Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.813 tác phẩm
2.758 tác giả
395
122.762.055

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hồi sinh những sản phẩm thủ công truyền thống
Anh Ngô Quý Đức cùng hành trình “đánh thức” các làng nghề truyền thống ẢNH: NVCC Với mong muốn bảo tồn và phát huy bản sắc làng nghề, anh Ngô Quý Đức (Hà Nội) đã xây dựng dự án Phường Bách Nghệ với ý tưởng hồi sinh các sản phẩm thủ công truyền thống.

 

"Đánh thức" làng nghề

 

Sinh ra tại Hà Nội, từ nhỏ anh Ngô Quý Đức đã tiếp xúc với nhiều sản phẩm thủ công truyền thống, như tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, hay những bộ bàn ghế mây tre, chiếc tủ khảm trai, những hộp sơn mài… ở nhà ông ngoại.

Khi lớn lên, anh Đức nhận thấy những sản phẩm truyền thống đang dần vắng bóng trong thời buổi hiện đại. Với mong muốn bảo tồn và phát triển sản phẩm văn hóa truyền thống, gần 20 năm qua, chàng trai trẻ miệt mài thực hiện nhiều dự án: My Hanoi, Về làng, Phường Bách Nghệ.

 

Trên hành trình ấy, anh Nguyễn Quý Đức được chứng kiến những người thợ thủ công tỉ mỉ làm ra từng sản phẩm tưởng chừng chỉ còn trong ký ức. "Thời gian đầu tôi về các làng nghề bởi muốn tìm hiểu cuộc sống, công việc, phong tục của họ. Dần dần, tôi nhận ra những sản phẩm ấy không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn mang tính giáo dục rất cao, thôi thúc tôi theo đuổi và thực hiện những dự án hỗ trợ nghệ nhân gìn giữ sản phẩm làng nghề", anh Đức tâm sự.

Trong nhiều năm rong ruổi khắp các làng nghề, anh Đức hầu như chỉ có một mình nhưng không bao giờ cô đơn bởi sự đối đãi nhiệt thành của những người dân nơi anh đến. "Từ lần đầu tiên về làng diều Bá Dương Nội, tôi đã được những người dân ở đó đón tiếp như con cháu trong nhà. Gắn bó với làng nghề tới nay cũng khá lâu rồi, gần như năm nào cũng về 3 - 4 lần, đặc biệt là những dịp lễ cổ truyền. Có nhiều bức ảnh tôi chụp từ những năm 2008 - 2009, chụp những em bé chạy nhảy quanh làng, đến giờ họ đều đã trở thành những thanh niên trai tráng, mỗi lần về tôi đều đưa ảnh cho mọi người xem và cùng ôn lại những kỷ niệm xưa", anh Đức nhớ lại.

 

Hiện tại, anh Ngô Quý Đức đã thu thập được dữ liệu của hơn 500 làng nghề lớn nhỏ, nhưng trong số đó có rất nhiều làng nghề bị mai một bởi các gia đình làm nghề đã chuyển sang lĩnh vực khác. Để "đánh thức" các làng nghề, anh đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ bà con, giới thiệu sản phẩm và lan tỏa các giá trị văn hóa tới đông đảo công chúng như tổ chức nhiều chuyến đi trải nghiệm kết hợp du lịch, xây dựng website giới thiệu những câu chuyện làng nghề, tổ chức triển lãm và các dự án văn hóa…

 

Đưa giá trị xưa vào cuộc sống đương đại

 

Đi vào hoạt động từ tháng 6.2024, không gian văn hóa sáng tạo Phường Bách Nghệ (P.Mộ Lao, Q.Hà Đông, Hà Nội) ra đời với ý tưởng của anh Đức là khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị các sản phẩm thủ công truyền thống. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu sản phẩm, diễn ra các hoạt động tương tác, trải nghiệm giữa nghệ nhân với công chúng; là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa tại Hà Nội. Anh Đức cùng các bạn trẻ học về mỹ thuật, thiết kế sẽ cùng nhau nghiên cứu mẫu mã sao cho sản phẩm gần gũi và phù hợp với thị trường, cải thiện thêm nhiều công năng nhưng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có.

 

Điểm đặc biệt của Phường Bách Nghệ so với không gian trưng bày nghệ thuật khác là những chủ đề văn hóa được làm mới theo từng tháng. Chẳng hạn, tháng 6 mở đầu với chuyên đề "Mộc bản", tháng 7 tiếp nối cùng nghề sơn, tháng 8 và tháng 9 với chủ đề trung thu đầy màu sắc.

Với mức giá từ 10.000 - 200.000 đồng, du khách đã có thể được trải nghiệm đa dạng các nghề thủ công như vẽ bộ phỗng đất, in và tô mộc bản trên giấy dó, làm đèn ông sao, mặt nạ giấy bồi, làm ông đánh gậy trong bộ ông tiến sĩ giấy...

 

Bằng cách cách tiếp cận mới mẻ này, Phường Bách Nghệ vừa là một trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các sản phẩm làng nghề Việt, vừa là không gian sáng tạo, phát triển các sản phẩm thủ công truyền thống.

Điều khiến anh Đức tâm đắc nhất là dự án đóng vai trò như một cầu nối giữa các làng nghề, các nghệ nhân và những người yêu thích sản phẩm thủ công tại Hà Nội. Tại đây, các nghệ nhân không chỉ giới thiệu sản phẩm mà còn chia sẻ câu chuyện làm nghề, lan tỏa niềm đam mê với công việc.

Du khách thì có cơ hội gặp gỡ các chuyên gia thiết kế và nghệ sĩ, tạo ra một không gian kết nối, cùng cải thiện sản phẩm và tạo ra định hướng phát triển mới cho các làng nghề truyền thống.

Để những sản phẩm thủ công truyền thống tiếp tục tồn tại và phát triển trong tương lai, anh Đức nói, quan trọng nhất vẫn là sự tham gia của nhóm các bạn trẻ. "Các bạn trẻ hiện nay luôn có tình yêu lớn với văn hóa dân gian Việt Nam. Chính vì vậy, việc đưa những không gian văn hóa như Phường Bách Nghệ và các sản phẩm văn hóa thủ công đến gần hơn với giới trẻ từ nhỏ là vô cùng cần thiết. Điều này sẽ giúp thế hệ trẻ thấm nhuần các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nền tảng vững chắc để bảo tồn và phát triển các sản phẩm văn hóa theo cách riêng của họ", anh Đức nhìn nhận.

 

 

Gia Ân - TN0
Tin tức khác