Vở Lẹ lẹ trễ phà (sân khấu Trương Hùng Minh) là bức ký họa ghi vội về một bến phà ở miền Tây Nam bộ, nơi sắp bị giải tỏa để khánh thành cây cầu mới bắc ngang sông. Một số người vẫn còn bám trụ vì họ chưa biết phải trôi dạt về đâu để kiếm sống, và cũng vì quyến luyến không nỡ rời đi bởi đã gắn bó với bến phà suốt mười mấy, hai mươi mấy năm trời. Nhưng còn sống một ngày là còn tích cực một ngày. Những người này thuộc thành phần lao động bình dân, như bán nước giải khát, hủ tiếu, vé số, nem chả, bánh trái, bốc vác, bảo vệ… nên họ có những ồn ào, lộn xộn, cãi vã trong sinh hoạt hằng ngày. Ban đầu, khán giả sẽ "mệt" khi thấy họ sống kiểu vậy. Nhưng dần dần, cánh cửa đời hé mở, để lộ ra cốt lõi tình thương nơi họ. Một chị đồng tính ngăn cản anh bốc vác hơi "nặng tay" vì anh này cứ say xỉn là đánh vợ, sau đó cả nhóm cư dân khuyên lơn, hàn gắn đôi vợ chồng trước nguy cơ tan vỡ. Một tên móc túi bị cư dân bắt trả lại số tiền ăn cắp cho khách đi phà. Hoặc cả cộng đồng đã cưu mang hai mẹ con chạy trốn người chồng giang hồ, lo chỗ ăn ở, học hành, chia sẻ từng mét vuông chật hẹp trong căn gác xép. Tình thương kiểu bình dân không dịu dàng nhưng rất chân thật, nói là làm, không màu mè, giả tạo.
Cuộc sống càng xô bồ, khắc nghiệt thì sân khấu càng cần đem đến sự cân bằng cho người ta sống tử tế hơn. Có thể chỉ là một chút xíu rung động khi xem kịch, nhưng đó cũng là hạt giống có khả năng nảy mầm và lớn lên trong tương lai, trở thành những nhân tố tích cực trong cuộc sống.
NSND Mỹ Uyên (sân khấu 5B)
Ở đây ai tỉnh (sân khấu Thế Giới Trẻ) là một thế giới nhập nhòa giữa điên và tỉnh. Trong dòng đời xô bồ này, chưa biết ai điên, ai tỉnh. Người tưởng là tỉnh thì chạy theo vật chất, quên cả tình thương. Còn người vô bệnh viện tâm thần thì lại rất biết ai nghĩa tình với mình, và họ "bơi" thoải mái trong đại dương yêu thương ấy. Một anh nhạc sĩ bị người yêu phụ bạc đau khổ đến hóa điên, lại tìm được cô người yêu mới ngay trong bệnh viện. Một ông Trí bị con cái hắt hủi lại tìm được bà Năm nấu bếp dịu hiền, chăm sóc, bầu bạn lúc tuổi già. Thậm chí có anh chàng bị nợ nần truy đuổi cũng chạy vào đây tá túc cho tới ngày giải được hàm oan. Tình thương không có biên giới, phân biệt, chỉ cần người ta tỉnh táo nhận ra và trao tặng. Còn người không nhận diện được tình thương mới chính là kẻ… điên.
Mặt đối mặt (sân khấu 5B) lại có một tình thương rất lạ và vui nhộn. Ông chủ nhà hàng Việt kiều tên Elvis rất thông cảm với anh nhân viên tên Trần, hiểu hoàn cảnh khó xử của anh, giúp đỡ anh "tới bến". Elvis "nhường ngôi" cho Trần tạm đóng vai chủ nhà hàng để không xấu hổ với bà con dòng họ, còn anh xuống làm vị trí nhân viên. Chính chỗ này mà tạo nên tiếng cười vang cả rạp. Elvis không giống như những ông chủ mà chúng ta thường gặp, thường thấy khắc họa theo kiểu bóc lột, lạnh lùng. Elvis hồn nhiên và đầy trắc ẩn. Trái tim anh trong trẻo nên tình thương thấm đẫm như một lẽ đương nhiên. Đây có lẽ là nhân vật đáng yêu nhất mùa tết này.
Đạo diễn Ái Như (sân khấu Hoàng Thái Thanh) nói: "Tôi luôn muốn vở kịch của mình mang một thông điệp yêu thương đến cho từng trái tim khán giả. Sân khấu phải nhân văn là vậy, cần gieo thêm mầm thiện cho đời, chứ không chỉ có chức năng giải trí".
NSND Mỹ Uyên (sân khấu 5B) tâm sự: "Tôi chủ trương dựng lại các vở chính kịch với chủ đề yêu thương cuộc sống, yêu thương con người. Cuộc sống càng xô bồ, khắc nghiệt thì sân khấu càng cần đem đến sự cân bằng cho người ta sống tử tế hơn. Có thể chỉ là một chút xíu rung động khi xem kịch, nhưng đó cũng là hạt giống có khả năng nảy mầm và lớn lên trong tương lai, trở thành những nhân tố tích cực trong cuộc sống".
Là người phụ trách sân khấu Thế Giới Trẻ, bà An Thi nói: "Tình thương không bao giờ xưa cũ, mình cứ chọn những tác phẩm đó thì dễ đi vào lòng người".