Nổi tiếng với lĩnh vực thơ tình ở miền Nam từ trước giải phóng, Du Tử Lê còn được xem là một trong những tác giả có thơ được phổ nhạc nhiều nhất. Ơn em, Trên ngọn tình sầu (Từ Công Phụng), Khúc Thụy Du (Anh Bằng), Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau, Tình sầu Du Tử Lê (Phạm Duy)... đã đi vào lòng người yêu nhạc nhiều thế hệ.
Sau giải phóng, Du Tử Lê định cư ở nước ngoài (Mỹ) nhưng không nguôi thương nhớ quê hương. Ông nhắn nhủ người thân khi ông nhắm mắt hãy thủy táng ông trên biển để theo ý nguyện, thể xác ông xuôi về với quê nhà, "cáo chết quay đầu về núi". Từ đây, thơ Du Tử Lê đã được giới thiệu rải rác trở lại trong nước qua các bài viết đặc sắc của các nhà phê bình, nhà thơ Thanh Thảo, Phạm Xuân Nguyên, Trần Mạnh Hảo... gây được chú ý trong công luận.
Theo nhà thơ Nguyễn Liên Châu, người được tác giả ủy thác đại diện tác quyền, cũng như tuyển chọn và thực hiện tập thơ này, nhà thơ Du Tử Lê rất vui mừng khi được Bộ Văn hóa - Thông tin và NXB Văn nghệ đồng ý cho xuất bản tập thơ này. Tuyển tập gồm gần 80 bài, tuyển chọn giai đoạn sáng tác 1956-1975, đặc biệt có một loạt phụ bản ảnh, sơn dầu, ký họa, màu nước vẽ chân dung tác giả của nhiều nghệ sĩ, họa sĩ nổi tiếng như Trịnh Cung, Đinh Cường, Duy Thanh, Nguyễn Trọng Khôi, Khánh Trường, Phạm Công Thiện, Nguyễn Bá Văn, Hồ Thành Đức... lần đầu được tập hợp công bố. Ảnh bìa 4 chụp nhà thơ Du Tử Lê tuổi 60 trở về Hà Nội của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán và bìa rất trang nhã, sang trọng của nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo.