Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn, người dòng dõi họ Phạm ở Lương Đường, Hải Dương, có nhiều người học hành, đỗ đạt.
Ông bà sinh 8 người con (6 trai, 2 gái). Bà Tú là một phụ nữ tiêu biểu cho phụ nữ Việt Nam xưa: thương chồng, thương con, tần tảo, nhẫn nại, quên mình. Tú Xương là người làm thơ về người vợ, từ hình ảnh chính bà Tú, sâu sắc và độc đáo vào bậc nhất trong văn chương Việt.
Không nghi ngờ gì nữa, bài thơ Thương vợ của Tú Xương là kiệt tác. Văn tế sống vợ của ông là thi phẩm kỳ diệu, có một không hai ở đời.
Tú Xương có nhiều lần viết về vợ hoặc nhắc đến vợ trong thơ và phú của mình, nhưng Thương vợ là áng thơ toàn bích nhất, thể hiện đầy đủ nhất người vợ yêu dấu của ông, và qua đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam với những phẩm chất quý báu, hun đúc từ trong truyền thống giống nòi.
Vốn xuất thân là “con gái nhà dòng” mà bà Tú phải chịu phong trần, lấm láp để đảm đương gánh nặng gia đình “năm con với một chồng”, bằng cái nghề buôn bán mà lúc bấy giờ vẫn bị coi là hạ cấp. Thế nhưng bà Tú chẳng nề hà, sẵn sàng chấp nhận mọi khó nhọc để trổ tài “buôn chín bán mười” ở “đầu sông cuối bãi”, như con cò lận đận ở mom sông. Nuôi con đã đành, đằng này bà còn phải nuôi cả chồng, mà đó là người đàn ông lắm thói ăn chơi: Ăn rặt những thịt quay, lạp sườn; mặc rặt những quần vân, áo xuyến; nghiện chè, nghiện rượu, nghiện cả cao lâu... Để nuôi bầy con nheo nhóc, đáp ứng những nhu cầu của ông chồng “phong lưu nhất mực”, bà phải lam lũ, eo sèo buổi đò đông, lặn lội, sớm khuya nơi bến nước. Cực nhọc, vất vả đến vậy thế nhưng bà Tú chỉ coi đó là chuyện “một duyên, hai phận” nên phải đành lòng chịu “năm nắng mười mưa”.
Về mặt nghệ thuật, Thương vợ thể hiện tài năng sử dụng tiếng Việt bậc thầy của Tú Xương. Mượn con cò trong ca dao xưa, ông dựng nên hình ảnh con cò lặn lội ở quãng vắng mom sông, thể hiện tình cảnh vất vả, chịu thương, chịu khó của bà Tú đầy cảm động. Những từ ngữ bình dân, quen thuộc “mom sông”, “eo sèo”, “lặn lội” khi đặt vào đúng vị trí của nó, bên cạnh những “thân cò nơi quãng vắng”, “mặt nước buổi đò đông” đã khiến câu thơ Tú Xương trở nên sinh động, mang đầy năng lực diễn cảm thi ca.
Phụ nữ Việt Nam thời cận đại
TƯ LIỆU CỦA VIỆN VIỄN ĐÔNG BÁC CỔ
Hai câu kết bài thơ Thương vợ, Tú Xương đã khéo léo tự trách mình. Một lời trách nhẹ nhàng mà giấu bao nhiêu chua chát:
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không.
Cái chữ thì “hờ hững” mà lòng thì nồng ấm biết bao nhiêu.
Chuyện kể rằng, sau lần hỏng thi năm Canh Tý (1900), ông Tú chán đời, nên chơi bời có phần phóng túng hơn, bà Tú can ngăn mãi không được, nên dọa tự tử. Ông Tú thấy mình sai, hối hận, viết bài Văn tế sống vợ tỏ hẳn sự trân trọng và lòng tri ân đối với người vợ hiền, trong đó có mấy câu:
Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ
Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ.
Thế nhưng, bà Tú không đi tu, ông Tú cũng không kịp nuôi con cho có rể có dâu. Ngày 15 tháng chạp năm Bính Ngọ (28.1.1907), Tú Xương đột ngột qua đời, khi mới 37 tuổi. Bà thay ông nuôi đàn con khôn lớn, rồi theo ông vào năm 1931, hưởng thọ 62 tuổi. Á Nam Trần Tuấn Khải (1894 - 1983), nhà thơ gần như cùng thời với Tú Xương, hay tin bà Tú qua đời đã có bài thơ Viếng bà Tú Xương.
Hơn sáu mươi năm đất Vị Hoàng,
Mẹ hiền, vợ đức đã reo gương.
Nếm chung trời Việt trăm cay đắng,
Vững với con Côi một mối giường.
Bia miệng đã nên trang khổn phạm,
Nếp nhà không thẹn dấu văn chương.
Tấm thân tuy thác, danh nào thác,
Hồn cũng thơm lây dưới suối vàng.
Hậu thế biết ơn ông Tú Trần Tế Xương đã để lại một di sản văn chương kiệt xuất, lại càng biết ơn một bà Tú đã chia sẻ, chịu đựng bao nhiêu cay đắng tân khổ cùng ông. Tú tài Trần Tế Xương mãi mãi rạng danh trong văn chương Việt, và cũng mãi mãi một hình ảnh đẹp đẽ, nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam trong hình hài bà Tú đất Vị Hoàng.
(còn tiếp)