điềm đạm kín đáo. Gã thường dân la hét thằng bồi: “Lau sạch cái khăn trải bàn cho tao… Đưa đây… đưa tao…”. Tôi đã quên mất món ăn mà gã đòi được phục vụ. Nhưng gã hét tên món ăn trong cửa tiệm đó không khác gì gã đang chỉ huy một quân đoàn trên thao trường.

Tôi xấu hổ trước mặt Ninh, xấu hổ thay cho Âu châu. “Tôi thề với anh, anh Ninh”, tôi nói đủ lớn để cả nhóm đó nghe thấy, “Ở Âu châu người ta nhận ra ngay cách một con người được giáo dục dù không biết y ta ăn cái món gì trong dĩa”. […]

Viên quản lý khách sạn đang ngồi uống cà phê. Thằng bồi chưa kịp mang liễn đường cho y. “Đường đâu…”, gã người Âu đó ré lên. Một tiếng ré chói gắt từ lồng ngực và cuống họng. Toàn bộ con người y đang gào thét trong một cơn thịnh nộ không ngăn được. Khi liễn đường đã được đặt trên bàn, y mở nắp liễn, sục lấy hai mẩu cùng một lúc bằng những ngón tay béo múp trông như cái mõm chó và thả vào trong tách cà phê. Những cử chỉ đó là một sự sỉ nhục không thể dung thứ. Viên quản lý không biết thế nào là văn hóa Âu châu hay văn hóa Pháp quốc. Tôi đồ rằng ngay cả một tên du côn An Nam cũng không lấy đường theo cách đó.

Một người lính đang đánh đập một phu xe vì ông này không muốn “đi thong thả”. Đại lộ Bonard, trước một cửa hàng tơ lụa do một người An Nam và bà vợ người Lyon điều hành. Thiếu phụ nọ bước tới gần anh lính và nói với anh ta rất nhẹ nhàng: “Này ông bạn… tử tế chút coi…”. Người lính quay lại hét vào mặt cổ: “Bà nhiễm thói nhà quê thì cứ việc, chứ tôi đây thì đừng mơ nhé…”. (còn tiếp)

 

 

 

 

 

Léon Werth - TN0
Tin tức khác