Ngày 29.8, tại nhà ga xe lửa Đà Lạt, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) tổ chức ra mắt dự án "Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt - Dalat Art Map". Đến dự có ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam.
Bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt (tiếng Việt và tiếng Anh) là dự án do UBND TP.Đà Lạt phối hợp với Công ty Nghệ thuật Phố Bên Đồi và Behalf Studio thực hiện. Bản đồ cung cấp hơn 59 điểm đến chính và phụ ở trung tâm Đà Lạt cùng một số vùng lân cận khác.
Bản đồ được phân loại thành 8 nhóm theo mục đích tham quan như: không gian lịch sử và di sản, thắng cảnh thiên nhiên, không gian trưng bày và địa điểm nghệ thuật, địa điểm âm nhạc…, tạo điều kiện cho du khách dễ dàng tiếp cận và trải nghiệm các không gian du lịch, văn hóa, nghệ thuật của phố núi Đà Lạt.
Ông Đặng Quang Tú, Chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết thêm, ngày 31.10.2023, TP.Đà Lạt vinh dự, chính thức là thành viên của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trong lĩnh vực âm nhạc. Việc xây dựng bản đồ du lịch nghệ thuật Đà Lạt là 1 trong 3 sáng kiến cấp địa phương nhằm thúc đẩy vai trò của văn hóa và sáng tạo trong phát triển bền vững của thành phố; đánh dấu một chặng đường phấn đấu, nỗ lực của thành phố sáng tạo âm nhạc và trở thành món quà không thể thiếu trong hành trình khám phá Đà Lạt của du khách xa gần.
"Sản phẩm này không chỉ đơn thuần là một công cụ dẫn đường, mà còn là cầu nối giữa các nghệ sĩ, các cơ sở nghệ thuật và cộng đồng; giúp mở ra những câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa và sáng tạo, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch, nghệ thuật gắn với thành phố âm nhạc", ông Tú chia sẻ.
Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Jonathan Baker chia sẻ: "Tôi cho rằng lễ ra mắt được thực hiện tại ga xe lửa Đà Lạt, một trong những biểu tượng của TP.Đà Lạt được đưa vào bản đồ du lịch, cho tất cả chúng ta thấy được sự giao thoa giữa di sản và sáng tạo".
Cũng theo ông Jonathan Baker, Đà Lạt có tiềm năng to lớn trong việc tận dụng các nguồn lực văn hóa của mình cho các chiến lược phát triển bền vững, bởi nơi đây có một bề dày truyền thống văn hóa do cộng đồng 20 dân tộc thiểu số tạo nên. Vì vậy, việc hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, đề cao các giá trị kinh tế từ sự sáng tạo của văn hóa, nghệ thuật và chú trọng tới sự đa dạng trong sự sáng tạo của mỗi cá nhân, tập thể hay cộng đồng sẽ không chỉ thúc đẩy kinh tế của thành phố mà còn là để bảo tồn di sản.
Được biết, trong thời gian tới, TP.Đà Lạt sẽ tiếp tục hoàn thiện, phát triển và mở rộng bản đồ này để cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin về những điểm đến nghệ thuật mới, các sự kiện văn hóa đặc sắc của địa phương.