(…) Có nhiều bài hát hay, nhạc sĩ ghi là phổ thơ hoặc là phỏng theo thơ của ai đó, nhưng người nghe muốn biết nguyên văn bài thơ, ảnh chân dung nhà thơ, hiểu thân thế, sự nghiệp nhà thơ; cũng như muốn biết thêm thông tin về nhạc sĩ mà không biết tìm ở đâu!". Đó là Lời mở đầu do nhà văn Triệu Xuân sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu tập sách đến với người đọc, người nghe cùng thưởng thức cái hay cái đẹp của sự hôn phối giữa Thơ - Nhạc.
Tập sách "Thơ hay phổ nhạc" với sự góp mặt của 28 tác giả (vừa nhà thơ vừa nhạc sĩ). Trong đó nhà thơ Hoài Vũ được phổ 7 bài và nhạc sĩ phổ thơ nhiều nhất, 8 bài, là nhạc sĩ Phú Quang. Điểm đặc biệt nữa, đó là nguyên văn bài thơ "Em ơi! Hà Nội phố" của nhà thơ Phan Vũ lần đầu tiên được công bố với 25 khổ thơ độ dài 9 trang, khổ 19cm x 27cm do nhạc sĩ Phú Quang chắp cánh đã đi vào lòng người bằng những ca từ rất trí tuệ nhưng cũng thật giản dị, đơn sơ. Nhạc sĩ Phú Quang đã "Tản mạn về Hà Nội phố" rằng: "Rồi một ngày ngẫu nhiên gặp Phan Vũ trên đường Sài Gòn. Anh đưa tôi một bài thơ thật dài: Em ơi, Hà Nội phố. Tôi đọc lần đầu tiên mà như đã đọc từ rất lâu, như chính tôi vẫn thường nghĩ thế (…) đọc xong bài thơ, linh cảm mách bảo cho tôi đó sẽ là bài ca mà tôi yêu thích. Tôi tin vào linh cảm ấy và bài thơ dài hàng trăm câu sang bài ca chỉ còn lại vài câu… Vẫn biết một bài ca có đáng là bao để trả cho món nợ ra đi (nhạc sĩ Phú Quang cùng nhà thơ Phan Vũ cùng sống và sáng tác ở Hà Nội, sau vào Sài Gòn - NV). Nhưng, bài ca được viết ra, tôi đã được giải thoát dù chỉ là phần nào và dẫu ít ỏi tôi cũng đã xây được chút gì kỷ niệm (một lần hành hương về dĩ vãng). Một chút gì nhỏ nhoi cho Hà Nội, nơi chứng kiến bao buồn vui của tôi trong suốt cuộc đời”.
Tập sách mang lại nhiều thông tin về hoàn cảnh ra đời của bài hát, sự giao duyên của chính tác giả, phần nào giúp ích rất nhiều cho những người đồng cảm giữa Thơ-Nhạc, Nhà thơ-Nhạc sĩ. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu - người phổ thơ vào hàng nhiều nhất, tình cờ bắt gặp bài thơ "Ở hai đầu nỗi nhớ" của nhà thơ Trần Hoài Thu trên báo Nhân Dân, mặc dầu cho đến tận bây giờ ông cũng chưa gặp được tác giả bài thơ. Hay trường hợp với bài hát "Quê hương" của cố nhạc sĩ Giáp Văn Thạch, phổ từ bài thơ "Bài học đầu cho con" của nhà thơ Đỗ Trung Quân đăng lần đầu tiên trên báo Khăn Quàng Đỏ năm 1986, nhà thơ đã tâm sự: "… Bài thơ chẳng dành cho ai dù ở hay đi, trong hay ngoài nước. Nó chỉ dành cho một góc tâm hồn mai này khi tuổi thơ đã mất, đã đi qua… vậy thôi. Nó chẳng dạy dỗ ai, nó chỉ gợi nhớ. Nó thuộc về ký ức. Nhạc sĩ Giáp Văn Thạch chọn nó để phổ nhạc rồi mất đột ngột, anh không nhìn tác phẩm của mình chói sáng suốt gần hai thập niên. Thôi thì, danh tiếng ấy cũng một phần lớn để lại cho con cái anh hôm nay. Bây giờ đọc lại, nghe lại: Ờ, Quả nhiên những thứ "nhà quê" trong bài thơ ấy cũng thuộc về ký ức - ký ức Việt - thế thôi…!". Và bạn đọc cũng sẽ hiểu thêm sự ra đời bài thơ và bản nhạc "Vàm Cỏ Đông" của nhà thơ Hoài Vũ và nhạc sĩ Trương Quang Lục...
Những tâm tình của nhà thơ hay nhạc sĩ đều là những tư liệu rất đáng để chúng ta học hỏi về nghề nghiệp, về nghệ thuật cũng như mối đồng cảm sâu sắc dệt nên ca từ day dứt lòng người, đọng lại theo mãi với năm tháng. Nhà thơ P.N Thường Đoan sáng tác bài "Đà Lạt cuối Thu" đã xúc động cho biết: "Nhạc sĩ Xuân Hồng khi cùng câu lạc bộ Thơ Nữ TP.HCM đi giao lưu với trường đại học Đà Lạt năm 1994, tôi đã viết Đà Lạt Cuối Thu và đưa cho nhạc sĩ Xuân Hồng xem… Không ngờ, đây là ca khúc phổ thơ cuối cùng của ông…".
Tập sách "Thơ hay phổ nhạc" do nhà văn Triệu Xuân sưu tầm và giới thiệu được NXB Văn Học ấn hành với giá 55.000 đồng, trình bày trang trọng, đẹp; với những ca khúc vượt thời gian được công chúng yêu thích. Ngoài những tiểu sử, chân dung của những nhà thơ đã kể trên còn có các nhà thơ Thái Thăng Long, Ngọc Anh, Nguyễn Đình Thi, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Khoa Điềm, Xuân Quỳnh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Thảo Phương, Hữu Thỉnh, Lệ Bình, Huỳnh Văn Nghệ… và nhạc sĩ Thuận Yến, Hoàng Hiệp…
Được biết, sau tập này, nhà văn Triệu Xuân sẽ trình làng tiếp các tập còn lại: 5 tập thơ trữ tình phổ nhạc; 1 tập thơ truyền thống cách mạng phổ nhạc và 1 tập thơ cổ điển phổ nhạc. Hy vọng sẽ được công chúng yêu Thơ - Nhạc đón nhận trong hành trình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật.