Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.214
123.206.284

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người xưa trọng sách: Từ sách mà lập danh
Tác phẩm Y tông tâm lĩnh của Hải Thượng Lãn Ông được biết đến với tên gọi Hải Thượng Lãn Ông toàn thư, bản dịch năm 1942 ĐÌNH BA Kẻ sĩ thời xưa, lập thân, lập công danh sự nghiệp qua việc học hành, thi cử, đỗ đạt, qua việc thăng quan tiến chức nơi quan trường. Nhưng không chỉ thế, nhiều người trong số họ, được đương thời và hậu thế biết tới, là qua những danh tác để lại. Người dẫu nằm sâu ba tấc đất từ đời nào, nhưng tiếng tăm vẫn còn để lại, nơi chữ nghĩa.

 

Lê Quang Bí phơi kho sách trong bụng

 

Ngay cả người thân là tướng, cũng có những trước tác để đời, cho thấy kẻ võ biền không chỉ thiên sức mạnh, mà văn tài võ lược phải toàn diện nữa. Thế nên trong Mẫn Hiên thuyết loại mới có phần "quan võ đọc sách" lưu ý "thời Trần và đầu thời Lê, quan võ phần nhiều có học". Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo làm giặc Nguyên kinh hồn khiếp vía về tài lãnh đạo quân đội, ông còn là người "thông hiểu sách vở, văn võ đủ tài", theo lời ngợi ca trong Ngự chế Việt sử tổng vịnh. Vẫn sách này viết "ngài lại còn lựa chọn những tài liệu quý báu trong binh thư xưa để soạn sách dạy tướng lãnh thuộc hạ mình", sách đó là Vạn Kiếp bí truyền thư. Còn Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải theo Nam quốc vĩ nhân truyện còn được biết đến là người chăm học, hay làm thơ, để lại cho đời Lạc đạo tập. Cũng thời Trần, Phạm Ngũ Lão đường đường là quan võ nhưng ông là người đảm lược, mưu trí và được biết đến là người thích đọc sách ngâm thơ.

 

Hoàng giáp Vũ Quỳnh thuộc dòng họ Vũ đất tiến sĩ Mộ Trạch. Ông được đương thời và hậu thế biết đến qua những tác phẩm Đại Việt thông giám, Lĩnh Nam chích quái (nhuận chính). Lê Quang Bí trong thơ vịnh đã khen ông là "Mình đội mũ miết, đeo ngọc khuê liên tiếp, phẩm tước vẻ vang là thế,/Mà vẫn có tính cách nhà nho cũ "một ngọn đèn xanh một quyển vàng". Nhớ về ông, Vũ Phương Đề ngoài ghi chép tiểu sử trong Công dư tiệp ký, còn kèm bài thi tán:

Một thiên Việt khảo phương châm đủ,

Trích quái bàn chi những truyện kỳ.

Sách có chức năng truyền bá tri thức, làm nên vốn sống, kiến thức cho người thu nhận. Tác dụng thực tế của sách ư? Xem chuyện Lê Quang Bí hẳn là dẫn chứng thú vị. Ông đi sứ phương Bắc, bị giữ lại nơi nước người 18 năm, thế mà trí không nhụt, giữ mình tự tại và ứng xử thông minh. Phong tục sử ghi: "Những ngày mùa đông ông thường nằm phơi mình dưới nắng. Người Minh hỏi nguyên cớ làm sao? Ông trả lời: "Tôi phơi kho sách ở trong bụng". Người Minh sai đọc Đại học diễn nghĩa, ông đọc không sai một chữ".

 

Sách tốt chữa bệnh cứu người

 

Cuối thời Lê Trung hưng, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là người tinh thông y lý, là lương y mà tiếng tốt làm gương cho bao đời sau. Giỏi chuyên môn, giàu nhân đức, sách thuốc ông nghiên cứu nhiều, biết cả những chứng bệnh, cách chữa mà tiền nhân chưa kê cứu. Thoái thực ký văn ghi lại việc có ông họ Nguyễn bị bệnh chữa mãi không khỏi, đến cầu cứu Hải Thượng, "thầy ra khám rồi nói: "Bệnh này không thấy chép trong sách y, cũng là một bệnh lạ vậy. Đây là do khúc dưới của ruột già bị hư […]". Chẩn bệnh, Hải Thượng kê thuốc đắc dụng, quả nhiên sau bệnh nhân khỏi hẳn. Từ kinh nghiệm chữa bệnh, tác phẩm Y tông tâm lĩnh được ông viết ra, thành sách thuốc hữu ích cho hậu thế bao người học theo. Vũ trung tùy bút nhận xét: "Nước ta về đời Lê có hai ông danh y: Một là ông Lê Lãn Ông người làng Liêu Xá, ngụ cư ở Nghệ An, chúa Trịnh Tĩnh Vương thường đón về kinh đô để chữa bệnh. Ông có làm ra bộ sách Lãn Ông toàn tập, Mộng trung giác và bộ sách Chẩn đậu chuẩn thẳng, học lực thâm thúy, nghị luận xác đáng".

Tiến sĩ Nguyễn Nhân Thiếp làm đến Thượng thư Bộ Lại, được vua Lê Hiến Tông làm thơ khen, trong đó có câu "Cho ở chức Bí thư giám là nơi ao Phượng để soạn sách có giá trị hơn việc vua Đường cho tiền". Ngô Thì Sĩ năm Tân Mão (1771) vì bị kiện mà bãi chức về "ông đóng cửa viết sách, lấy sử sách làm vui", Lịch triều ghi. Họ đều từ đọc sách, học sách, viết sách mà nên danh ở đời cả.

Nhà Nho trước thuật thời phong kiến, kể ra thực nhiều, nhưng tiêu biểu, hẳn chỉ nên chọn ra một vài. Như trong "Gia Định tam gia" thời Nguyễn, thì Trịnh Hoài Đức được biết đến là người học vấn rộng rãi, rất yêu sách vở. Riêng về sự nghiệp trước tác của ông, Đại Nam liệt truyện cho hay: "Đức nghiệp văn chương, đời phải tôn trọng, sách của Đức làm ra có Gia Định thông chí, Cấn trai thi tập, Bắc sứ thi tập, và Gia Định tam gia thi tập lưu hành ở đời".

Cũng thời Nguyễn, vua Tự Đức có câu khen: "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán/Thi đáo Tùng, Tuy bất thịnh Đường". Tùng ở đây chính là Tùng Thiện vương Miên Thẩm. Tiểu sử của Tùng Thiện vương có trong Liệt truyện, ghi nhận tài văn học của ông, đồng thời thống kê những tác phẩm của ông. "Bình sinh ông có trước thuật 14 tập (tập Nạp Bị, Thương Sơn thi tập, Thương Sơn thi thoại, Thương Sơn từ tập, Tĩnh y ký, Thức Cốc biên, Lão Sinh thường đàm, Học giá chí, Tinh kỵ tập, Lịch Đại Đế vương thống hệ đồ, Thi kinh quốc âm ca, Độc ngã thư sao, Nam cầm phổ, Lịch đại thi tuyển); được người ta khắc in 7 tập (Quảng Khê thi tập, Lương Khê thi tập, Mạn Viên thi tập, Hân Nhiên thi tập, Phạm Tập Lâm thi tập, Cống thảo viên thi tập, Tam cao sĩ tập)". (còn tiếp)

 

 

 

Trần Đình Ba - TN0
Tin tức khác