Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
525
122.763.273

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người đàn ông khuyết tật ‘chữa lành’ những con đường
"Tôi chọn vá đường đơn giản là muốn thấy bà con không còn bị sụp ổ gà nữa..." ẢNH: ĐẶNG HOÀNG AN Gia cảnh khó khăn, vất vả mưu sinh trên đôi chân tật nguyền, nhưng bác Nguyễn Hồng Dân (56 tuổi, Cần Thơ) vẫn thầm lặng cống hiến cho cộng đồng.

 

Suốt một thập kỷ qua, bác đã miệt mài "chữa lành" miễn phí rất nhiều con đường, bất kể nắng mưa.

 

Hy sinh thầm lặng

 

Sinh năm 1968 trong một gia đình khó khăn tại miền "gạo trắng nước trong", năm lên hai tuổi, bác Nguyễn Hồng Dân bị cơn sốt quái ác hành hạ, để lại di chứng khuyết tật suốt đời.

Bài toán cuộc đời đem đến chẳng mấy dễ dàng buộc đứa trẻ ngày ấy phải nỗ lực rất nhiều để đứng được trên một chân còn lại. Dường như trong mỗi khó khăn luôn ẩn chứa một con đường. Và bác đã chứng minh rằng bản thân có thể làm được mọi việc như người không khuyết tật.

Không được trời phú cho đôi chân khỏe mạnh, ngay từ nhỏ trong nhận thức đến hành động bác luôn tỏ ra mạnh mẽ, can trường và thích nghi tốt với mọi nghịch cảnh.

Gia cảnh cơ hàn, chàng trai khuyết tật ngày nào phải chạm chân với đời sớm, dẫu bất tiện. Khập khiễng trong từng bước đi, bác len lỏi khắp nẻo, từ đường to đến hẻm nhỏ để bán vé số mưu sinh. Và rồi trên chặng đường ấy, bác đã tìm thấy niềm hạnh phúc giản dị bên vợ hiền, con ngoan. Tuy nhiên, do "không có tấc đất cắm dùi", cái nghèo bám riết nên cả nhà phải tất tả ngược xuôi, sống rày đây mai đó.

Lần nọ, trong lúc bán vé số tại Bình Dương, bác chứng kiến vụ tai nạn thương tâm: nạn nhân ra đi vĩnh viễn chỉ vì một ổ gà trên đường. Cảnh tượng ấy đã khắc thật sâu vào tim bác những xót xa, thương cảm. Chính khoảnh khắc đó đã đánh thức lòng trắc ẩn, thôi thúc bác phải hành động, phải làm một điều gì đó tử tế cho cộng đồng.

Về gác trọ, bác trăn trở về việc vá đường từ thiện. Ít hôm sau, bác quyết định dấn thân vào hành trình này. Kể từ đó, bác Dân đã dành một phần thu nhập ít ỏi từ việc bán vé số mỗi tháng để mua xi măng vá đường miễn phí. Nói về vấn đề này, bác khảng khái cho biết: "Nói nào ngay, gia đình cũng khó khăn nhưng thấy bà con, bá tánh bị tai nạn, tôi cầm lòng không đặng. Tôi chọn vá đường đơn giản là muốn thấy bà con không còn bị sụp ổ gà nữa. Con tim mách bảo, cứ thế mà tôi làm thôi!", nói xong bác cười xòa.

 

Khoảng thời gian đầu, bác tự kiếm đá, xà bần để vá tạm đường cho người dân. Trong quá trình "siêng làm thì có, siêng học thì hay", bác đã chuyển sang nhựa đường để chỗ vá được bền hơn.

Dẫu cho vật chất có giới hạn, nhưng tấm lòng và tinh thần vì cộng đồng của bác bác ái vô cùng, đáng trân trọng. Cô Trần Thị Ngọc Mến (Bình Thuỷ, Cần Thơ) bày tỏ: "Nhiều người có điều kiện chưa chắc họ nghĩ tới làm từ thiện, trong khi chú khuyết tật, đi bán từng tờ vé số dành dụm mua xi măng, lượm lặt từng cục đá và cặm cụi vá hết đường này tới đường khác".

Dòng đời thăng giáng, gia đình bác trôi dạt khắp xứ và cuối cùng neo lại tại nơi chôn nhau cắt rốn. Về trọ tại Cần Thơ, bác vừa bán vé số vừa vá đường từ thiện, cộng thêm tiền bán tạp hóa của vợ, kinh tế gia đình cơ bản đủ sống. Cuộc sống tưởng chừng an bình, ngờ đâu, trận đại dịch Covid-19 đã cướp đi người vợ hiền - hậu phương luôn ủng hộ bác làm việc thiện.

Không lâu sau đó, bác bị nhồi máu cơ tim và phải đặt stent mạch vành, song, bác vẫn quyết tâm duy trì việc vá đường không công với mệnh lệnh từ trái tim: "Nếu mình không làm mà lỡ chỗ đó có tai nạn giao thông thì mình cảm thấy có lỗi, tòa án lương tâm không cho phép", bác ôn tồn chia sẻ.

Trên những con đường in dấu chân của bác, bàn tay bác cứ miệt mài lấp đầy những ổ voi, ổ gà, mang lại đoạn đường bằng phẳng cho người dân được lưu thông an toàn.

 

Sống đẹp giữa đời thường

 

Theo chân bác Dân trải nghiệm vá đường, tôi mới thấu cảm về những khó khăn, sự nỗ lực phi thường và cả lý tưởng sống cao đẹp của người đàn ông khuyết tật này.

Sáng sớm, bác đến các khu vực đang thi công làm đường nhặt lấy từng khối nhựa cũ mà người ta bỏ ven đường mang về nhà. Công đoạn tiếp theo, bác và con trai cho những khối nhựa đó vào máy nghiền tự chế, chia thành từng phần nhỏ vào bao và xếp chồng lên nhau ngay ngắn. Buổi chiều bác dành thời gian đi vá đường.

Đến vị trí có ổ gà, bác khập khiễng đi lấy xẻng, búa dập, nhựa đường… và lê chân dựng tấm bảng "Đang vá đường xin đi chậm".

Trước khi "chữa lành" những ổ gà, "bác sĩ đường phố" này dùng chổi vệ sinh khu vực chuẩn bị vá cho sạch. Sau đó, rưới dầu lên, lấy nhựa phế thải đã xay nhỏ lắp vào, dùng búa dập nện xuống để lớp nhựa đường cũ và mới dính vào nhau thật chặt.

Nhìn bác cặm cụi vá đường đến ướt đẫm áo, bắt gặp những giọt mồ hôi lã chã rơi trên khuôn mặt bắt nắng đen nhẻm của bác khiến tim tôi rung lên từng nhịp, xuýt xoa, thán phục. Tôi cảm nhận được bên trong lớp áo dính đầy nhựa đường ấy có một trái tim rực lửa yêu thương. Đôi tay bác lấm lem nhưng đang làm đẹp cho đời và dù đôi chân có khập khiễng nhưng dẻo dai sải bước trên hành trình tử tế, đáng ngưỡng mộ.

Bà Nguyễn Thị Nhung – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trà Nóc cho biết: "Chú Dân thuộc hộ gia đình khó khăn trên địa bàn. Địa phương rất đánh giá cao tinh thần trách nhiệm vì lợi ích chung cho xã hội của chú. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để chú thực hiện công việc ý nghĩa này".

Hữu xạ tự nhiên hương, sau những ngày đầu tự lực, đến nay đã có nhiều tấm lòng hảo tâm biết đến. Họ đã tiếp sức, mỗi người góp một chút giúp bác có thêm nguyên vật liệu để vá đường.

 

Bác bộc bạch: "Tôi thấy vui với công việc ý nghĩa này, thành thử ra chưa nghỉ được đâu. Bây giờ, tôi chỉ mong muốn có sức khỏe tốt để tiếp tục vá đường trả ơn đời. Tôi làm từ tâm và theo tiêu chí 5 không: không bán, không cho, không làm mướn, không xin và không lãng phí".

Nói về cha của mình, anh Nguyễn Văn Liệt bày tỏ: "Việc vá đường là tâm huyết, tâm nguyện của cha nên tôi hết lòng ủng hộ, gánh vác thay cha trong những việc nặng. Tôi tự hào về nghĩa của cha!".

 

Với tinh thần sống đẹp vì cộng đồng, năm 2018, bác Nguyễn Hồng Dân vinh dự được nhận giải thưởng KOVA - hạng mục "Sống đẹp", được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trao bằng khen (2021) vì có nhiều thành tích trong phong trào thi đua đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giai đoạn 2016 - 2020, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác. Nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất là sự an toàn của người dân khi lưu thông trên những con đường bằng phẳng.

 

Khi nhận được giải thưởng KOVA, bác không dành cho riêng mình mà dùng cho việc vá đường, bởi: "Tôi nghĩ, nếu mình lấy 20 triệu đồng sửa sang nhà cửa, chỉ có con cháu mình nó mừng, nhưng mình dùng nó vá đường thì cả xã hội được nhờ".

Kỳ thực, nếu xét về truyền cảm hứng thì tôi nghĩ ai cũng có thể, nhưng để sống đẹp và tận lực cống hiến cho cộng đồng không phải là điều dễ dàng. Tiếp xúc với bác, điều neo lại trong tâm trí tôi là hình ảnh người đàn ông chất phác, trong nếp nghĩ luôn hướng đến cộng đồng.

Có thể trên hành trình thiện nguyện của mình, chiếc xe lăn của tôi sẽ đi qua những con đường được vá bằng đôi bàn tay của bác. Những đoạn đường mang trái tim của một người khuyết tật, bình dị nhưng sống đẹp giữa đời thường.

 

 

 

Đặng Hoàng An - TN0
Tin tức khác
Lời ru tao nôi (01.07.2024)