Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.188
123.212.409

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cải lương tập thể một thời vang bóng: Đoàn Thanh Nga
NS Hồng Loan vai Quỳnh Nga và NS Hồng Nga vai Tiểu Loan trong vở Bên cầu dệt lụa phục dựng H.K Đoàn Thanh Nga có giai đoạn cũng trở thành đoàn cải lương tập thể. Và đến bây giờ bảng hiệu đó vẫn còn.

 

 

Sau 1975, bà bầu Thơ tạm ngưng hoạt động của đoàn Thanh Nga để xem cuộc sống mới thế nào. Nhưng khi có lệnh được hát lại, bà lập tức khởi động với vở Tấm lòng của biển vào đầu năm 1976, rất ăn khách vì là vở cũ. Rồi bà ra mắt luôn Bên cầu dệt lụa (soạn giả Thế Châu). Nói cho rõ, lúc này giấy phép vẫn là của "tư nhân" chứ chưa vô tập thể. Nhà nước vẫn cho phép một số đoàn tư nhân hoạt động, nhưng sở dĩ nhiều đoàn không tiếp tục hát có lẽ kịch mục của họ không có những vở phù hợp với chế độ mới, nên họ ngại chăng? Riêng đoàn Thanh Nga có nhiều vở phù hợp với mọi thời đại, nên bà bầu Thơ mạnh dạn hoạt động.

 

Vở Bên cầu dệt lụa lập tức gây đình đám, với dàn nghệ sĩ gạo cội mà trong đó đã có 5 người từng đoạt giải Thanh Tâm như Thanh Nga, Thanh Sang, Thanh Tú, Hùng Minh, Bảo Quốc, bên cạnh Ngọc Nuôi, Chí Hiếu, Kim Hương... Một vở tuyệt đẹp từ ca tới diễn, phong cách nhẹ nhàng, tinh tế, sang trọng, hội đủ nhân - lễ - nghĩa - trí - tín, giáo dục nhân cách tuyệt vời. Nhất là nghệ sĩ Thanh Tú trong vai Nhuận Điền đã cùng Thanh Sang - Trần Minh cất lên những câu vọng cổ đậm đà tính văn học, triết lý, thế thái nhân tình, thấm tận tâm cang. Riêng nghệ sĩ Thanh Nga lúc đó đang độ chín của tuổi đời, tuổi nghề, vào vai tiểu thư Quỳnh Nga cốt cách phi thường, dù trầm tĩnh, không ồn ào biểu hiện, nhưng vô cùng mạnh mẽ, không e ngại gian nan, không sợ hãi cường quyền, khiến người đời nể phục.

 

Sau đó là vở Bóng tối và ánh sáng, một vở xã hội lật mặt những tay tư bản vô lương tâm đã làm thuốc giả hại người, không ngờ hại chính ngay con gái mình. Vở này tạo cho nghệ sĩ Bảo Quốc nhân vật Y xì ke hài hước và duyên dáng, đã "đóng đinh" ông vào nghiệp diễn hài. Thật sự Bảo Quốc được giải Thanh Tâm năm 1968 nhờ vai kép đẹp chứ đâu có biết diễn hài. Nhưng từ vở Bên cầu dệt lụa Bảo Quốc vô vai cậu công tử Hiếu Danh học dốt chuyên hà hiếp Trần Minh, như một phát hiện bất ngờ của đoàn Thanh Nga, nay Bóng tối và ánh sáng lại tiếp tục đưa Bảo Quốc sang một bước ngoặt mới, vinh danh cả đời.

Năm 1977, bà bầu Thơ cho dựng Tiếng trống Mê Linh. Lại một nét son rực rỡ cho đoàn Thanh Nga. Có lẽ chưa có một vở lịch sử nào chinh phục trái tim khán giả trọn vẹn như Tiếng trống Mê Linh. Mấy chục năm nay, người ta vẫn xem và khóc, vẫn coi Thanh Nga như một "tượng đài" cải lương không ai thay thế nổi. Một Trưng Trắc bi hùng lẫm liệt, bên cạnh những Thi Sách - Thanh Sang, Tô Định - Văn Ngà, Mã Tắc - Hùng Minh, Tào Quyên - Hoàng Giang, Bảo Quốc - Chương Hầu…đều là những vai diễn để đời.

 

Năm 1978, đoàn Thanh Nga dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga, cộng với Tiếng trống Mê Linh còn đang dư âm nóng hổi, đã gây một làn sóng yêu nước, bảo vệ Tổ quốc mạnh mẽ trong nhân dân, vì lúc đó đang xảy ra chiến tranh biên giới. Phải nói điều này cho khách quan, công bằng, những vở lịch sử hồi ấy có tác dụng thúc đẩy nhân tâm rất mạnh. Những lời thoại, lời ca đầy khí phách, hào hùng, đã nói thay cho lòng dân, làm chất xúc tác để trên dưới một lòng bảo vệ biên cương. Sau đó nghệ sĩ Thanh Nga cùng chồng bị kẻ cướp sát hại, cái chết của bà đã để lại sự bàng hoàng và tiếc nuối vô bờ cho khán giả, bởi vở Thái hậu Dương Vân Nga mới diễn được có vài suất, khán giả còn hừng hực rung động.

 

Thế là lập tức các đoàn hát đua nhau dựng lại Thái hậu Dương Vân Nga như nối tiếp hào khí dân tộc. Nhà hát Trần Hữu Trang đã dựng với ê kíp Bạch Tuyết, Ngọc Giàu (cùng đóng vai Dương Vân Nga), Thanh Giang (Lê Hoàn), Kim Ngọc (Hiệu úy Kỳ Hoa), Hồng Nga (cố mẫu), Kim Phương (Tú Uyên)… Đài truyền hình VN (VTV, chi nhánh đặt tại Cần Thơ) dựng với ê kíp Mỹ Châu, Thanh Tuấn, Thanh Vy, Đức Minh, Minh Châu… Riêng bà bầu Thơ cũng nén chặt nỗi đau mất con, gượng dậy tái diễn vở này với nghệ sĩ Kim Hương lên thay vai cho Thanh Nga. Cần nói rõ, có hai phiên bản cải lương đều chuyển thể từ vở chèo cùng tên của soạn giả Trúc Đường. Phiên bản do soạn giả Huy Trường chuyển thể thì đoàn Thanh Nga và VTV sử dụng. Còn Nhà hát Trần Hữu Trang thì sử dụng bản chuyển thể của Hoa Phượng - Chi Lăng - Hoàng Việt - Thể Hà Vân. Phiên bản nào cũng được đón nhận nồng nhiệt.

 

Tới năm 1980 thì bà bầu Thơ cho đoàn vào tập thể theo chủ trương chung, bà chỉ là phó đoàn. Những vở mới được ra mắt nhưng không gây nhiều tiếng vang. Năm 1983, nghệ sĩ Bảo Quốc đầu quân cho Nhà hát Trần Hữu Trang, coi như đoàn mất một trụ cột. Năm 1985 bà bầu Thơ chịu thêm cái tang của con trai, thế là bà nghỉ hẳn, và năm 1988 bà mất. Năm 1996, đoàn được giao lại cho nghệ sĩ Hoàng Ngọc Ẩn. Đặc biệt Hoàng Ngọc Ẩn là phật tử thuần thành nên ông rất am hiểu Phật pháp, viết nhiều kịch bản Phật giáo và biểu diễn rất tốt. Vào năm 2002, đoàn chuyển sang hoạt động tư nhân, trực thuộc Công ty Hồng Lạc Xuân của gia đình ông, và khi ông mất thì chức trưởng đoàn giao lại cho con gái ông, nghệ sĩ Tâm Tâm, chuyên biểu diễn các vở cải lương Phật giáo, và vẫn giữ tên đoàn là Thanh Nga như một kỷ niệm đẹp. 

(còn tiếp) 

 

Hoàng Kim - TN0
Tin tức khác