Thời gian thật nhanh, mới đó mà đã ba năm ông Oyvin Storbekhen, nhà điêu khắc Na Uy làm công dân Đà Nẵng . Từ những ngày đầu tiên tôi gặp, ông đã có vẻ là một nhà hoạt động xã hội khi xuất hiện tại Trung tâm Bảo trợ trẻ em đường phố TP Đà Nẵng vào đêm Noel năm 2002 trong bộ đồ mũ áo đỏ thắm của ông già Noel và đích thân phát bánh kẹo cho bọn trẻ. Tôi hỏi ông là người của cơ quan từ thiện nào thì ông lắc đầu... và trả lời là... nhà điêu khắc.
Những năm tháng tiếp theo ông Oyvin tất bật vì một dự án nghệ thuật, mang rất đậm tính nhân văn. Với ước mơ của ông là TP Đà Nẵng có một trung tâm điêu khắc thu hút được những nhà hoạt động điêu khắc quốc tế đến sáng tác và "gửi" lại tác phẩm của họ cho nơi này, để thành phố đẹp hơn lên trong một giá trị văn hóa mới. Nhiều năm sau, biết đâu thành phố Đà Nẵng rất có thể sẽ là một bảo tàng mở về điêu khắc đá nổi tiếng thế giới!
Từ khát vọng đó, ông tất bật với việc "chạy" cho ra các nhà tài trợ như Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam, chính phủ Na Uy giúp tài chính để Trung tâm điêu khắc Đà Nẵng ra đời và đi vào hoạt động hơn một năm nay.
Nhớ lại những ngày khi bắt đầu "động thổ" Trung tâm điêu khắc này, tôi được vợ chồng ông và người con gái mời dự một bữa tiệc tại một nhà hàng gần biển, nghe nói về dự án, tôi không hy vọng mấy về khả năng thực hiện được. Vậy mà đến bây giờ thì ông Oyvin đứng ở "cơ ngơi" mới mà thở phào nhẹ nhõm vì nhiều việc đã làm được đúng với kế hoạch mà ông đã dự tính.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã cấp đất cho dự án, một khu đất mặt tiền nhìn thẳng ra biển Đông, có láng giềng là các dự án sinh thái biển đẹp nhất Đà Nẵng.
Sau khi ra đời, Trung tâm đã đào tạo được một lớp nghệ nhân trẻ thạo nghề. Đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, sau một chuyến sang tận Bắc Âu học "đẽo đá" hiện đại và tham quan hàng loạt các bảo tàng mỹ thuật nổi tiếng của Pháp và Na Uy, nay trở về có thể trợ giúp các nhà sáng tác phóng tượng trên chất liệu cứng có trình độ kỹ thuật quốc tế. Và Trung tâm bắt đầu có các nhà điêu khắc quốc tế đến "xông đất".
Bước tiếp theo của dự án nhà điêu khắc Đà Nẵng do ông làm Giám đốc điều hành là lựa chọn một số nghệ nhân trẻ tại chính phường Hòa Hải, cái nôi sinh ra làng đá mỹ nghệ Non Nước bây giờ, tham dự những khóa huấn luyện sử dụng các trang thiết bị hiện đại dùng cho việc chế tác trên đá vừa mới được nhập về.
Trung tâm điêu khắc đi vào hoạt động là môi trường để các nghệ nhân có thể đến trao đổi thêm các kinh nghiệm về điêu khắc thế giới. Nhiều người đi theo công việc của ông Oyvin chỉ có thể thốt lên: "Đúng là một người bạn" - khi chứng kiến sự vô tư tình yêu của ông với công việc, những chuyến tất bật đi về để thu xếp cho những người thợ trẻ có chuyến tôi thực tế ở châu Âu, lôi cuốn cả gia đình ông tham gia giúp đỡ những việc nhỏ cho Trung tâm hoạt động.
Ông Oyvin nói với đồng nghiệp và chúng tôi: "Không khí nơi đây luôn luôn cuốn hút tôi vào ý tưởng sáng tác mới. Tôi sẽ gắn bó lâu dài với mảnh đất vốn anh hùng trong chiến tranh và đưa làng đá mỹ nghệ Non Nước ngày càng phong phú hơn về nhiều thể loại".
Trong tác phẩm được sáng tác khi sống tại Đà Nẵng ông Oyvin đã dồn nhiều tâm huyết cho tác phẩm Thiếu nữ, mô tả vẻ đẹp người con gái Việt Nam, và ông đã chính thức tặng bức tượng này cho thành phố nhân ngày kỷ niệm 30 năm giải phóng Đà Nẵng (29-3) để trưng bày cho công chúng thưởng ngoạn tại một địa điểm công cộng góp phần làm đẹp thêm cho thành phố cảng.
Ảnh : Nhà điêu khắc Oyvin đang giới thiệu vườn tượng của mình tại Đà Nẵng.