Dưới đây là cuộc trò chuyện với Đỗ Mai, thành viên dự án Saigon Biennale, vừa trở về từ Busan.
* Đang là chủ Mai's gallery, điều gì khiến chị quan tâm đến các biennale, một khái niệm hiện nay rất nhiều người VN khi nhắc tới còn ngỡ ngàng không hiểu nó là cái gì?
- Trong giới mỹ thuật, biennale là một hoạt động chuyên nghiệp biểu dương lực lượng và giao lưu quốc tế hai năm một lần. Nếu nói về "biểu dương lực lượng" thì hiện nay ở VN vẫn có các Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm điêu khắc toàn quốc...
Nhưng trong các hoạt động mỹ thuật này, chúng ta mới "đóng cửa nhìn nhau" là chính, chưa có hoạt động giao lưu để biết mình đang ở đâu trong dòng chảy nghệ thuật đương đại của khu vực và thế giới.
Biennale mở cửa cho tất cả các loại hình mỹ thuật và không có ranh giới quốc gia. Nhưng đó thực ra mới chỉ là một vế của biennale. Vì ngày nay, vượt qua ranh giới mỹ thuật, biennale còn được coi là một sự kiện văn hóa kết hợp với quảng bá du lịch.
Biennale đã có mặt ở gần 50 quốc gia trên khắp thế giới và hầu hết các biennale giờ đây đều gắn với những thành phố du lịch về văn hóa: Venice Biennale (Italy), Sao Paolo Biennale (Brazil), Thượng Hải Biennale (Trung Quốc) Busan Biennale (Hàn Quốc)...
* Được mời tới Busan Biennale 2004, chị đã quan sát được gì?
- Có rất nhiều điểm tương đồng giữa TP Hồ Chí Minh và Busan, cả về kinh tế lẫn văn hóa. Busan Biennale được tổ chức tại đây bắt đầu từ năm 1981 và được coi là một sự kiện của cả thành phố chứ không phải chỉ đối với giới mỹ thuật.
Busan Biennale đã được ghi tên trên bản đồ mỹ thuật thế giới là "điểm đến của văn hóa sáng tạo", gây được sự quan tâm của giới chuyên môn thông qua các workshop, hội thảo có mặt những chuyên gia đầu ngành, những curator (nhà tổ chức triển lãm) nổi tiếng của thế giới.
* Còn Saigon Biennale sẽ được bắt đầu như thế nào?
- Thực ra đây là dự án Saigon lnter: face 2005, một "tiền biennale" đang được tích cực hoàn tất phần nội dung thông qua Saigon Biennale Co., một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận. Trong quá khứ Sài Gòn đã được ghi tên trong lịch sử Biennale từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, và giờ đây sự phát triển của một thành phố năng động không thể không kể đến sự phát triển của mỹ thuật.
* Sự thành công, uy tín của một biennale, ngoài khả năng tổ chức, thì quan trọng là chất lượng nghệ thuật. Chị có nghĩ đây là cái khó của dự án này không?
- Tôi cho là TP.HCM có sức mạnh tiềm tàng. Có không ít họa sĩ ở TP.HCM được mời tham gia một số biennale và hoạt động mỹ thuật ở khu vực cũng như thế giới nhưng họ chưa hề có triển lãm ở ngay thành phố này gây được ấn tượng lớn. Những hỗ trợ từ các chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực triển lãm và các họa sĩ quốc tế sẽ rất cần thiết cho công việc này lúc đầu.
Curator sẽ được mời từ nước ngoài vì thực tế hiện nay ở VN chưa có một curator chuyên nghiệp, họ sẽ lựa chọn các tác phẩm triển lãm theo tiêu chuẩn nhất định, không có chuyện thích ai, quen ai thì mời.
Cái khó của dự án này, theo tôi chính là sự quan tâm, đánh giá đúng tầm quan trọng của biennale và ủng hộ nó của thành phố và đặc biệt là ngành du lịch, vì như đã nói, biennale giờ đây không còn là chuyện của ngành mỹ thuật.
* Nhưng chính Hội mỹ thuật cũng chưa hề nghĩ tới chuyện tổ chức biennale, mà lại là một số cá nhân.
- Nếu bạn là người quan tâm tới hoạt động mỹ thuật và văn hóa đất nước mình, tại sao cứ phải ngồi chờ? Festival Huế ban đầu cũng xuất phát từ ý tưởng một người Pháp đó thôi. Song chúng tôi chỉ đang xây dựng đề án, khi đề án này thực hiện, chắc chắn nó sẽ có sự tham gia của nhiều người khác, Hội Mỹ thuật và Bảo tàng đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động này.
Biennale trong tiếng Anh có nghĩa là "hai năm một lần", nhưng nó được dùng như một thuật ngữ rất phổ biến trong giới mỹ thuật quốc tế, chỉ hoạt động triển lãm và giao lưu mỹ thuật được tổ chức định kỳ, nhiều Biennale có lịch sử lên đến cả trăm năm và thu hút sự quan tâm của giới mỹ thuật toàn thế giới. Vài năm trở lại đây các họa sĩ Việt Nam bắt đầu có cơ hội góp mặt trong sinh hoạt mỹ thuật có tầm quốc tế này (Ly Hoàng Ly tại Busan Biennale 2002, Đinh Q. Lê và Jun Nguyễn tại Venice Biennale 2003, Trần Lương tại Busan Biennale 2004, chưa kể một số tên tuổi người Việt khác tại hải ngoại như Trịnh Thị Minh Hà, Trần Văn Thọ...)