Đầu tiên chúng tôi đến thăm Chùa Vàng, còn gọi là “Kim các tự”. Chùa Vàng là một ngôi chùa giát vàng thật, được xây dựng cách đây 300 năm. Đây là ngôi chùa nổi tiếng đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và đã có nhiều bộ phim nổi tiếng lấy bối cảnh Chùa Vàng.
Chúng tôi tự hỏi, vì sao ngôi chùa đã có tuổi đời mấy trăm năm mà vẫn không bị xuống cấp, không bị mất mát, dù chỉ một chi tiết nhỏ. Người giữ chùa cho biết: “Người dân Nhật Bản từ xưa đã có ý thức bảo vệ di tích văn hóa, và đến khi được nhà nước kêu gọi phát huy, phát triển thì họ tự nguyện đóng góp tiền của vào để tu bổ chùa và xây dựng những công trình phụ, như công viên, rừng cây và làm đường sá… Bây giờ thì, cơ quan quản lý Chùa Vàng thu tiền bán vé vào cửa cũng đủ cho việc bảo tồn di tích. Còn người dân địa phương và cả nước Nhật được hưởng thụ văn hóa một cách đầy đủ.
Nếu ở Chùa Vàng, chủ yếu là đi trên đường đất rải sỏi trắng thì, ở chùa Daikakuji lại đi theo hành lang gỗ. Con đường hành lang này kéo dài tới hơn ngàn thước cứ quanh co theo hệ thống nhà chùa và tới mỗi nhà đều có thể dừng lại để xem những hình dáng kiến trúc độc đáo và những tác phẩm hội họa được vẽ rất đẹp trên tường, trên giấy… Một công trình văn hóa vĩ đại, rộng lớn như vậy với hàng ngàn hiện vật mà chưa bao giờ bị suy suyển dù rất nhỏ, theo lời của một vị giữ chùa ở đây.
Càng xem những công trình văn hóa, những di tích văn hóa của Nhật Bản, chúng tôi càng liên hệ tới sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc nước nhà. Đã đến lúc chúng ta không thể nói “nước ta còn nghèo, phố chật, nhà tranh” nữa mà phải có cách nghĩ, cách làm, làm thế nào hàng ngàn di tích nước nhà không còn nằm yên lạnh lẽo, hoặc thỉnh thoảng mới có ít người lưa thưa tới viếng thăm, mà phải phát huy mạnh mẽ hơn, to đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Ảnh : Vẻ đẹp thanh thoát của chùa Daikakuji.