Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.067
123.234.208

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Huyền bí đảo Lý Sơn: Chùa Hang - nơi tiên đối ẩm với người trần
Nội điện chùa Hang Lê Hồng khánh Những ghi chép của nhà khảo cổ học người Pháp H.Parmentier, lời khẩu truyền trong dân gian và một vài dấu tích ít ỏi còn lại cho thấy chùa Hang vốn đã là một hang đá được người Chăm sử dụng làm nơi cư trú hoặc thờ tự trước khi người Việt đặt chân lên đảo Lý Sơn.

 

 

Chùa Hang (Thiên Khổng thạch tự 天 孔 石 寺) nằm về hướng đông bắc cù lao Ré (đảo Lớn), thuộc địa phận xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.

Khi người Chăm di chuyển vào phương Nam thì hang đá chùa Hang rơi vào hoang phế, thâm u rồi trở thành nơi ẩn nấp của loài dơi và muôn thú. Ban ngày ánh sáng chiếu xuống mặt biển, rồi hắt ngược vào vách đá, chập chờn sáng tối dệt nên những hình thù kỳ dị, biến ảo không ngừng. Ban đêm lập lòe những ánh ma trơi kèm theo tiếng cú rúc từng hồi. Biết bao nhiêu câu chuyện ly kỳ được người đời sau kể lại mà chắc chắn có không ít điều thêu dệt. Lúc này người Việt từ đất liền cũng đã ra sinh sống ở Lý Sơn một thời gian, nhưng hang đá và vùng chung quanh chưa có ai đặt chân đến.

 

Trong số những truyền ngôn đó, có câu chuyện một vị đạo sĩ lấy hang đá làm nơi náu mình. Ông sống cùng đám thú hoang, bè bạn với chim muông, vui đùa cùng các loài thủy tộc, hái rau rừng làm thức ăn, hứng giọt sương đọng trên phiến lá làm thức uống. Thỉnh thoảng ông mới ra khỏi hang, đầu đội nón lá rộng vành che khuất khuôn mặt phong sương, chiếc áo khoác bạc màu giấu bên trong một thanh kiếm báu.

 

Lần theo gia phả và lời di huấn của các dòng họ đầu tiên khai phá làng An Hải người ta biết rằng cách nay chừng 4 thế kỷ, thời vua Lê Kính Tông, mấy anh em nhà ông Trần Công Thành là những người đầu tiên tìm đến hang đá. Người em út về sau không biết vì lý do gì đã ở lại trong hang mà không quay về nhà. Người đời sau tin là ông học phép tu tiên, rồi đắc đạo. Những người đi biển nói có vài lần bắt gặp ông vào đất liền để trò chuyện, chơi cờ, đối ẩm với ông coi lò rượu ở ghềnh đá Thạch Ky. Ngửa chiếc nón và đặt xuống biển, đạo sĩ ngồi lên, nón biến thành thuyền, gió nổi đưa thuyền và người lao đi vun vút trên mặt biển.

 

Hang đá trời sinh

 

Chùa Hang là hang đá thiên nhiên lớn nhất trong hệ thống hang đá ở Lý Sơn, hình thành do nước biển ăn vào chân núi Thới Lới trong thời kỳ biển tiến. Từ chân núi Thới Lới phía đông nam, vòng qua sườn núi phía tây bắc, rồi theo các bậc cấp bằng đá đi dần xuống thấp hơn, gần với mặt nước biển, du khách sẽ nhìn thấy sừng sững trước sân chùa hàng cây bàng biển có hàng trăm năm tuổi. Ngẩng mặt trông ra là trùng khơi lộng gió, quay đầu nhìn lại là "hang đá trời sinh", thấp thoáng phía xa xa là cù lao Bờ Bãi.

Nhẹ bước chân lần vào tự viện mà cũng là bên trong hang đá, giữa thoang thoảng mùi trầm hương, tỏ mờ ngọn nến rọi vào khoảng sáng tối lung linh, sau một thoáng định thần du khách sẽ không khó nhận ra bệ thờ Tam Thế Phật, Di Đà Tam Tôn và Hoa Nghiêm Tam Thánh ở chính điện, bên tả (theo hướng nhìn từ bên ngoài) là bàn thờ Địa Tạng Vương Bồ tát, Đạt Ma tổ sư, bên hữu là Quán Thế Âm Bồ tát và Thập điện Diêm vương. Bàn thờ ba vị trưởng lão khai tự, ông thủy tổ họ Trần cùng 7 vị tiền hiền làng An Hải thiết đặt ở những nơi trang trọng và tương xứng với vị trí, công trạng của các vị trong quá trình khai phá, xây dựng làng An Hải cũng như huyện đảo Lý Sơn.

Dẫu là giữa ngày hè nóng bức, không gian bên trong chùa vẫn dịu lạnh như thể cuối thu. Luồng ánh sáng bên ngoài khe khẽ rọi vào vách đá ẩm ướt, rêu mờ. Thỉnh thoảng từ trần hang rơi xuống mấy giọt nước trong veo. Một làn gió nhẹ thổi qua, những chiếc lá bàng buông cành trước sân chùa gợn lên chuỗi âm thanh rất lạ, lẫn vào tiếng sóng bập bềnh.

Như mọi ngôi chùa thờ Phật khác, số người đến hành lễ, cầu Phật đông nhất ở chùa Hang là vào dịp Nguyên đán, Nguyên tiêu, Phật đản, Vu lan, các ngày sóc, vọng , ngày vía Phật, Bồ tát... Đặc biệt, bà con ngư dân Lý Sơn dù có là tín đồ nhà Phật hay không cũng đến đây hành lễ rất long trọng, nghiêm cẩn vào các ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm hoặc trước khi bước vào mùa đánh cá (mùa mở biển).

Những dịp lễ long trọng khác diễn ra ở chùa Hang là ngày giỗ thủy tổ họ Trần, ngày tưởng niệm Tam vị trưởng lão và tiền hiền thất tộc khai lập làng An Hải. Điều này, thêm một lần nữa cho thấy sự kết hợp, hòa đồng giữa giáo lý, nghi lễ Phật giáo với tín ngưỡng thờ thần hoàng, thờ tổ tiên ở các đền chùa của người Việt. (còn tiếp) 

Chùa Hang ở Lý Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia tại Quyết định số
921/QĐ-VH ngày 20.7.1994.

 

Lê Hồng Khánh - TN0
Tin tức khác