Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.101
123.202.484

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bức tranh lưu giữ tình bạn Việt - Nhật và chuyến trở về đất mẹ: Khóa học ngắn hạn tại Sendai
Chân dung họa sĩ Nguyễn Văn Minh do họa sĩ Naruse Tadayuki vẽ Câu chuyện bức tranh sơn dầu có tên dài Đất mẹ âm thầm làm thay đổi những người đang yêu là câu chuyện bình dị nhưng cảm động, trong đó có sự trân trọng kỷ niệm của những người Nhật từ Tokyo và ngân lên tình bạn xa xưa giữa hai họa sĩ Việt Nam - Nhật Bản từ hơn 60 năm trước.

 

 

Năm 1958, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn, họa sĩ Nguyễn Văn Minh làm việc tại Trung tâm Khuếch trương tiểu công nghệ. Sau đó, ông được học bổng sang Nhật tu nghiệp về kỹ thuật tranh sơn mài tại National Industrial Arts and Research Institute ở cố đô Kyoto và Sendai năm 1961, tổng cộng là 1 năm. Ở Sendai, ông kết bạn với một họa sĩ người Nhật tên là Naruse Tadayuki. Cả hai cùng có những chuyến đi chơi trượt tuyết, trao đổi thư từ hình ảnh và vẽ tranh tặng nhau.

Sau khóa học, họa sĩ Nguyễn Văn Minh trở về nước và cùng họa sĩ Nguyễn Văn Trung thành lập Công ty mỹ nghệ Mê Linh năm 1965. Đó là khoảng thời gian khá bận rộn để tập trung sản xuất tranh sơn mài cho thị trường, có những bức khổ lớn cho vài ngân hàng tại Sài Gòn. Tác phẩm nổi tiếng của ông là bức sơn mài lớn Bình Ngô đại cáo ở phòng Trình quốc thư Dinh Độc Lập dài 14 m, cao 9 m. Công ty Mê Linh hoạt động cho đến năm 1975. Sau đó, ông Minh sang Mỹ, tiếp tục hoạt động nghệ thuật cho đến khi qua đời năm 2005.

 

Người bạn Nhật Bản của họa sĩ Nguyễn Văn Minh, ông Naruse Tadayuki sinh năm 1924, lớn hơn ông Minh 10 tuổi. Sau chiến tranh thế giới thứ hai (1945), ông vừa làm nhân viên văn phòng vừa làm họa sĩ. Suốt cuộc đời, ông không ngừng vẽ tranh, liên tục công bố tác phẩm mới và tổ chức triển lãm tranh cá nhân trong nước Nhật. Ông tích cực tham gia giao lưu với những họa sĩ người nước ngoài đến thăm tỉnh Miyagi, nơi ông sinh sống và làm homestay (đón về nhà ở một thời gian) như dịp ông gặp họa sĩ Minh. Sau khi về hưu, ông vừa dạy vẽ vừa nỗ lực thực hiện những hoạt động để phát triển nghệ thuật, văn hóa và giao lưu quốc tế với một số nước. Ông đi du lịch nhiều nước, để lại cho đời nhiều tác phẩm hội họa. Phong cách sáng tác của ông đa dạng, gồm tranh trừu tượng, tranh phong cảnh… Những năm cuối đời, ông vẽ nhiều tranh liên quan đến Kinh thánh. Tại cuộc triển lãm nghệ thuật quốc tế Bangkok năm 1998, ông đã được Hoàng thất Thái Lan trao tặng Kỷ niệm chương nghệ thuật.

 

Theo trí nhớ của cô Naruse Asuna, ông nội của cô là người rất nghiêm túc, ghi chép rất nhiều trong cuộc đời. Ông lưu giữ (bằng văn viết và ảnh) về những người ông đã gặp thông qua hội họa, ghi chép về quá trình trở thành một nhà nghệ thuật, về phương pháp vẽ... Ông còn tự bỏ tiền in thành sách những nội dung ghi chép của mình. Nhờ đó, ông để lại nhiều tư liệu về họa sĩ Nguyễn Văn Minh. Ông còn lập ra Bảo tàng tư nhân Naruse để chia sẻ những tác phẩm nghệ thuật cho người dân nơi mình sống, hiện vẫn đang hoạt động.

 

Việc trao đổi thư từ giữa ông Naruse và ông Minh kéo dài trong những năm 1962 - 1964, vào những dịp năm mới hoặc Giáng sinh, cho biết tình hình của nhau nhưng sau đó thì không tiếp tục nữa. Những bức thư thể hiện sự thay đổi địa chỉ nhiều lần, cho đến khi thư từ Việt Nam không còn thấy gửi qua (trùng với thời gian ông Minh chuẩn bị lập Công ty Mê Linh). Ông Naruse không còn cách nào để liên lạc với ông Minh nhưng vẫn nhớ người bạn thân thiết. Ông còn mua được quyển tạp chí có đăng bài về ông Minh. Ông vẫn gìn giữ niềm hy vọng: "Con người ta, nếu còn sống và còn nỗ lực, biết đâu có ngày sẽ gặp được!". Có lúc ông nói với cháu gái: "Ông muốn biết ông ấy nay ở đâu, muốn gặp!". Cô cháu tìm thông tin trên mạng và cho biết có chút thông tin là ông Minh đã mất năm 2005. Lúc đó ông Naruse chỉ thốt lên một câu "Vậy à!" rồi im lặng.

 

Khi người con trai của ông - cha cô Naruse Asuna - còn nhỏ, bức tranh này được treo trong nhà nên cha cô nhớ rõ. Vì còn nhỏ nên không nhớ kỹ nội dung, chỉ nhớ rằng người cha họa sĩ rất hay nhắc về "ông Minh", kể nhiều lần hai người đã cùng đi du lịch với nhau, khiến cha cô có ấn tượng là "hai ông thân nhau vậy!", và nhớ luôn cái tên "ông Minh". Cô Asuna lần đầu thấy bức này năm 2013. Trong phòng tranh lúc đó, có nhiều bức tranh do các họa sĩ Nhật vẽ, nhưng bức tranh này thể hiện một màu sắc khác lạ hoàn toàn.

Năm 2021, họa sĩ Naruse Tadayuki mất, thọ 97 tuổi. Ông để lại nhiều họa phẩm, trong đó có bức Đất mẹ âm thầm làm thay đổi những người đang yêu do ông Minh tặng từng ưu ái treo trong nhà. Sau đó gia đình quyết định sẽ hiến tặng các bức tranh mà ông Naruse Tadayuki sở hữu lúc sinh thời. Những bức do ông Naruse và các họa sĩ trong vùng nơi gia đình đang sinh sống (tỉnh Miyagi) vẽ thì tặng cho người quen, hoặc cơ sở mỹ thuật, cơ sở công cộng trong tỉnh, nhưng với tranh của một họa sĩ ít người ở Nhật biết đến là họa sĩ Nguyễn Văn Minh, gia đình cảm thấy khó xử và tính đến phương án thiêu hủy. Tuy nhiên, cô cháu Naruse Asuna vốn rất thích bức tranh này nên không nỡ hủy nó đi và nghĩ phải cố làm sao hiến tặng nó cho nơi nào đó có liên quan đến họa sĩ Nguyễn Văn Minh. (còn tiếp) 

 

 

Phạm Công Luận - TN0
Tin tức khác