Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
648
122.764.203

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Để gió cuốn đi: Nhớ Trịnh qua tiếng kèn đồng
Dàn nhạc kèn Huế biểu diễn tại lễ khánh thành tượng nghệ thuật Trịnh Công Sơn ngày 28.2 vừa qua S.X Dưới mái nhà Kèn bên dòng Hương Giang với hậu cảnh là cầu Trường Tiền thơ mộng, tiếng kèn đồng ngân lên những tiết tấu của Trịnh Công Sơn khiến nhiều người bồi hồi nhớ về cố nhạc sĩ.

 

 

Cơ duyên với họ Trịnh

 

Chương trình tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh (28.2.1939) và 23 năm ngày mất của ông (1.4.2001) do Hội Âm nhạc Thừa Thiên-Huế phối hợp Chi hội Nhạc sĩ VN tỉnh Thừa Thiên-Huế với chủ đề Nhớ Trịnh Công Sơn diễn ra tại nhà Kèn (công viên 3.2) vào chiều 17.3 vừa qua đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người yêu nhạc. Góp nên sự thành công đó có sự tham gia của CLB Dàn nhạc kèn Huế - dàn kèn đồng phi lợi nhuận, hoạt động vì cộng đồng duy nhất trên cả nước.

 

"Thủ lĩnh" CLB Dàn nhạc kèn Huế, nhạc sĩ Lê Quang Vũ (Phó chủ tịch Hội Âm nhạc Thừa Thiên-Huế) cho biết trước khi chuyển về Huế sinh sống vào năm 2017, ông từng có thời gian hoạt động âm nhạc tại TP.HCM và có cơ duyên gặp gỡ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong những lần ông lui tới Hội Âm nhạc TP.HCM. "Là một nhạc sĩ lớn nhưng anh Sơn luôn gần gũi với anh em. Tôi ấn tượng về anh bởi những lời chỉ bảo, động viên anh em nhạc sĩ trẻ sáng tác. Với tôi, anh Sơn như là một người thầy…", ông Vũ nhớ lại.

 

Năm 2018, ông Vũ trở về Huế thành lập CLB Kèn Huế (là tiền thân của CLB Dàn nhạc kèn Huế) với 25 thành viên, và tất nhiên, những sáng tác của Trịnh Công Sơn đã đi vào những buổi quảng diễn kèn đồng bên sông Hương. Sự phục hưng kèn đồng xứ Huế thực sự mạnh mẽ vào đầu năm 2020, khi lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế giao nhiệm vụ cho Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật tỉnh xây dựng đề án phục hồi CLB Kèn Huế. Năm 2021, CLB Dàn nhạc kèn Huế chính thức ra đời nhờ sự nỗ lực của lãnh đạo tỉnh, của vợ chồng ông Nguyễn Trung Trực và bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái Trịnh Công Sơn), của nhiều văn nghệ sĩ. Trong đó, nhờ sự tài trợ mà Dàn nhạc kèn Huế đã có kèn, trống và trang phục biểu diễn.

 

Từ tình cảm gắn kết đó mà từ khi ra đời, CLB đã thực hiện nhiều chương trình tưởng nhớ cố nhạc sĩ. Từ tháng 2 - 4 hằng năm, CLB thường tổ chức hoạt động tưởng niệm và chơi nhiều bài nhạc do Trịnh Công Sơn sáng tác. "Các nhạc phẩm của ông là những tác phẩm nổi tiếng và có thể trình diễn vào các buổi khác nhau. Mỗi khi tiếng kèn đồng cất lên, dù là độc tấu hay hòa tấu cũng đều mang lại cảm xúc thân quen cho nhiều người", ông Vũ nói.


"Làm mới" nhạc Trịnh

 

Nhạc sĩ Lê Quang Vũ kể, khi mới thành lập, Dàn nhạc kèn Huế có 38 thành viên, nhưng rồi vì nhiều lý do đến nay chỉ còn 14 thành viên. Do xuất phát điểm của các nhạc công khác nhau, có người thổi kèn đám ma, có người chơi theo cảm tính… nên nhiều người không hiểu được nhạc lý và càng khó chơi nhạc Trịnh. Sau 2 năm rèn luyện và đào tạo cho các nhạc công, nhạc sĩ Lê Quang Vũ vui mừng khi chỉ cần tập luyện bài mới 1 buổi là cả đội đã thổi nhuần nhuyễn. "Hồi đầu, nhiều em tỏ ra "xa lạ" với nhạc Trịnh vì tuổi các em còn trẻ, ít tiếp cận nhạc của cố nhạc sĩ. Nhưng khi dựng bài, phối bài thì các em thích thú và đề nghị tôi tiếp tục phối thêm nhiều bản mới", ông Vũ chia sẻ.

Nhạc công saxophone Nguyễn Huỳnh Thái Bình (25 tuổi) trải lòng, từ những ngày còn bé đã được cha mở cho nghe những ca khúc của cố nhạc sĩ. Có lẽ vì thế mà nhạc Trịnh "bén" vào tiềm thức của Bình một cách sâu sắc. "Dù vậy, nhạc Trịnh là một trong những bài toán khó nhất đối với tôi. Bởi để có thể chơi được một bản nhạc hoàn chỉnh, tôi phải mất nhiều thời gian đọc và suy ngẫm để hiểu được triết lý mà ông gửi gắm trong từng câu chữ. Từ đó, tôi sẽ sử dụng những kỹ thuật ngân nga, luyến láy, ngắt nghỉ… để phù hợp với ý đồ của tác giả", anh Bình nói.

Là nhạc sĩ có kinh nghiệm phối nhạc kèn nhưng nhạc sĩ Lê Quang Vũ nhìn nhận, phối bản kèn hòa tấu nhạc Trịnh Công Sơn cho cả một dàn kèn đồng khá khó vì "đủ thứ giọng", từ flute, saxophone alto, saxophone tenor, trumpet, baritone, trombone, turba… Khi đã dựng được bài, nhạc sĩ Lê Quang Vũ sẽ cho cả nhóm tập luyện chung và luôn nhắc nhớ các thành viên CLB muốn thổi kèn hay phải "nghe nhạc Trịnh thường xuyên, phải đọc, cảm về cuộc đời nhạc sĩ". "Cái khó của mỗi nhạc công khi chơi nhạc Trịnh là phải thả hồn, cảm xúc vào bài nhạc…", ông Vũ nói.

Chỉ huy dàn nhạc Nguyễn Hoàng Như Ý (công tác tại Học viện Âm nhạc Huế) cho biết, để chỉ huy cả dàn kèn đồng chơi nhạc Trịnh tốt nhất, đòi hỏi anh phải nghe nhiều, đọc nhiều để hiểu về con người cố nhạc sĩ cũng như tính triết lý trong âm nhạc của ông. "Chỉ huy chơi nhạc Trịnh thì phải thấu hiểu, nếu không sẽ khó làm tốt", anh Ý nói và cho biết thêm: "Năm nào chúng tôi cũng cố gắng có những bản phối mới nhằm làm chương trình tưởng nhớ Trịnh tươi mới hơn để phục vụ bà con".

Đóng vai trò "công trình sư" cho các bản hòa tấu, nhạc sĩ Lê Quang Vũ luôn cố gắng "làm mới" các bản nhạc của Trịnh qua cách hòa âm, phối khí nhưng vẫn giữ được tiết tấu. Bởi vậy, chương trình tưởng niệm cố nhạc sĩ vào chiều 17.3 vừa qua, nhiều khán giả có mặt đã thích thú khi nghe liên khúc hòa tấu Biết đâu nguồn cội - Ở trọ; Cát bụi - Tình xa; Quỳnh hương; Ướt mi… Đó là những bản phối đã được ông Vũ "làm mới". (còn tiếp)

 

Hoàng Sơn - TN0
Tin tức khác