Hài là chính
Hầu hết các sân khấu đều dựng vở hài, thậm chí dựng luôn mấy vở đều theo phong cách hài. Như Thế Giới Trẻ có hẳn một loạt Đi tìm mỹ nam, Dream boy, Ở đây ai tỉnh, Bóng đàn ông. Sân khấu IDECAF có Tấm cám đại chiến, Hòn đảo mộng mơ, Chuyện cái tráp vàng. Sân khấu Hồng Vân có Lẩu thái zám. Sân khấu Thiên Đăng có Ngôi nhà trong mây, Ngũ quý tương phùng, Nội tình của ngoại tình. Sân khấu Trương Hùng Minh cũng có hai vở nhưng chưa tiết lộ.
Nhìn chung, các vở này dù nội dung, thông điệp nghiêm túc cách mấy thì cũng theo hướng mang tiếng cười đến khán giả. Bà An Thi, phụ trách Thế Giới Trẻ, nói: "Ngày tết khán giả muốn đi thư giãn, xả stress, cho nên họ phải được cười vui vẻ, cười thoải mái, lấy năng lượng đầu năm để chuẩn bị cho một năm mới làm việc vất vả. Mình cũng phải thuận theo khán giả, cứ dựng vở vui vui, còn vở nào nặng ký thì qua tết tính". Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Nhà hát IDECAF, cho biết thêm: "Nghệ sĩ, diễn viên cũng thích diễn hài ngày tết, bởi họ cũng cần được vui vẻ, nhẹ nhàng. Chứ diễn chính kịch hoặc vở nào nặng ký thì mệt cả người và cả tâm lý. Mà ngày tết xếp lịch ngày 2 suất liên tiếp, diễn hài cho nghệ sĩ đỡ căng". Một số khán giả còn tiết lộ là họ kiêng cữ khóc lóc ngày tết, cho nên dứt khoát là chỉ xem kịch hài, đầu năm cười lấy hên cho cả năm. Có người còn nói: "Đôi khi cũng không cần nội dung sâu sắc lắm, miễn mình hiểu nội dung nói gì, rồi cười thả ga là được. Hồi xưa, còn sân khấu tấu hài thì đi coi rất thích, vì tiểu phẩm nào cũng khiến mình cười đau cả ruột. Giờ không còn tấu hài, thì đi xem kịch hài thôi, cười là chính mà!".
Đặc biệt nhất là sân khấu Hoàng Thái Thanh, mười mấy năm nay chuyên dựng bi kịch dù trong mùa tết. Tết nào Hoàng Thái Thanh cũng khiến khán giả khóc như mưa. Nhưng lạ lùng sao, vậy mà ăn khách! Bà bầu Ái Như nói: "Khán giả của Hoàng Thái Thanh không kiêng cữ gì hết, đầu năm khóc thì khóc, vẫn đi xem. Mà khổ, có năm tôi thử dựng vở vui vui chen vào thì lại bán vé không được, bèn xoay qua bán vé bi kịch, thì khán giả lại ngồi kín rạp. Họ nói đã vô Hoàng Thái Thanh thì phải khóc cho đã. Khóc cũng là một liệu pháp tâm lý, đối với một số người khóc sẽ khiến họ xả ra những ấm ức, suy tư, sau đó lại nhận năng lượng mới". Năm nay Hoàng Thái Thanh ra mắt vở Lạc ở đáy sông, một bi kịch miền Tây sông nước, và vở Lồng sắt cũng thuộc dạng xót xa.
NSND Hồng Vân chơi lớn, tết này lại công diễn một vở sử Việt hoành tráng tại Nhà hát Bến Thành. Tình sử Thăng Long là chuyện tình Nguyễn Huệ - Ngọc Hân nhưng cũng là chuyện lớn của đất nước, tiếp nối con đường kịch sử ngày xưa Hồng Vân từng theo, với Nỏ thần từng đốn tim khán giả. Hồng Vân nói: "Tôi mê kịch sử, nhưng thực hiện không dễ dàng chút nào. Sau Nỏ thần thì không tìm được kịch bản mới, và cũng bận nhiều việc quá. Nay trở lại làm kịch sử, thấy lòng bồi hồi sung sướng. May là có anh Kim Tử Long cùng hợp tác, nên tôi đỡ mệt. Anh là dân cải lương, nên diễn sử rất tốt, lớp diễn viên trẻ sẽ được anh huấn luyện thêm".
Sân khấu 5B thì diễn kịch thiếu nhi ngày tết, với vở Thế giới đồ chơi. Âu cũng là tình cờ, năm ngoái bà bầu Mỹ Uyên sản xuất vở Đại náo long cung diễn suốt mùa hè, tới tết bèn lấy ra xếp lịch diễn thử, ai ngờ bán vé ào ào. Thì ra ngày xuân các em thiếu nhi chẳng có gì để xem, toàn kịch cho người lớn, thế là thấy Đại náo long cung liền nhào vô coi, cha mẹ cũng đi theo con, khiến 5B đông rần rần! Năm nay Mỹ Uyên dựng tiếp vở thiếu nhi, thật sự đáng hoan nghênh, giúp trẻ con có nơi vui chơi, thưởng thức.
Còn một nét đặc biệt nữa, là kịch ma. Tết mà đi coi ma, chả kiêng cữ gì đâu. Bà An Thi nói: "Chúng tôi xếp lịch vở Tâm ma. Khán giả của Thế Giới Trẻ hầu hết là tuổi trẻ, nên các bạn cần cảm giác mạnh, hú hét cho vui. Kịch ma nhưng vẫn có thông điệp đàng hoàng, hướng con người vào con đường làm ăn lương thiện, đừng chạy theo vật chất mà gây tội lỗi". Kịch Hồng Vân cũng có vở Ai kế tiếp thể loại kinh dị pha hài.
Tóm lại, sân khấu xã hội hóa TP.HCM thật phong phú, ngày tết đem đến cho khán giả một thực đơn đầy đủ các món, các thể loại, khán giả tha hồ lựa chọn.