Đa số dân cư theo Hồi giáo, người Hunza có khuôn mặt rất “Tây”, với mũi cao, mắt sâu màu xanh như lai châu Âu. Con người vùng này đẹp theo kiểu Trung Á, phong cách vừa bí ẩn, cuốn hút, vừa hồn nhiên, ngây thơ khó tả. Trẻ con ở Hunza xinh như thiên thần: đôi mắt sâu thăm thẳm, má đỏ hây hây, tóc nâu, da bánh mật.
Pakistan là đất nước Hồi giáo. Nói đến Hồi giáo, có lẽ bạn sẽ nghĩ tới hình ảnh phụ nữ quấn khăn che mặt kín mít từ đầu đến chân. Vậy thì bạn sẽ thấy ngạc nhiên tột độ khi tới thung lũng Hunza, vì phụ nữ ở đây không phải mang khăn che mặt khi ra đường, không mặc đồ đen thui. Ngược lại, quần áo của họ đầy màu sắc. Ở họ toát lên vẻ thân thiện, hiền hậu, dễ mến, chứ không khó gần như nhiều nơi khác.
Phải nói rằng thung lũng Hunza là một phần hoàn toàn khác biệt, kiểu độc tôn duy nhất, một mình một hướng ở Pakistan. Trong khi phần lớn người Pakistan theo đạo Hồi dòng Sunni thì người Hunza lại theo một nhánh nhỏ của dòng Shia, nhánh này gọi là Ismailism. Ismailism tuy nhỏ nhưng rất đặc biệt, được coi là nhánh cách tân và có tư tưởng phóng khoáng nhất đạo Hồi.
Khi dạo chơi quanh làng Gulmit, chúng tôi may mắn bắt gặp một ngôi trường tiểu học. Các em bé đang trong giờ kiểm tra, và tôi không khỏi bất ngờ trước sự kỷ luật và nghiêm túc của các em. Mỗi em học sinh ngồi một góc ngoài sân làm bài, cô giáo đứng giữa sân quan sát, nên chẳng bạn nhỏ nào quay cóp hay hỏi bài nhau được, tự thân vận động mà làm.
Từ ngày đầu tới thung lũng Hunza, tôi đã rất ấn tượng và ngạc nhiên khi ở một nơi xa xôi như thế này mà từ trẻ con, thanh niên đến cả những người lớn tuổi gặp trên đường đều có thể giao tiếp với tôi bằng tiếng Anh. 70% người dân Hunza có thể nói tiếng Anh, và tỷ lệ biết chữ ở Hunza cũng cao nhất đất nước Pakistan.
Tôi đem sự ngưỡng mộ của mình đi hỏi giáo viên của trường thì được biết, sở dĩ giáo dục ở Hunza tốt như vậy vì 3 lý do sau.
Sự đóng góp của gia tộc Aga Khan
Từ đầu thế kỷ 20 cho tới nay, gia tộc Aga Khan được coi là lãnh tụ tinh thần của những người dân theo đạo Hồi dòng Shia ở Hunza. Năm 1946, ngài Sultan Muhammad Shah - Aga Khan III đã bảo trợ và xây dựng 16 trường học có tên là Diamond Jubilee. Hơn thế, ngài đã thuyết phục các Mir - người đứng đầu bang Hunza chú trọng hơn vào giáo dục. Năm 1957, cháu nội của ngài là hoàng tử Safdar Agha Khan lên kế vị và thành lập mạng lưới phát triển Aga Khan (AKDN - The Aga Khan Development Network). AKDN đã xây dựng hơn 160 trường học, đầu tư cơ sở vật chất, đưa vào giảng dạy các chương trình giáo dục cải tiến, chính sách học bổng cho học sinh. Lãnh đạo trường học là những người có kiến thức và tâm huyết. Hàng chục ngàn học sinh và giáo viên đã được đến trường. Nhờ có AKDN, học sinh và sinh viên ở Hunza đã được hưởng rất nhiều lợi ích. Trường học từ tiểu học cho tới đại học, ký túc xá đều có khuôn viên rộng được bao bọc bởi núi tuyết và cây cối xanh mướt. Ở trường, trẻ em được dạy học bằng tiếng Urdu và tiếng Anh bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Wakhi. Sau khi học hết cấp hai, các bé gái có thể đăng ký vào trường trung học dành cho nữ sinh Aga Khan, nơi chỉ dạy môn toán và khoa học. Các học sinh, sinh viên của Hunza hiện đang hoạt động ở rất nhiều lĩnh vực và ngành nghề như y học, kỹ thuật, nông nghiệp, giảng dạy, nghiên cứu, công tác xã hội và điều dưỡng.
Người dân Hunza theo đạo Hồi dòng Shia Ismailism
Như đã nói, người dân Hunza là người Hồi giáo theo dòng Shia Ismailism - nhánh ôn hòa nhất của đạo Hồi. Họ không bắt phụ nữ che kín cơ thể bằng khăn; phụ nữ và đàn ông bình đẳng như nhau; trẻ em gái và phụ nữ được tôn trọng ở Hunza. Họ rất coi trọng giáo dục và có suy nghĩ: Giáo dục là nền tảng cho một cuộc sống bền vững, và tri thức là khởi nguồn của sự giàu có. Cha mẹ ở Hunza tin chắc rằng, điều tốt nhất họ có thể làm cho con cái là giúp chúng có được một nền giáo dục tốt. Họ sẵn sàng gửi con mình đến các thành phố xa như Karachi, Lahore, Peshawar… để chúng được học tập ở những ngôi trường chất lượng cao.
Sự đầu tư từ chính phủ Pakistan
Chính phủ Pakistan bắt đầu mở các trường công lập và các trường cộng đồng ở khu vực phía Bắc, bao gồm Hunza. Năm 1991, một ngôi trường cộng đồng kiểu mẫu có tên Al-Amyn Model School đã được thành lập ở làng Gulmit, mang lại cho người dân địa phương những trải nghiệm mới, giúp họ cảm nhận được kết nối gần gũi hơn giữa phụ huynh và nhà trường. Tại đây, cha mẹ và ông bà được mời đến trường để chia sẻ những kinh nghiệm sống, đưa ra những lời khuyên cho thế hệ trẻ. Từ thành công của Al-Amyn Model School, rất nhiều trường cộng đồng đã được xây dựng tại Hunza trong những năm qua. (còn tiếp)
(Trích từ Con đường tơ lụa: Vạn dặm xa từ Pakistan tới Tây An, Chibooks và NXB Lao động ấn hành)