Trong khi Victor Tardieu luôn khuyến khích học trò dành thời gian ở xưởng vẽ, tỉ mỉ tới đường nét, chú trọng khuôn mẫu và quay về với chất liệu truyền thống thì trái lại Inguimberty cổ vũ học trò hòa mình vào thiên nhiên, bắt nhịp ánh sáng, bước ra ngoài đồng ruộng. Ta thấy những học trò yêu nhất của Inguimberty như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tư Nghiêm, Trần Văn Cẩn là các họa sĩ chọn lựa gắn bó với quê hương, hẳn đã có phần chịu ảnh hưởng từ ông thầy này.
Nếu như Trường Mỹ thuật Đông Dương được coi là sản phẩm của công cuộc khai thác thuộc địa, thì sự ra đời của nó vẫn khá muộn màng so với Trường Mỹ thuật Alger (thành lập năm 1881) trong bối cảnh Đông Dương và Algérie là những thuộc địa hàng đầu của đế quốc Pháp.
Chính quyền thuộc địa mong muốn du nhập và lan truyền nghệ thuật Pháp vào các thuộc địa thông qua những cuộc triển lãm của nghệ sĩ mẫu quốc, nhưng chừng đó chưa đủ, chính quyền còn tìm cách giữ chân người nghệ sĩ, tạo cơ hội cho cuộc tiếp xúc giữa hai nền văn hóa, hai luồng tư tưởng, hai góc nhìn xa lạ.
Trong số những người đến Đông Dương bằng tiền tài trợ của chính phủ, bằng giải thưởng đầy tính khích lệ và vẫy gọi mang tên Indochine, hay chỉ bằng một hợp đồng giảng dạy mơ hồ hạn định, có những cái tên đã trở thành huyền thoại gắn liền với Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có Joseph Inguimberty.
Joseph Inguimberty (1896 - 1971), giáo sư hợp đồng của trường này, là một nhân vật điển hình vừa giữ được cá tính sáng tạo và khoảng trời riêng ông, vừa dốc lòng cho sự nghiệp đào tạo nghệ sĩ An Nam.
MỞ CHUYÊN NGÀNH SƠN MÀI
Chủ đề trong sáng tác của Inguimberty không xa lạ, thậm chí có nhiều họa sĩ Pháp trước ông đã khai phá ngay trong lần đầu tiên tiếp xúc với con người và cảnh vật Đông Dương: đồng lúa, chùa chiền đình miếu, phụ nữ, trẻ em, những tộc người thiểu số, cảnh sinh hoạt nông thôn Bắc kỳ.
Dường như Inguimberty của giai đoạn ở Đông Dương đã thoát ly chủ nghĩa kinh viện để tiệm cận với hội họa đương thời, bằng chứng là những bức tranh của ông càng lúc càng tiết chế về đường nét, khoáng đạt trong màu sắc và độc đáo trong góc nhìn.
Trong một bài viết đăng trên Le Monde Colonial illustré số ra ngày 1 tháng 1 năm 1937, nhà dân tộc học xuất sắc Pierre Gourou (1900 - 1999) đã bóc tách quan điểm sáng tác của Joseph Inguimberty một cách tài tình như sau: "Ông ấy không chỉ tìm một cánh đồng trông có vẻ hài hòa với một cái cây, một khóm tre, một con đường, một mái nhà thôi đâu; ông ấy muốn biết ruộng lúa kia được cấy mạ, dẫn nước ra sao. Mái rạ trong tranh chỉ là một chấm vàng xám giản đơn, thứ yếu nhưng người họa sĩ đã nghiên cứu nó đến từng chi tiết, hiểu rõ nó được xây dựng thế nào, cấu trúc xà cột của nó ra sao. Tấm áo sờn cũ của chị nông dân được vẽ bằng nét cọ lớn, chỉ với một mảng nhiều màu khác nhau, tuy nhiên ông ấy biết chiếc áo được cắt may và mặc lên người thế nào. Kiến thức sâu rộng về chủ đề sáng tác cho phép người nghệ sĩ đạt tới chất thơ, chỉ bằng những yếu tố tưởng như giản đơn mà có thể biểu lộ tất cả vẻ đẹp, sự hùng tráng và cả nỗi khốn cùng, sự gắng gượng mãnh liệt của con người châu thổ Bắc kỳ. [...]".
Nếu yếu tố "truyền thống" luôn được đề cao như là một trong những tôn chỉ của Trường Mỹ thuật Đông Dương, thì Joseph Inguimberty chính là vị giáo sư đã hiện thực hóa nó bằng việc đấu tranh cho cuộc cách mạng nghệ thuật mang tên "sơn mài".
Chuyên ngành laque (sơn mài) đến năm 1929 mới được thành lập, dựa trên đề xuất mang tính thách thức của Inguimberty: đổi mới một loại hình vĩ đại đã chết, tìm lại một truyền thống, một kỹ thuật lâu đời và một chất liệu quý giá đã bị lãng quên.
Quyết tâm của giáo sư với học trò và với nền mỹ thuật non trẻ của An Nam còn được minh chứng qua thành quả của các lần cùng học trò đi điền dã sáng tác, trong đó nổi bật hơn cả là những chuyến ngược sông Đà lên Chợ Bờ trong những năm 1940 - 1942. Bản thân Inguimberty chưa bao giờ động vào chất liệu sơn mài nhưng sự hiểu biết, khả năng quan sát, tầm nhìn và sự quyết đoán của ông, nói không ngoa, đã đặt nền móng cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam, giúp sơn mài bước ra khỏi cái bóng trang trí đã ghìm giữ những tâm hồn nghệ sĩ suốt nhiều thế kỷ. (còn tiếp)