Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.194
123.210.294

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Gian nan quyền sử dụng kịch bản sân khấu
Nghệ sĩ Minh Cảnh và NSND Lệ Thủy trong trích đoạn Máu nhuộm sân chùa H.K Những đơn vị sân khấu muốn dựng lại những vở cũ đều gặp phải tình trạng gian nan đi tìm tác giả để xin giấy thỏa thuận. Không có một cơ quan nào làm đầu mối thông tin hoặc lưu trữ tài liệu để người làm sân khấu có điểm tìm đến dễ dàng.

 

 

Bóng chim tăm cá

 

Sân khấu Hoàng Thái Thanh từng dựng lại các vở Sông dài (tác giả Hà Triều), Nửa đời hương phấn (tác giả Hoa Phượng), Bạch Hải Đường (tác giả Nguyễn Huỳnh)… cảm tác từ cải lương, nhưng muốn chuyển thể sang kịch phải có giấy đồng ý của tác giả cải lương. Và "bà bầu" Ái Như phải lặn lội, "săn lùng" những người quen thuộc dạng "lão làng" của sân khấu mới tìm được những tác giả kể trên. Chẳng hạn, nhờ đạo diễn Hồng Dung cho số của ông Hà Triều, nhà báo Thanh Hiệp cho thông tin về chị Hoa Lan con gái của Nguyễn Huỳnh, và thông tin con trai của Hoa Phượng, hoặc soạn giả Hoàng Song Việt cho số điện thoại của anh Việt Thường con trai tác giả Thế Châu vở Bên cầu dệt lụa… Ái Như nói: "Nghĩa là mình không thể nào biết hết tác giả xưa còn hay mất, đa số là mất, thì ai trong gia đình là người thừa kế, đang sống ở đâu, làm sao liên lạc… Cứ đi tìm lòng vòng thôi, hỏi thăm khắp nơi, hên thì gặp. Nói chung là mệt lắm".

 

"Ông bầu" Gia Bảo còn mệt hơn bởi anh tổ chức rất nhiều vở cải lương, đặc biệt liveshow lại có rất nhiều trích đoạn, thì càng rắc rối khi đi tìm tác giả. Anh nói: "Tôi cũng phải đi lùng sục và hỏi thăm khắp nơi. Thí dụ vở Lan và Điệp của ông Loan Thảo, ông đã qua đời từ lâu, và con cái xuất ngoại qua Mỹ mười mấy hai chục năm, không ai có chút thông tin gì. Tôi rầu quá trời, bởi muốn thực hiện vở này cho NSƯT Thanh Kim Huệ, khi đó sức khỏe bà kém không biết còn sức đứng trên sân khấu lâu dài nữa hay không. Đang lúc rối ren thì nghệ sĩ Chí Tâm nói để ông hỏi thử xem, vì ông có bạn bè nhiều bên Mỹ. Cuối cùng tìm được ông Quế Thanh và bà Quế Chi con của ông Loan Thảo ở một vùng rất xa. Ôi trời, tôi mừng không kể xiết".

 

Mới đây, Gia Bảo tổ chức liveshow cho nghệ sĩ Minh Cảnh, có trích đoạn Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Máu nhuộm sân chùa, Đêm lạnh chùa hoang đều là của soạn giả Yên Lang, ông đã đi Mỹ mấy chục năm và mất bên đó, chỉ còn lại mấy người con ở VN. Khi Gia Bảo chuẩn bị xin giấy phép tại Sở VH-TT thì nghệ sĩ Hải Long gọi điện đến, bảo anh chính là con trai Yên Lang, khiến Gia Bảo cảm ơn rối rít, và gửi tiền tác quyền ngay. "Nếu gia đình tác giả nào biết được thông tin mà gọi đến như anh Hải Long thì tôi mang ơn lắm. Có khi tôi còn xin được kịch bản gốc, càng yên tâm hơn khi tìm trên mạng, tìm ở người khác".

 

Cần khôi phục lại Trung tâm nghiên cứu cải lương, trước kia từng xây dựng nay sao không thấy hoạt động nữa. Trung tâm này lưu trữ là hợp lý nhất.

 

Đạo diễn Trần Ngọc Giàu

 

Với những tác giả dùng thêm bút danh khác thì các nhà tổ chức càng đau đầu. Như khi làm đêm diễn có trích đoạn Chiêu Quân cống Hồ, Gia Bảo thấy Vũ Luân và Trinh Trinh thường biểu diễn trích đoạn này nên xếp luôn vào chương trình, mà không biết tác giả Minh Châu là ai. Khi diễn xong, có cuộc điện thoại gọi tới, xưng là Cẩm Tâm nhưng lấy chữ Minh Châu là tên con của chị. Gia Bảo mừng quýnh, nhưng thở dài: "Làm sao tôi biết hết những bút danh. Chỉ mong các tác giả và gia đình tác giả thương cải lương, thấy chúng tôi phục dựng thì cứ gọi điện tới, chúng tôi sẵn sàng gửi tiền tác quyền. Cả một kho tàng cải lương quý giá mà bỏ kho thì uổng lắm, còn phục dựng thì cứ lo lắng chuyện đi tìm tác giả".

 

Cần một đầu mối lưu trữ

 

Thực tế thì kịch bản ngày càng chồng chất, hàng trăm năm cải lương, mấy chục năm kịch nói, tính ra con số khổng lồ, nhưng không hề có một cơ quan nào lưu trữ một cách hệ thống, để các nhà sản xuất đến tìm, hoặc các sinh viên, nhà nghiên cứu đến liên hệ. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, nói: "Ở Hội không có lưu trữ. Ngay cả Nhà hát Trần Hữu Trang cũng không. Lẽ ra Phòng Truyền thống là phải lưu trữ kịch bản đầy đủ, cả bản gốc lẫn bản đã chỉnh sửa khi dựng, để người sau có thể đối chiếu, chọn lựa. Nhưng giờ mọi người đang trong tình trạng tự phát, tự thân vận động đi tìm, rất vất vả. Chúng tôi đề nghị cấp kinh phí để thực hiện công tác lưu trữ bằng công nghệ, kỹ thuật số, chứ bản chép tay vài chục năm nữa có thể mục rã".

 

Lưu trữ ở đâu? Có thể chọn Hội Sân khấu, hoặc Sở VH-TT, hoặc như lời đạo diễn Trần Ngọc Giàu là "cần khôi phục lại Trung tâm nghiên cứu cải lương, trước kia từng xây dựng nay sao không thấy hoạt động nữa. Trung tâm này lưu trữ là hợp lý nhất".

Riêng với việc xin phép tác quyền thì có thể tham khảo mô hình của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN. Sân khấu có thể thành lập một trung tâm tương tự, hoặc kết hợp với Trung tâm lưu trữ. Trung tâm này sẽ nắm rõ tác giả và gia đình tác giả, khi nhà sản xuất muốn dàn dựng vở nào thì cứ đến nhờ trung tâm liên hệ, rồi chi trả tiền tác quyền thông qua trung tâm, trung tâm sẽ được nhận phần trăm quản lý. Như vậy rất thuận lợi cho nhà sản xuất lẫn tác giả, không sợ mang tiếng, không sợ mất nhuận bút, rút ngắn thời gian săn lùng, tìm kiếm. Tiền tác quyền nên có khung ấn định, chứ không làm kiểu "tình cảm" như hiện nay. Bởi đã có người thắc mắc sao tuồng đó chỉ tốn 5 triệu đồng mà tuồng này tốn mười mấy triệu, không biết lấy khung nào để giải thích. Cần quy định bao nhiêu phần trăm trên số lượng vé, giá vé, diễn trích đoạn hay nguyên tuồng, diễn 1 suất hay nhiều suất… Như vậy sân khấu mới mang tính chuyên nghiệp, không lạc hậu và cảm tính như hiện nay.

Ông bầu Gia Bảo nói: "Tuy nhiên, trong lúc chưa thành lập một đầu mối lưu trữ và chuyên về tác quyền, thì tôi mong Sở VH-TT hoặc Hội Sân khấu có thể hỗ trợ bằng cách tạm đại diện cho gia đình tác giả để làm giấy thỏa thuận, giấy phép, tạo điều kiện mau chóng thuận lợi cho nhà sản xuất. Tôi nhớ mấy năm về trước, khi tôi phục dựng vở Đời cô Lựu thì đã được Hội Sân khấu TP.HCM hỗ trợ kiểu đó. Đạo diễn Hồng Dung, Phó chủ tịch hội, đã đại diện cho gia đình cụ Trần Hữu Trang, và tôi trả tác quyền tại hội, sau đó hội liên hệ gia đình cụ đến nhận".

VN còn cả kho tàng kịch bản quý giá, nếu được phục dựng thì rất tốt. Đó cũng là tạo điều kiện cho mọi khâu trôi chảy để sân khấu được sáng đèn. Và đặc biệt, việc sớm thành lập trung tâm lưu trữ kịch bản, tài liệu của sân khấu cũng giúp giữ gìn các tác phẩm quý giá cho những thế hệ sau này. 

 

Hoàng Kim - TN0
Tin tức khác