Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
436
122.785.374

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
MV nhạc Việt đầu tư lớn nhưng gây thất vọng
MV Chưa đủ để giữ em của Trấn Thành NSCC Hiện tại, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ra mắt sản phẩm âm nhạc mới, có sự đầu tư về nhiều mặt, nhưng vẫn flop (rơi tõm, thất bại) vì thiếu đột phá và rập khuôn, đạo nhái ý tưởng, ca từ nhảm nhí…

 

 

Tiếng tăm có sẵn cũng không “cứu” nổi sản phẩm tệ

 

Mới đây, hai sản phẩm âm nhạc mới nhất của Trấn Thành, Hari Won đều không tạo được hiệu ứng tốt, thậm chí gây thất vọng vì giọng hát tệ. MV Chưa đủ để giữ em (thể loại pop ballad, Vương Anh Tú sáng tác) của Trấn Thành ra mắt cách đây 3 tuần trên YouTube nhưng chỉ thu hút 1,2 triệu lượt xem; còn MV Như anh đã mong chờ (cũng phong cách ballad, có pha một chút R&B, do Trịnh Thăng Bình sáng tác) của Hari Won đạt hơn 2 triệu lượt xem. Nhiều khán giả chê “dù MV có đầu tư về hình ảnh cổ trang, nhưng giọng hát còn hạn chế, lộ rõ nhiều khuyết điểm trong cách xử lý bài”. Trấn Thành xử lý nhiều nốt nhạc còn thô, thiếu sự mềm mại, lối hát đều đều… nên không tạo được cảm xúc mạnh với người nghe. Trong khi đó, giọng hát của Hari Won vẫn là điểm trừ, phát âm tiếng Việt còn chưa rõ lời khiến chất lượng ca khúc sụt giảm. Trước đó, Ðông Nhi với 2 MV Ðôi mi em đang u sầu, Chớ nên về sớm… không gây được tiếng vang mà còn bị chê đạo nhái, âm nhạc cũ kỹ.

Gây chú ý nhiều trong thời gian này lại là những ca khúc có phần lời nhảm nhí, vô nghĩa tràn lan trên mạng xã hội và không ít ca sĩ vì chạy theo view đã sản xuất ra những MV kém chất lượng. Tất cả đứng im đánh dấu sự trở lại của Ngô Kiến Huy nhưng bị đánh giá là nhảm nhí, vô nghĩa với câu hát: “Tất cả đứng im, không được nhúc nhích”. Chi Pu khi ra mắt 2 MV Black Hickey và Sashimi cũng vấp phải chỉ trích nặng nề, bị cho là gợi dục, cổ xúy ngoại tình nơi công sở, ca từ nhạy cảm, đầy ẩn dụ về chuyện tình dục… khiến cô phải tạm dừng hoạt động âm nhạc. Ừ! em xin lỗi của Hoàng Yến Chibi khiến khán giả bình luận: “Không hiểu ý nghĩa của ca khúc là gì?”, “Nghe đau cả đầu”… Phần điệp khúc của Ừ! em xin lỗi lặp đi lặp lại: “Anh muốn chia tay á, không dễ đâu anh” và “Sit down, Sit down, Sit down” khiến khán giả đặt câu hỏi ý nghĩa lẫn thông điệp của bài hát do Khắc Hưng sáng tác là gì.

 

Nhiều khán giả cũng tỏ ra thất vọng với các sản phẩm âm nhạc của một số ca sĩ Việt khi vay mượn quá nhiều ý tưởng của các MV nước ngoài, như MV Ngôi sao cô đơn của ca sĩ Jack, hoặc giai điệu của ca khúc Ðáp án cuối cùng của ca sĩ Quân A.P giống một ca khúc nhạc Hoa. Bên cạnh đó, có không ít sản phẩm vừa ra mắt đã khiến khán giả thất vọng, khi ca sĩ biến MV thành công cụ để quảng bá cho các thương hiệu kinh doanh một cách lộ liễu và phản cảm, mất hết tính nghệ thuật.

 

Cảnh báo về “nạn” ca khúc nhảm nhí, vô nghĩa

 

Sự xuất hiện tràn lan các bài hát có ca từ vô nghĩa, nhảm nhí khiến thị trường nhạc trở nên hỗn loạn, nhất là khi nhiều ca sĩ nổi tiếng cũng đua theo xu hướng này. Tình trạng biến những lời nhảm nhí thành ca khúc không phải mới xuất hiện mà đã là “vấn nạn” của nhạc Việt thời gian qua. Nhạc sĩ ViruSs cho rằng không chấp nhận nổi khi một nhạc sĩ lại viết ra những câu ngô nghê như: “Sừng không tự nhiên sinh ra/Sừng không tự nhiên mất đi/Mà chỉ là chuyển từ đầu/Người này sang đầu người khác/Cắm sừng ai thì cắm chứ anh đừng cắm sừng em anh nhé” (MV Cắm sừng ai đừng cắm sừng em của ca sĩ Phí Phương Anh). Gay gắt hơn, nhà sản xuất âm nhạc ViruSs còn “cầu xin” cư dân mạng ngừng chia sẻ những ca khúc kiểu này để tránh tạo nên thị hiếu nghe nhạc dễ dãi cho giới trẻ.

 

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, một bài hát phải đẹp từ giai điệu đến ca từ, đẹp từ nội dung ý nghĩa đến cả tựa đề, đó mới là sự hoàn mỹ và là âm nhạc đích thực. Người sáng tác phải miêu tả cái đẹp, tôn vinh cái đẹp, giữ gìn cái đẹp; và phần ca từ vẫn là yếu tố quan trọng để người xem có đánh giá cao, nhớ lâu đến một sản phẩm âm nhạc hay không.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Cường nêu ý kiến: “Rõ ràng là trong thời gian qua có hiện tượng một loạt ca khúc rộ lên, bị chỉ trích ở ca từ nhảm nhí, vô nghĩa. Tất nhiên ca khúc nào tệ hại sẽ bị đào thải sớm, nhưng nếu không cảnh báo và lên tiếng đánh động sẽ dễ trở thành một trào lưu, bởi chính cái sự quái lạ của các bài hát đó lại được nhiều bạn trẻ chia sẻ, nghe đi nghe lại để giải trí. Mạng xã hội thường tạo trend cho những bài hát nhảm nhí, và càng bất bình thường thì ca khúc càng dễ được chú ý, lâu dần sẽ “đầu độc” cả nền âm nhạc và thị hiếu công chúng”.

Có thể thấy, giữa bối cảnh thị trường âm nhạc Việt lẫn thế giới ngày càng phát triển, công chúng sẽ càng mong đợi hơn ở sự đa dạng, sáng tạo từ giới ca sĩ, nhạc sĩ, đặc biệt là yếu tố chỉn chu, có tính thẩm mỹ trong ca từ, nội dung bài hát; và khán giả hiện tại hoàn toàn có “quyền lực” trong việc đón nhận hay tẩy chay những MV “độc hại” và yêu cầu những sản phẩm nghiêm túc, trau chuốt hơn nữa từ những người làm nhạc.

 

 

Phan Cao Tùng - TN0
Tin tức khác