Cách TP.Đồng Hới hơn 80 km về phía tây bắc và nằm trong khu bảo tồn cộng đồng voọc gáy trắng Tuyên Hóa, cây gạo hoa cam cổ thụ ước "tuổi thọ" lên đến hàng trăm năm được người dân xã Thạch Hóa xem là một biểu tượng của địa phương, mang sức sống mãnh liệt, bền bỉ.
Nhân chứng trăm năm
Có thể nói, cây gạo hoa cam là một nhân chứng lịch sử gắn với thời kỳ mở cõi lập làng của các bậc tiền hiền và đã chứng kiến nhiều trận bom đạn rải trên mạch đất Thạch Hóa. Tuy nhiên, cây gạo có tự bao giờ thì người dân không thật tỏ tường.
Cụ Mai Xuân Thưởng (92 tuổi, trú thôn 1, xã Thạch Hóa), một trong những người hiểu chuyện về cây gạo cổ thụ, lần giở sổ tay ghi chép và cho hay từ thời kháng chiến chống Pháp, dân làng đã xây dựng lò vôi lớn dưới chân cây gạo. Trước đây, dưới chân cây gạo có bãi đất sâu và dòng suối chảy về, thuận lợi cho việc xây dựng lò vôi. Lò vôi này là nguồn cung cấp nguyên vật liệu xây dựng đình chùa, miếu mạo trong làng. Sau này, khi đã có xi măng thay thế, lò vôi dần "lụi tàn", chỉ còn cây gạo phát triển tươi tốt và tồn tại đến bây giờ.
"Khi tôi sinh ra, cây gạo đã phát triển rất lớn với nhiều cành nhánh dài sà sát mặt đất và vươn rộng ra xung quanh. Người dân ở đây không ai dám chặt phá vì sợ cây gạo là nơi ở của thần linh", cụ Thưởng kể.
Theo cụ Thưởng, dân làng yêu quý và tìm mọi cách bảo vệ những cây cổ thụ. Trong làng, ngày trước có hàng chục cây cổ thụ, nhưng chiến tranh và bão lũ liên miên khiến nhiều cây gãy đổ và giờ chỉ còn lại cây gạo. Gần nhà cụ Thưởng có một cây khoảng 100 năm tuổi nhưng không thể lớn bằng cây gạo này nên cụ ước tính cây gạo phải có "tuổi thọ" hàng trăm năm. Từ thời ông nội của cụ Thưởng đã thấy cây gạo sừng sững đó rồi...
Bên cạnh cây gạo là miếu thờ bà Sơn. Hằng năm, mỗi khi người dân vào cúng bái tại miếu thì thường ghé cây gạo để quan sát. Cụ Thưởng đặt giả thiết, nếu xác định được năm xây dựng miếu bà Sơn thì cũng có thể xác định được độ tuổi và biết được cây gạo có từ bao giờ…
Niềm kiêu hãnh của vùng đất
Trong quá khứ, cây gạo cổ thụ không có người bảo vệ, chăm sóc nên bị nhiều kẻ xấu đục đẽo lấy vỏ cây làm thuốc trị bệnh, khiến thân cây in hằn những vết sẹo. Trước nguy cơ xâm hại cây quý, năm 2015, ông Nguyễn Thanh Tú, nhân viên khu bảo tồn voọc gáy trắng Tuyên Hóa, đã phát quang và bảo vệ cây gạo như một báu vật của quê hương. "Sau nhiều năm quan sát, cây gạo là cây lớn nhất còn sót lại trong làng tôi nhưng không có ai bảo vệ. Vì muốn giữ gìn cây gạo như một biểu tượng của làng và cho thế hệ sau này, tôi đã tình nguyện bảo vệ và đề xuất với kiểm lâm để bảo tồn cây gạo", ông Tú nói.
Cây gạo cao khoảng 25 - 30 m, tán vươn rộng khoảng 20 m. Hoa gạo thường nở vào tháng 3 đến tháng 4 hằng năm, cây ra hoa màu cam tươi rất đẹp. Thời điểm này, các đàn voọc gáy trắng và nhiều loài chim thường tìm đến cây gạo để kiếm ăn, tạo nên khung cảnh yên bình, đẹp mắt giữa cánh đồng xanh ngát.
Sau một thời gian bảo vệ, nhận thấy tầm quan trọng của cây gạo đối với quê hương, ông Tú đề xuất ý kiến đến kiểm lâm, chính quyền địa phương làm hồ sơ và gửi cho Hội Di sản văn hóa VN đề nghị công nhận Cây di sản. Khi nghe tin cây gạo hoa cam duy nhất ở xã Thạch Hóa được công nhận Cây di sản VN, ông Tú vô cùng xúc động vì quê hương có một di sản quý giá và những công sức của ông bỏ ra đã được đền đáp xứng đáng…
Hiện nay, địa phương đang triển khai mở đường vào khu vực cây gạo hoa cam để tổ chức đón nhận bằng di sản của Hội Di sản văn hóa VN trong năm 2024. Xung quanh cây gạo đã được phát quang, dọn dẹp thực bì để thuận tiện cho người dân và du khách đến tham quan.
"Cây gạo hoa cam hàng trăm năm tuổi được bà con bảo vệ và xem như "báu vật" của quê nhà. Đây cũng là niềm vui của bản thân tôi và cũng là niềm vui của bà con Thạch Hóa. Và cũng không chỉ là niềm tự hào của H.Tuyên Hóa mà còn là niềm hạnh phúc của bà con Quảng Bình khi có cây di sản đầu tiên", ông Tú bày tỏ.