Xác định ẩm thực và đặc sản là một thế mạnh đặc biệt của Việt Nam, ngay từ những ngày đầu thành lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã lên kế hoạch thực hiện các hành trình nhằm tôn vinh những giá trị tinh hoa của đất nước, con người và đặc biệt chú trọng đến lĩnh vực ẩm thực.
Cùng với các loại bánh dân gian Cần Thơ (TP.Cần Thơ); xôi chiên phồng (Đồng Nai); bánh Phu Thê Đình Bảng (Bắc Ninh) được xác lập kỷ lục châu Á trong bài viết trước, thì những kỷ lục vừa được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập mới công bố còn có: thanh long (Bình Thuận); nước mắm Con Cá vàng Phan Thiết (Bình Thuận); vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang); atiso Lâm Đồng (Lâm Đồng); cơm tấm Long Xuyên (An Giang) và các món ăn từ khóm (Hậu Giang).
Những đặc sản và ẩm thực Việt Nam được xác lập kỷ lục châu Á có gì đặc biệt?
Bình Thuận là tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi thấp với khí hậu khô hanh quanh năm. Nhưng có lẽ cũng chính bởi thổ nhưỡng hanh khô của vùng biển nhiệt đới mà trái thanh long Bình Thuận có được một hương vị rất riêng so với các vùng miền khác.
Cây thanh long được trồng tại Bình Thuận từ trước những năm 1990 nhưng chủ yếu phục vụ cho mục đích thờ phụng của người dân. Sau này, nhu cầu thưởng thức thanh long ngày càng tăng, người dân địa phương tập trung trồng và biến loại cây này trở thành nông sản xuất khẩu chủ lực.
Thanh long là loại quả có tác dụng giải khát, giải nhiệt nhanh; bảo vệ và tăng cường sức khỏe với nhiều vitamin, chất xơ và muối khoáng. Hiện nay, thanh long được trồng tại Bình Thuận ngoài ruột trắng vỏ hồng còn có loại ruột đỏ vỏ hồng, ruột tím vỏ hồng và ruột trắng vỏ vàng. Ngoài tiêu thụ trái tươi, Bình Thuận đã và đang đẩy mạnh các sản phẩm thanh long chế biến phục vụ cho việc xuất khẩu cũng như thời gian bảo quản, sử dụng như: thanh long sấy khô; rượu thanh long; giấm; mứt, nước ép từ thanh long, tương thanh long…
Nước mắm được làm từ cá cơm ở Bình Thuận lên men được ủ trong những thùng gỗ lớn suốt một thời gian dài, được xem là gia vị làm nên nét riêng biệt cho nền ẩm thực Việt Nam.
Điểm đặc biệt của nước mắm Phan Thiết so với nước mắm các vùng khác của Việt Nam là ở sắc vàng rơm (nếu nguyên liệu là cá cơm) hay màu nâu nhạt (cá nục), chất nước mắm trong và sánh, có mùi thơm nồng và vị ngọt đậm do đạm cao. Một phần do quá trình ủ chượp dưới thời tiết nắng và gió - nhiệt độ trung bình của vùng Phan Thiết cao hơn, độ ẩm thấp tác động tích cực đến cơ chế lên men.
Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cũng rất đặc biệt: Lục Ngạn là một huyện miền núi nằm ở phía Đông của Bắc Giang, với khí hậu ôn hòa và nổi tiếng với nhiều sản vật hấp dẫn, trong đó không thể không nhắc đến quả vải thiều Lục Ngạn.
Vải thiều được trồng ở Lục Ngạn khoảng vào những năm 90 của thế kỷ trước bởi những người nông dân quê gốc Hải Dương. Nhờ sự cần mẫn chăm chỉ, những vùng đồi khô cằn đã trở thành những đồi vải bạt ngàn với những trái vải thơm ngon vượt trội. Mùa đặc sản vải thiều Lục Ngạn bắt đầu từ giữa tháng 5 và kết thúc vào đầu tháng 7. Quả vải nơi đây to hơn và có hương vị đặc trưng, khác hẳn vải thiều ở những vùng đất khác.
Vải thiều Lục Ngạn có thể ăn tươi hoặc chế biến thành các món ăn, đóng hộp, làm nước vải… hay sấy khô để thưởng thức quanh năm hoặc làm vị thuốc, ngâm rượu. Trong quả vải chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, có tác dụng tuyệt vời như kháng ung thư, điều hòa huyết áp, tăng cường miễn dịch, giảm đau tự nhiên, tốt cho da và vô vàn những lợi ích khác từ quả đặc sản của vùng Lục Ngạn.
Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn vừa được xác lập kỷ lục châu Á không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà đã có mặt trên thị trường thế giới: Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Australia và các nước châu Âu. (Còn tiếp)