Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.072
123.199.242

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Kể chuyện dòng sông xứ Quảng: Phước Giang và những phế tích Chăm
Sông Phước Giang nhìn từ làng La Hà ẢNH: L.H.K Sông Phước Giang bắt nguồn từ vùng rừng núi phía tây các huyện Minh Long, Nghĩa Hành của tỉnh Quảng Ngãi, có chiều dài gần 30 km, chảy qua các huyện Nghĩa Hành, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi rồi đổ ra biển qua cửa Đại Cổ Lũy.

 

Càng đi về phía đông, con sông càng có nhiều chi lưu, mang nhiều tên khác nhau ở từng đoạn sông, nhánh sông; lại có nhiều sông đào, đập ngăn phục vụ tưới tiêu cho những cánh đồng phì nhiêu.

 

Trên dòng sông Phước Giang, đập Ba Điện có chiều dài hơn 100 m, là con đập nổi tiếng một thời. Mùa nắng, đập được ngăn lại để lấy nước tắm đồng, mùa mưa tháo đập để thoát lũ. Tên con đập có nguồn gốc từ tên 2 làng Ba La và Điện An. Đây là 2 làng đã ra công đào sông, đắp đập dẫn nước từ vùng trung du về tận đồng bằng để tưới cho những cánh đồng thiếu nước vào mùa khô hạn. Đến nay, dinh miếu thờ các vị tiền hiền xướng xuất và huy động con cháu xây dựng đập Ba Điện vẫn còn, được hậu thế chăm sóc, khói hương.

 

Về đến địa bàn TP.Quảng Ngãi, sông Phước Giang mang tên Bàu Giang, tiếp tục chảy về phía đông, lần lượt có tên là Hiền Lương, Hàm Long, Phú Thọ, Cổ Lũy trước khi hợp nước với sông Vệ, rồi đổ ra biển. Gần cuối sông, dòng Phước Giang vây bọc lấy làng Cổ Lũy giữa bao la, một bên là mênh mang sông nước, bên kia là cửa biển ngày đêm sóng vỗ chập chờn, tạo nên thắng cảnh Cổ Lũy cô thôn (thôn Cổ Lũy cô quạnh) mà nhiều tao nhân mặc khách từng làm thơ ca ngợi.

 

Sông Phước Giang ngày nay vẫn giữ vai trò dẫn nước kênh Thạch Nham tưới tiêu cho hàng trăm héc ta đất nông nghiệp của các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Thương... (H.Tư Nghĩa), đồng thời góp phần làm đẹp cảnh quan môi trường, giữ cho không khí trong lành ở vùng đất đang dần đô thị hóa.

 

Bàu nước và những phế tích Chăm

 

Sở dĩ sông Phước Giang khi chảy qua phía nam núi Bút có tên là Bàu Giang vì trước đây có một bàu nước tự nhiên khá rộng tiếp liền với cánh đồng giáp núi Đá Voi. Gọi tên núi Đá Voi vì có những khối đá tựa hình con voi nằm lăn lóc khắp sườn núi, thậm chí còn rải rác đó đây trong đồng ruộng xóm làng.

Có câu dân ca khéo léo mượn những địa danh quanh vùng sông Bàu Giang để thể hiện tâm tình của cô gái có ý trung nhân ở làng Vạn Tượng, giáp sông Trà Khúc:

Em đứng trên núi Đá Voi nhìn qua Vạn Tượng

Anh là con trai trưởng, em là chị gái đầu

Anh biểu em về bên ấy làm dâu

Bỏ bầy em dại dãi dầu sao đang!

Miền đất Phước Giang - Bàu Giang, nay thuộc TT.La Hà, H.Tư Nghĩa, phong cảnh nên thơ, ruộng đồng xanh mát, được nhắc đến trong nhiều giai thoại gắn với các thắng cảnh La Hà thạch trận (Trận đá La Hà), Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây). Thiên nhiên biến cải, những cảnh đẹp ngày xưa đã dần thay đổi theo thời gian, nhưng con sông và vùng đất chung quanh đó thì vẫn còn giấu kín khá nhiều bí ẩn của quá khứ.

Trong công trình đồ sộ Thống kê khảo tả các di tích Chăm ở Trung kỳ (Inventaire Descriptif des Monuments Cams de L'Annam), khi khảo tả di tích Chánh Lộ, học giả người Pháp H.Parmentier có nhắc tới việc nhìn thấy trên đỉnh Núi Bút có gạch Chăm. Tháp Chăm trên đỉnh núi Bút đã được khai quật năm 2017, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị, thu hút sự quan tâm đáng kể của các nhà nghiên cứu và công chúng. Thế nhưng, trong thực tế, không chỉ trên đỉnh núi Bút mà rải rác khắp vùng phía nam bàu nước sông Phước Giang - Bàu Giang cũng có khá nhiều gạch Chăm và dấu vết của các phế tích do người Chăm xây dựng.

 

Giữa năm 2017, người viết bài này có theo chân nhóm nghiên cứu gồm PGS-TS Ngô Văn Doanh (chuyên gia nghệ thuật Chăm), TS Vũ Quốc Hiền (người chủ trì khai quật tháp Núi Bút, đã mất) và TS Nguyễn Đăng Vũ (nguyên Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Ngãi) tìm đến khu vực núi Đá Voi, tận mắt chứng kiến rất nhiều gạch Chăm vương vãi đó đây, một số khác được cư dân ở đó tái sử dụng để xây móng nhà, xây chuồng bò, kè chống sạt lở quanh vườn…. Các cụ cao niên kể trước đây người dân trong vùng khi đào móng nhà, đào giếng phát hiện nhiều tượng, bệ thờ bằng đá, cả những bộ Linga - Yoni, nhưng nay đã thất tán vì nhiều lý do.

 

Địa hình thấp dưới chân núi Thiên Bút cho phép suy đoán nhiều thế kỷ trước có một bàu nước (hiện giờ đã nhập vào sông Bàu Giang) quây lấy phần chân núi phía đông, bao luôn cả khu vực sau này là cánh đồng Ngọc Án. Giữa bao la trời nước, núi Thiên Bút nổi lên lung linh biểu tượng ngọn núi Meru huyền thoại trong văn hóa Chăm.

 

Phải chăng giữa tháp Chánh Lộ (đã được các nhà khảo cổ học Pháp khai quật năm 1904), tháp Núi Bút (Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi khai quật năm 2017) và những dấu tích kiến trúc Chăm ở bờ nam sông Phước Giang - Bàu Giang như đã nói trên, có mối liên kết chung trong một khu đền tháp của người Chăm ở phía nam châu Amaravati?

 

Thiên địa mang mang. Biết bao nhiêu câu hỏi vọng về từ quá khứ chẳng biết bao giờ tìm ra lời đáp. Thì thôi, cứ dừng chân bên núi Thiên Bút, ngó lên trên đỉnh bảng lảng mây trời mà chia sẻ nỗi niềm với cô gái Quảng Ngãi trong mấy câu ca dao nặng nghĩa, nặng tình:

Ngó lên Thiên Bút, quán Đàng

Núi bao nhiêu đá dạ thương chàng bấy nhiêu. (còn tiếp) 

 

 

 

Lê Hồng Khánh - TN0
Tin tức khác