Cuối tháng 10.2019, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt dự án bảo tồn tháp Bắc và tháp Giữa thuộc nhóm tháp Chăm Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, H.Núi Thành, Quảng Nam) với tổng kinh phí 12,6 tỉ đồng. Dự án do Ban quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng). Tháng 12.2022, dự án hoàn thành nhưng khoảng 6 tháng sau gạch tại nhiều mảng tường mới đã bị rêu mốc, "muối hóa" bề mặt gây mất thẩm mỹ di tích. Một số ý kiến cho rằng chất lượng gạch mới trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ có vấn đề hoặc chưa đáp ứng yêu cầu.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, khu vực tháp Bắc và tháp Giữa nhiều mảng gạch tường xuất hiện màu trắng loang lổ tại những nơi vừa được trùng tu từ phía ngoài cửa tháp cho đến bên trong tháp. Một số mảng tường cũng xuất hiện tình trạng rêu xanh bám quanh. Tại một số vị trí, hiện tượng "muối hóa" thậm chí còn lan sang những mảng tường gốc và hoa văn gần kề của di tích.
Trong khi đó, tháp Nam cũng đã có dấu hiệu xuống cấp khá nghiêm trọng, nhiều mảng tường bên trong và ngoài bị rêu mốc. Cuối năm 2021, UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt kinh phí gần 6 tỉ đồng để trùng tu tháp Nam nhưng do vướng một số thủ tục (chủ yếu liên quan đến hồ sơ, kêu gọi đấu thầu) nên đến nay dự án chưa tu bổ. Dự kiến đến năm 2024 tháp Nam mới được triển khai trùng tu.
BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam cho biết tháp Bắc được bảo tồn, tu bổ, phục hồi với diện tích khoảng 57 m², chiều cao tháp là khoảng 16,9 m. Tháp Giữa có diện tích khoảng 75 m², chiều cao khoảng 18,7 m. Các hạng mục được trùng tu gồm hạ giải các khối xây sạt lở mất khả năng liên kết, phục hồi khối xây mặt ngoài tường tháp bằng gạch Chăm phục chế, sử dụng phương pháp mài chập với chất kết dính là dầu rái, tu bổ khối xây lõi tường tháp... Ngoài ra còn tu bổ các chi tiết chạm khắc soi chỉ, hoa văn trên bề mặt tháp, chống mối nền toàn bộ lòng tháp và bên ngoài tháp.
Phải mua dung dịch từ nước ngoài để xử lý ?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Công Thành, Phó giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam, cho hay cụm tháp Chăm Khương Mỹ có tuổi đời hơn 1.000 năm, sau khi trùng tu thì một số tường gạch mới xuất hiện vết loang lổ màu trắng gọi là "muối hóa". "Nguồn gạch thực hiện dự án được mua từ tỉnh Bình Định, đây là loại gạch đặc biệt để trùng tu tháp. Có thể là trong gạch, vôi và dầu rái có thành phần muối nên khi trùng tu được một thời gian thì chất muối thoát ra, khiến các viên gạch xuất hiện loang lổ màu trắng. Ngày 12.5 vừa qua, đơn vị thi công đã vào nắm bắt tình hình để đưa ra giải pháp, hướng khắc phục", ông Thành nói.
Trong khi đó, ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam, nhận định nguyên nhân dẫn đến "muối hóa" trên gạch sau khi trùng tu tháp Chăm Khương Mỹ là do thành phần đất. Quá trình chọn lựa đất (để làm gạch) không đảm bảo, không đúng chuẩn. Muối không chỉ có ở biển mà còn có cả trong đất. Phần đất sản xuất ra gạch có hàm lượng muối cao nhưng không được kiểm tra, thử nghiệm trong quá trình làm gạch nên toàn bộ lô gạch làm từ đất này bị nhiễm muối. "Để loại bỏ hàm lượng muối này, trước khi trùng tu, các chuyên gia phải đem gạch ngâm nước suối 3 ngày 3 đêm. Trong thời gian này, họ dùng dụng cụ chà xát để đẩy bớt muối dính phía ngoài viên gạch rồi đem phơi khô. Họ lặp lại 3 lần như vậy, sau đó tiếp tục đưa xuống ngâm lại và mang lên phơi khô một lần nữa mới giúp lượng muối giảm đáng kể", ông Cẩm giải thích.
Theo ông Cẩm, cách làm trên chỉ là phương pháp thủ công trước khi trùng tu. Trường hợp đã trùng tu xong nhưng lại xuất hiện hiện tượng "muối hóa" thì phải cần đến một loại dung dịch để xử lý. Trước đây, các chuyên gia UNESCO có giới thiệu dung dịch dạng tinh thể bột hòa với nước, sau đó trát lên bề mặt viên gạch. Sau khoảng 10 ngày, lớp hoạt chất này hút sạch muối trong viên gạch rồi tự khô và tróc ra. "Hiện gạch đã đưa vào tháp để trùng tu nên việc xử lý cũng không dễ. Không có cách nào khác ngoài việc đơn vị trùng tu phải liên hệ với nước ngoài mua dung dịch", ông Cẩm nói.
Di tích tháp Khương Mỹ được xây dựng vào cuối thế kỷ 9, đầu thế kỷ 10, gồm 3 tháp nằm kề nhau được xếp theo trục bắc - nam. Đây là kiểu tháp Champa truyền thống với mặt bằng gần vuông, cửa ra vào ở hướng đông, mái tháp gồm 3 tầng, tầng trên là hình ảnh thu nhỏ của tầng dưới, trên cùng có chóp bằng sa thạch. Một số tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu đất nung gắn vào thân tháp có hình chim thần Garuda, rắn Naga, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, các chiến sĩ bay... Cụm tháp này được công nhận di tích quốc gia vào năm 1989.