Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
421
122.786.244

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cụ cử Can lập đạo kinh doanh: Phương châm kinh doanh cho giới doanh thương
Tượng cụ Lương Văn Can tại tòa soạn Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn ĐÌNH BA Xã hội phong kiến cổ truyền của VN với tư tưởng Nho giáo chi phối, việc trọng nông ức thương cùng sắp xếp thang bậc xã hội “sĩ, nông, công, thương” cho thấy thương nhân và nghề buôn không được coi trọng. Trăn trở với thực nghiệp

 

 

Đến đầu thế kỷ XX, tư bản người Pháp, người Hoa, và cả Ấn Độ đã chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực kinh tế ở nước ta. Để đẩy mạnh thương nghiệp, nhiều phong trào “Chấn hưng thực nghiệp”, “Tẩy chay Khách trú”, “Chấn hưng thương trường” được người Việt phát động. Ngay cả những phong trào Duy tân, Đông du, Minh tân cũng ủng hộ mạnh mẽ thực nghiệp.

 

Với riêng cụ Ôn Như, dẫu được người đời biết đến qua Đông Kinh nghĩa thục phần nhiều, nhưng cụ còn là người lập thuyết cho thương nghiệp hiện đại nữa. TS Lý Tùng Hiếu trong bài Bối cảnh lịch sử và hoàn cảnh ra đời tư tưởng kinh doanh của danh nhân Lương Văn Can của hội thảo “Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can” vào tháng 11.2021 nhận định từ việc lập gia đình với Lê Thị Lễ, làm chủ hiệu buôn vải, việc kinh doanh của gia đình trước nhất ảnh hưởng tới tư tưởng của cụ. Sau này khi đi an trí tại Phnom Penh, cụ cùng con gái, con dâu lần lượt lập nên ba cửa hiệu, liên kết với các thương gia ở Sài Gòn tạo nên mối dây xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thực tiễn sinh động của gia đình, đất nước chính là chất liệu để cụ chiêm nghiệm, đúc rút viết nên hai tác phẩm quan trọng Kim cổ cách ngôn (KCCN, Nghiêm Hàm ấn quán, 1926) và Thương học phương châm (THPC, Nhà in Thụy Ký, 1928, sách in sau khi cụ mất). Hai tác phẩm này, nhất là THPC đã đặt nền tảng cho “thương học” (khoa học kinh doanh), “thương đức” (đạo đức kinh doanh) và “thương tài” (năng lực kinh doanh) của giới doanh nhân ngày nay.

Nói về lý do viết sách, cụ Lương Văn Can bày tỏ trong phần “Tựa” sách THPC là bởi người đời khinh nghề buôn, xem đó là nghề tham lợi, thiếu thành thực, lại do giao thông bất tiện nên sự buôn bán không được thông, thịnh. Nhưng thời thế đổi thay, nay (thời điểm viết sách) giao thông thuận tiện cả trong nước và thế giới. Nhiều quốc gia nhờ thông thương mà trở nên giàu có. Còn nước ta ít lo thực nghiệp, buôn bán lại thiếu “thương học” (kiến thức nghề buôn). “Nếu không biết thương học đủ cả thương đức, thương tài thì không được”.

Xác lập đạo làm giàu chân chính, trung thực

Lương Văn Can xác định vai trò quan trọng của thương nghiệp. Buôn bán, hay thương nghiệp ảnh hưởng đến sự giàu nghèo của quốc gia, bởi “phi thương bất phú”. Trong THPC, cụ ghi: “Các đại quốc do thông thương mà làm được phú cường, các nhà đại tư bản do kinh thương mà phú gia địch quốc”.

Muốn thực hành nghề buôn phải thông thạo nghề, phải biết khoa học buôn bán, quản trị, tức phải có “thương học”, và trước hết phải “có tư bản”, tức có vốn. Những mô hình công ty như công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ phần… nay ta đã quen, thì trong bài Tổ chức sự buôn của THPC, cụ chỉ rõ các loại hình này.

Để buôn bán được trên thương trường, phải có năng lực kinh doanh. Nào là phải cần kiệm vì “cần thì làm ra của, kiệm thì ít tốn của, cần mấy kiệm là cái đạo trị sinh vật” (KCCN); lại phải thạo tính toán “làm việc gì cũng phải biết tính mà làm nghề buôn thì lại càng nên học tính, có tính thì mới suy hơn quản thiệt, mới biết số xuất nhập bao nhiêu” (THPC); sổ sách, tiền bạc chi ra thu vào phải luôn để tâm “thế là phép rất tốt của nhà buôn bán” (KCCN). Giỏi nghề, nhưng không được tự mãn mà phải có chí tiến thủ, học hỏi không ngừng thì mới nên được sự nghiệp: “Thế giới tiến hóa vô cùng thì người ta tiến thủ cũng phải vô cùng, nếu không gắng sức tiến thủ thời không thành được sự nghiệp lớn”.

Đối với nhà buôn, cần có thương đức - đạo đức kinh doanh. Đó là sự trung thực, ngay thẳng, “đại khái người ta sửa sang buôn bán hẳn là trước phải giữ lấy tâm địa cho tốt, đồ hàng phải cho chân thật” (KCCN) chứ không được gian tham, cầu lợi nhiều, bán buôn lọc lừa; “phàm dùng thước đo, cân đong tất nhiên công bằng đều đặn không tham lợi nhỏ, để thiệt cho người khác, thế tức là thiện vậy” (KCCN).

“Của gì có lợi tự nhiên mình cứ theo lẽ tự nhiên, thời không có lòng nghĩ càn mà không đến nỗi phải mạo hiểm, đến như người chứa gạo mà mong giá gạo đắt, chứa vải mà mong giá vải cao, thời là cái lòng không bình” (KCCN). Buôn bán phải thành thực, xây dựng lòng tin của khách thì mới được bền vững, lâu dài: “Phải nhan sắc vui vẻ tiếp đãi ân cần, vô luận mua được hay không, dẫu năm lần bảy lần vẫn cứ tình nghĩa như cũ, thời dẫu lần trước không mua được mà lần sau hẳn muốn đến hàng mà mua” (THPC).

Cụ Ôn Như đã bày tỏ từ sớm về nhận diện thương hiệu, nhãn hàng: “Hiệu buôn hoặc dùng tên mình, hoặc đặt chữ mới định, rồi đem trình chính phủ, dấu hiệu làm vuông, hoặc làm hình bồ dục, hình tròn cũng tùy ý, ở một phố cùng buôn một nghề, đặt hiệu không được trùng nhau”. Việc bán buôn, chọn thế đất buôn bán phải nơi đông đúc, tiện bến bãi, giao thông. Cách bày hàng, bán hàng, giao tiếp, quảng cáo cũng được chỉ dẫn trong THPC. Ngày nay, dù hoạt động kinh doanh đã ở thời công nghệ, những lời vàng ý ngọc của cụ vẫn có ý nghĩa phổ quát. Cũng vì thế, cụ Lương Văn Can được xem là người thầy của giới doanh nhân Việt Nam.

(còn tiếp)

 

 

 

Trần Đình Ba - TN0
Tin tức khác