Các em vừa thực hiện các chương trình thiện nguyện vừa rút kinh nghiệm để lần sau làm tốt hơn lần trước. Không có vốn, các em chia nhau huy động vốn từ chính người thân, bạn bè xung quanh, kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của mọi người qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook… Nhiều thành viên trong CLB như Đoàn Văn Dũng, Nguyễn Thị Hằng, Vũ Đình Huyên, Nguyễn Hồng Ngọc… đã dành khoảng thời gian rảnh rỗi giữa các kỳ học đi làm thêm, bán bảo hiểm xe máy, bán thêm trái cây để góp một phần vào quỹ xây trường, số còn lại mua thực phẩm, đồ dùng, quần áo… phục vụ cho các đợt thiện nguyện.
Trên những chặng đường đã đi qua, các bạn trẻ trong CLB cảm thấy rất xót xa khi đứng trước những điểm trường lẻ nơi địa đầu Tổ quốc. Có những điểm trường nằm chênh vênh nơi sườn núi, mái lá đã tơi tả bạc màu, bốn mùa thông thốc gió lùa. Nhìn đôi mắt ngây thơ của những em bé nơi điểm trường đã khiến cho trái tim các chàng trai, cô gái tuổi hai mươi như thắt lại. Làm sao để các em có một ngôi trường theo đúng nghĩa? Làm sao để mỗi khi mùa đông về những đôi môi trẻ thơ không còn run lên, tái đi vì giá rét? Đó là câu hỏi luôn thường trực với các thành viên.
Để từng bước góp phần xóa đi những điểm trường tạm bợ, CLB đã phát động chương trình: Áo ấm cho em, Mỗi người một viên gạch xây trường và Lửa xanh núi rừng. Những nỗ lực của các thành viên đã đem lại hạnh phúc cho học sinh điểm trường Ngải Thầu 2, Nậm Pồ, Điện Biên khi đã có ngôi trường mới khang trang, sạch đẹp và mùa đông về không còn chịu cái lạnh cắt thịt, cắt da bởi đã có những chiếc áo ấm thấm đẫm ân tình của các anh các chị sinh viên.
Đồng cảm, chia sẻ, lan tỏa yêu thương
Hầu hết các thành viên trong CLB Tình nguyện sinh viên là con em công nhân, nông dân nên các em có sự đồng cảm sâu sắc đối với những phận đời, phận người kém may mắn. Đến thăm Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh, các em được chứng kiến nỗi đau cả về thể xác và tinh thần của bệnh nhân. Nhìn những hoàn cảnh éo le, khánh kiệt tiền bạc do nằm viện dài ngày, không còn khả năng chi trả những bữa cơm bình dân khiến các em rất thương cảm. Chương trình "Phát đồ ăn sáng cho bệnh nhân" tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh ra đời từ đó. Dù chỉ là bữa sáng giản đơn với bánh mì, xôi… cũng khiến gia đình người bệnh đỡ đi phần nào những khó khăn trước mắt và giúp họ tin rằng cuộc đời này còn nhiều lắm những điều tốt đẹp .
Thành phố khi đêm về lung linh ánh đèn màu, người xe tấp nập người qua lại. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau những con phố sầm uất là những con hẻm nhỏ hun hút với những người thức cùng bóng đêm. Đó là những cô lao công lặng thầm thu gom rác, những người thợ xây dựng chuyên làm việc về đêm, là những người vô gia cư nằm ghé nhờ dưới mái hiên một cửa hàng nào đó… Không ít người trong số họ làm việc khi cái bụng rỗng không. Thấu hiểu và cảm thông với những người kém may mắn, những người lao động vất vả, CLB Tình nguyện sinh viên thường phân công nhau phát bánh, đồ ăn cho người vô gia cư và người lao động về đêm tại Bắc Ninh.
Viện phong Quả Cảm nằm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là nơi tập trung điều trị của các bệnh nhân mắc bệnh phong. Nơi đây giống như ốc đảo giữa thành phố nhộn nhịp bởi sự tự ti của bệnh nhân, sự e dè của người dân xung quanh đối với căn bệnh quái ác. Những cụ ông, cụ bà trong viện cứ lặng lẽ để cuộc đời mình trôi theo thời gian. Nhưng tất cả đã thay đổi khi đội Tình nguyện sinh viên xuất hiện. Những bữa cơm nóng hổi, những lời hỏi thăm ân cần như đối với ông bà cha mẹ mình của các em trong CLB giúp bệnh nhân phong có những khoảnh khắc hạnh phúc hiếm có trong cuộc đời, giúp họ vươn lên sống tốt, sống có ý nghĩa trong những tháng ngày còn lại. Đã từ lâu, các thành viên trong CLB Tình nguyện sinh viên được những bệnh nhân trong viện phong coi như con cháu. Họ luôn mong chờ những đứa con thương yêu trong CLB trở về vào mỗi dịp cuối tuần.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng nỗi đau vẫn còn đó. Nhà tình thương Hương La, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh là nơi nuôi dưỡng những trẻ em khuyết tật, nhiễm chất độc da cam. CLB Tình nguyện sinh viên thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ các em khuyết tật kém may mắn. Những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa đó như những giọt nước mát lành xoa dịu nỗi đau âm ỉ trong lòng những người lính trở về sau cuộc chiến, những người mẹ, người vợ có chồng, con không may nhiễm chất độc màu da cam.
Còn nhiều lắm những hoạt động thiện nguyện mà CLB Tình nguyện sinh viên đã làm như: tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh, tổ chức trung thu cho các em thiếu nhi, quyên góp, ủng hộ "Tết ấm quê hương", cứu trợ lũ lụt tại Lai Châu… Nhưng điều lớn nhất mà các thành viên làm được chính là lan tỏa tình yêu thương đến mọi người. Đoàn Văn Dũng - thành viên CLB từng chia sẻ: "Em mong muốn CLB thiện nguyện của mình có nhiều dự án mới, mỗi năm xây 1 điểm trường cho trẻ em vùng cao". Có lẽ đó cũng là mong muốn của rất nhiều người, trong đó có tôi - một giáo viên đã từng nhiều năm gắn bó với giáo dục vùng sâu vùng xa.
Sau nhiều năm dõi theo các hoạt động của CLB Tình nguyện sinh viên cơ sở Gia Bình, tôi thật sự mừng cho các em - những sinh viên trẻ đầy nhiệt huyết. Các em đã lớn lên, trưởng thành từ chính những việc làm thiện nguyện của mình. Việc làm của các em đã lan tỏa những yêu thương, ấm áp để mọi người tin rằng cuộc đời này còn nhiều lắm những điều tốt đẹp, còn nhiều lắm những con người sống vì mọi người. Mong rằng CLB Tình nguyện sinh viên Gia Bình sẽ mãi là điểm tựa cho những mảnh đời thiếu may mắn.