- "Rồi cũng tới nơi thôi", một cái tên nghe khá hấp dẫn. Vì sao chị quyết định khai phá mảnh đất tiểu thuyết?
- Thực ra, trước đây tôi cũng đã viết một tiểu thuyết nhưng rồi lại cất đi vì thấy không hài lòng. Tôi nghĩ mình đã được yêu quý ở thể loại truyện ngắn rồi thì cũng nên thận trọng khi bước sang thể loại khác, và không nhất thiết nhà văn thì phải viết cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Sở dĩ lần này tôi quyết bước chân vào thể loại này vì câu chuyện của tôi cần phải nói nhiều, nói sâu mà dung lượng của truyện ngắn thì không đủ.
- Khá thành công ở thể loại truyện ngắn và kịch bản phim truyền hình dài tập, theo chị, viết truyện ngắn, kịch bản phim và tiểu thuyết, cái nào khó hơn?
- Tôi vẫn thấy viết truyện ngắn khó hơn vì yêu cầu phải cô đọng, súc tích. Viết để lấy số trang làm thành một tiểu thuyết thì dễ nhưng có được một tiểu thuyết hay, không hề đơn giản. Ở góc độ nào đấy thì kịch bản phim dài tập cũng giống tiểu thuyết song chúng vẫn là hai thể loại khác biệt. Kịch bản phim không yêu cầu cao về câu chữ, cách thể hiện và không căng thẳng như tiểu thuyết.
- Chị tự nhận xét về văn chương của mình thế nào?
- Tôi vẫn mua những cuốn sách mới, thức đêm để đọc cho hết từ tác phẩm của lớp cha anh đến các bạn trẻ. Văn chương của tôi cũng giống như con người tôi, rất giản dị. Nó giống như cuộc sống. Tôi không dùng văn chương để giáo huấn, không điệu đà, không dùng từ này từ khác khó hiểu. Tôi muốn nó như một người bạn đồng cảm với độc giả. Có người đọc tác phẩm của tôi đã gửi thư tâm sự, tôi thấy đó là hạnh phúc.
- Nhìn chị, không ai nghĩ chị là người đơn giản. Có vẻ như đơn giản thì khó thành công trong văn chương. Chị nghĩ sao?
- Tôi không nghĩ thế. Tôi là con một, ai cũng tưởng “lá ngọc cành vàng” nhiều ước mơ cao xa, bí ẩn. Nhưng thực ra tôi rất đơn giản, sống đến đâu biết đến đấy, không lo lắng, tính toán gì nhiều. Mấy ai đang là sinh viên năm thứ ba mà đã lấy chồng như tôi. Con lớn của tôi giờ đã là học sinh lớp 12 rồi. Ngày ấy hai vợ chồng đều là sinh viên. Tôi sinh thằng lớn khó nuôi, thương nó quá nên ở nhà hai năm không đi làm. Chồng tôi là họa sĩ song lúc đó chưa bán được tranh, phải nhờ họ hàng nội ngoại giúp đỡ. Tôi chỉ có một phương châm: Sống tận cùng với một ngày, đừng bỏ phí. Có người mơ ước thì nhiều nhưng toàn viển vông, chẳng đi đến đâu cả.
- Vậy chị đã bắt đầu sự nghiệp như thế nào?
- Ban đầu tôi làm ở tạp chí Văn hóa Nghệ thuật. 5 năm ở đây tôi đã viết được 3 cuốn Phù thuỷ, Hậu thiên đường, Cát đợi, đa số là những tác phẩm đoạt giải của Văn nghệ Quân đội, tác phẩm Tuổi xanh... Tôi thích sân khấu, âm nhạc, múa rối nên thường lang thang theo các đoàn này. Tôi theo cả những người lên đồng, những gánh hát để tiếp thu thêm kiến thức về các lĩnh vực văn hóa. Tôi làm những việc mà mình không hề được học như biên tập sân khấu, phim truyền hình, vì vậy phải luôn học hỏi từ đồng nghiệp. Rảnh rỗi tôi lại rủ bạn bè, thậm chí đưa cả con đi khắp nơi nhìn ngắm cuộc sống xung quanh. Tôi đi khắp Bắc, Trung, Nam và cảm giác về mỗi vùng đất một cách khác nhau. Ảm đạm có cái hay của ảm đạm, ồn ã có cái hay của ồn ã.
- Tác phẩm của chị thường đề cập tới lớp trẻ và sự thay đổi về quan niệm, cách sống trong cuộc sống hiện đại. Vì sao chị lại tâm huyết với đề tài này?
- Đơn giản vì tôi thấy nó hợp với mình. Lứa tuổi của tụi tôi bây giờ thường suy nghĩ, chiêm nghiệm, nhìn nhận lại thực chất cuộc sống. Có những phân hóa trong cách ứng xử, quan hệ gia đình, cá nhân và xã hội, nó buộc mình phải nhận thức lại giá trị cuộc sống. Tóm lại, tôi muốn mổ xẻ những chuyển hóa trong quan hệ giữa con người với con người thời hiện tại.
- Chị nghĩ độc giả đón nhận tác phẩm của mình như thế nào?
- Đối với tôi, văn chương như một người bạn về tinh thần, nó không khó, chỉ có điều mình thích hay không thôi. Có những truyện tôi phải suy nghĩ trong đầu rất nhiều, luôn bị ám ảnh về không gian, thời gian trong đó như truyện Nào ta cùng lãng quên, nung nấu suốt ba năm nhưng khi viết thì rất nhanh.
Tôi không ân hận vì những gì đã viết nhưng quả thực khó đánh giá thị hiếu của độc giả lúc này. Tuy nhiên, tôi chưa bao giờ phải bỏ tiền ra in sách mà đều được các NXB và đơn vị làm sách tư nhân mua. Mỗi tựa sách của tôi in khoảng 5.000 cuốn, bán cũng được. Con số này so với sách văn học nói chung là cao nhưng so với dân số Việt Nam thì đúng là như muối bỏ biển.
- Có lẽ bởi bạn đọc đang thờ ơ với văn chương và văn hóa đọc. Điều đó gợi cho chị cảm giác gì?
- Buồn nhưng đó là quy luật tất yếu của cuộc sống. Độc giả cũng bị phân tán nhiều trước làn sóng công nghệ thông tin, rồi còn phải lo toan cho cuộc sống. Đây là tình trạng chung của cả thế giới chứ không riêng chúng ta, nhưng sách thì không thể không có và văn chương là cái tồn tại vĩnh cửu, không gì phá vỡ được. Độc giả vẫn tìm đến văn chương nhưng không tạo nên cơn sốt như những năm 80.
- Hình như văn học Việt Nam sắp có cơn sốt của những cây bút trẻ, rất trẻ với những luồng dư luận khác nhau. Ý kiến của riêng chị thế nào?
- Tôi thích lắm. Những người viết trẻ hiện nay không bị ám ảnh bởi văn chương là một cái gì đó quá đao to búa lớn, họ viết theo bản năng, về những cái mà họ quan tâm và vẫn giữ được nét hồn nhiên của tuổi trẻ. Đừng yêu cầu họ viết những điều nằm ngoài phạm vi cuộc sống của họ, cũng đừng làm họ căng thẳng mà mất cân bằng trong cuộc sống và sáng tác. Bạn có thể thích hoặc không thích một tác phẩm nào đó nhưng đừng cho sở thích cá nhân của mình là chuẩn. Văn chương cũng như mọi thứ khác của cuộc sống, luôn có sự chuyển đổi vươn đến cái mới lạ. Một tác phẩm ra mắt không phải tất cả mọi người đều thích, quan trọng là cách ứng xử với nhau mà thôi. Tuổi trẻ thường không đủ bản lĩnh chống chọi với sóng gió dư luận vì vậy dễ nản lòng, bỏ cuộc. Họ yêu văn chương và viết được là quý lắm rồi.
Ảnh :Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.