Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
294
122.768.055

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đi tìm thung lũng MiG: Chúng tôi chiến đấu được bao lâu?
Thượng tướng Đào Đình Luyện (1929 - 1999) nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam Tư liệu tác giả Đây là câu hỏi của thượng tướng Đào Đình Luyện, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 921 đầu tiên, kể trong hồi ký.

 

"Phi công nông dân" mới vào nghề bay

 

Ngày 6.8.1964, 32 phi công tốt nghiệp MiG-17 đã trở về sân bay Đa Phúc (nay là sân bay Nội Bài, Hà Nội). Ngay sau đó dù được bố trí lực lượng trực chiến sẵn sàng đánh trả không quân Mỹ nhưng cả lãnh đạo chỉ huy từ quân chủng đến trung đoàn chưa ai biết sẽ đánh như thế nào…

Trung tướng Chu Duy Kính, lúc đó là Phó chính ủy Trung đoàn 921, đã nhớ lại: "Trong vài tháng đầu, khi trung đoàn mới về Đa Phúc vẫn có một số giáo viên - chuyên gia, là phi công và cán bộ chỉ huy của trường không quân chiến đấu Trung Quốc, còn ở lại giúp ta về huấn luyện bay và kỹ thuật không quân. Tôi không nhớ có bao nhiêu người, chỉ biết và nhớ rõ khi đó có ông Tào Song Minh là một cán bộ trường không quân Trung Quốc (bay số 3 trong biên đội đầu tiên chuyển trường từ sân bay Mông Tự (Trung Quốc) về sân bay Đa Phúc. Đó là Đào Đình Luyện - Phạm Ngọc Lan - Tào Song Minh - Lâm Văn Lích). Và Tưởng Đạo Bình là cán bộ trung đoàn không quân chiến đấu Trung Quốc, cựu phi công anh hùng chiến tranh Triều Tiên do chiến công bắn rơi 1 máy bay F-86 của không quân Mỹ. Cả hai người nói với ta rằng: "Các anh đánh không lại được không quân Mỹ đâu. Không quân Trung Quốc và không quân Triều Tiên đánh với họ bị tổn thất lớn lắm!".

Còn trung tướng Trần Hanh, phi công của trận đánh lịch sử ngày 4.4.1965, cựu thủ trưởng Bộ Quốc phòng, kể: "Ngay đến hình thù các loại máy bay Mỹ chúng tôi cũng còn chưa biết như thế nào cơ mà!".

Đại tá Hồ Văn Quỳ là cựu Phó tư lệnh Sư đoàn Không quân 370, phi công trong trận 3.4.1965, thì nói: "Cứ thấy máy bay nào màu xám sẫm, khác với màu cánh én MiG-17 thì lao vào đánh chứ có biết hình dáng chúng như thế nào đâu!".

 

Không quân Việt Nam như "đàn muỗi mắt"

 

Đối phương phát hiện máy bay ta không lâu sau ngày trung đoàn về sân bay Đa Phúc. Các đài phát thanh phương Tây đã gọi đúng tên, đúng chủng loại và gần như đúng số lượng máy bay của ta kèm theo lời bình luận: "Liệu phen này lực lượng không quân "muỗi mắt" của bắc Việt Nam có dám đụng đến những máy bay siêu âm, hiện đại của không quân Mỹ…".

Trung tướng Chu Duy Kính kể tiếp: Trong quá trình tìm hiểu về không quân địch qua hỏi cung phi công Mỹ bị bắt, chúng tôi hỏi một tên giặc lái: "Làm thế nào để tránh được tên lửa máy bay Mỹ trong không chiến?". Hắn trầm ngâm suy nghĩ rồi đáp: "Chỉ còn cách cầu Chúa!". Có lẽ hắn đã thành thật tin như vậy!". Rồi ông đặt vấn đề "vũ khí nào cũng có điểm mạnh, điểm yếu, phải tìm cho ra những điểm yếu của máy bay địch để phát huy tối đa sức mạnh của máy bay ta thì mới có thể trị được chúng!

Khó lắm! Tôi chợt nhớ phút trải lòng của trung tướng Chu Duy Kính hôm nào: "Khi nghe hai phi công kỳ cựu người Trung Quốc đã có lời khuyên hay cảnh báo rằng "không quân Việt Nam đánh với không quân Mỹ không lại được đâu", đã làm tôi nhớ đến những cuộc đọ sức của không quân Triều Tiên và Trung Quốc trong chiến tranh 1952 - 1953 ở Triều Tiên. Chỉ sau hai tháng giao chiến, không quân Triều Tiên gần như bị tiêu diệt. Trung Quốc phải đưa vội lực lượng không quân của mình vào giúp nhưng cũng nhanh chóng thảm bại. Liên Xô buộc phải đưa cả quân đoàn không quân tăng cường với hàng trăm máy bay, phi công hỗ trợ thì mới cân bằng được thế trận…

Trước đó, cả trung đoàn không quân Trung Quốc bị đánh tơi tả, rơi gần hết, kể cả trung đoàn trưởng của họ cũng bị bắn rơi ở ngay đầu sân bay Đại Bảo. Còn vào cuối những năm 1950 ở Phúc Kiến đối diện với Đài Loan, cả phi đội không quân Trung Quốc xuất kích lên đã bị không quân Mỹ ở đó chặn đánh, bắn rơi tới 11 chiếc bằng tên lửa hồng ngoại"…

Rõ ràng thế và lực trong so sánh lực lượng, sức mạnh của không quân ta với không quân Mỹ là không thể. Họ coi không quân Việt Nam chỉ là "đàn muỗi mắt" cũng không sai. Những khó khăn nhiều mặt bủa vây từ những người chỉ huy không quân đến cả những "phi công nông dân" mới vào nghề bay tưởng như không thể tìm ra cách đánh sao cho phù hợp.

Rất may những phi công chiến binh đều là lính chiến từ thời đánh Pháp đuổi Nhật ấy đã cùng với những chỉ huy không quân khi đó lần lượt tìm ra lời giải bằng những cuộc họp bàn quân sự dân chủ, tìm cách đánh; sau khi đã thông suốt nguyên lý "Dám đánh", quyết đánh trước, tức là khắc phục tư tưởng sợ địch, vũ khí luận (coi vũ khí hiện đại có sức mạnh hơn con người). Họ đều xác định: "Có thể mình không trở về nhưng nhất định phải bắn rơi máy bay địch. Chấp nhận có một mức độ tổn thất nào đấy, nhưng phải có người mang chiến thắng trở về" (Hồi ký của Thượng tướng Đào Đình Luyện).

Hai trận đánh mở mặt trận trên không thắng lợi (3 và 4.4.1965) đã thể hiện được tinh thần, ý chí và quyết tâm đó. (còn tiếp) 

(Trích Đi tìm thung lũng MiG - Phạm Phú Thái - NXB Thông tin và Truyền thông)

 

 

Phạm Phú Thái - TN0
Tin tức khác