Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
480
123.251.106

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
“Viết từ đồng bằng sông Cửu Long” Những trang phóng sự, bút ký kinh tế nhiều cảm xúc
Lê Phú Khải là một trong những chuyên gia dày dặn của báo giới Việt Nam về đồng bằng sông Cửu Long. Qua mấy mươi năm gắn bó với dải đất này, ông thuộc lòng mọi đặc điểm và theo dõi sít sao mọi diễn biến ở vùng châu thổ. Năm 2000, ông từng giới thiệu với bạn đọc cả một “hồ sơ” dày cộm (NXB Thanh niên), có thể coi như cuốn thư tịch đầy đủ hơn cả về đồng bằng Nam bộ nhiều năm trở lại đây. Ông bám sát thực tế địa bàn, không bỏ qua một sự kiện nào. Ông đọc nhiều, nghe ngóng nhiều, không ngại đầu tư công sức cho ghi chép.

Ông lội ngang, bơi dọc không biết bao nhiêu lần dải đất mênh mông để cố tìm hiểu thực tế hiển hiện cũng như những tiềm ẩn, mà đồng bằng như một cô gái quê nền nếp, chỉ tỏ bày tâm sự với ai thật sự có tấm lòng yêu quý mình. Ông quen biết nhiều người, từng đôi ba dịp hầu chuyện vị đứng đầu Chính phủ, cũng như nhiều lần xắn quần lội bộ cùng các chuyên gia đầu ngành đi kiểm nghiệm công trình khoa học.

 

Ông quen rất nhiều người, không chỉ các tiến sĩ khoa học nông nghiệp, các nhà nghiên cứu kinh tế uyên thâm, các cán bộ lãnh đạo tỉnh, huyện mà còn dễ dàng cùng anh cán bộ ấp, các bác Ba, chú Tám, anh Hai lai rai chén rượu để nhắm chút... trái xanh vừa hái ngoài vườn chấm muối ớt, hay là lân la trò chuyện suốt buổi với má Bảy, dì Tư, bà con lối xóm... những chủ nhân đích thực đang ngày ngày hòa quyện mồ hôi (đôi khi có nước mắt) của mình vào dòng nước đậm phù sa.

 

Tác giả trăn trở suy tư trước những điều mình chưa rõ hoặc những vấn đề mới phát sinh. Vì vậy, các bài viết của ông đọc trên đài, đăng lên báo (hoặc cùng một lúc đăng tải qua cả hai phương tiện) lúc nào cũng mang theo hơi thở của cuộc sống.

 

Khó tìm được cách đánh giá nào đúng hơn lời giới thiệu của nhà văn quá cố Mai Văn Tạo, con người của sông nước Cửu Long, về bút ký Lê Phú Khải. Mai Văn Tạo viết: “(Những bài ký của L.P.K) chân thật, giản dị, nhiều cảm xúc... ngồn ngộn chất liệu cuộc sống và con người của miền quê sông nước... Những bài mới nhất của anh khi trở lại Đồng Tháp Mười vẫn nôn nao, xao xuyến như lúc mới vào”.

 

Nhà báo viết phóng sự, bút ký kinh tế thường phải vượt lên một trở ngại thường trực. Thiên về mô tả, thuyết minh thì có thể “mua vui” ít nhiều cho người đọc song khó tránh khỏi tình trạng bình, tán không mấy sức thuyết phục. Dùng quá nhiều con số, dẫn liệu khoa học thì bài viết nặng nề, làm nản lòng những độc giả không chuyên sâu. Ngòi bút người viết ký mở rộng theo không gian là tất yếu, nhưng thiếu độ lùi về quá khứ hay tầm nhìn đến tương lai thì bài viết dễ nhẹ tênh. Mà làm khác đi, thì lại dẫn đến miên man - điều tối kỵ của báo chí hiện đại.

 

Viết báo về kinh tế, phục vụ trước hết yêu cầu mang tính thời sự. Song nhờ tấm lòng thật sự quý yêu phần đất cuối trời Nam, lại dày mỹ cảm, Lê Phú Khải cung cấp cho người đọc, xen giữa những tư liệu, vượt lên những con số, nhiều trang đậm chất văn. Chỉ những ai từng trải và thật tinh tế mới có thể cảm nhận như ông những giờ phút vắng lặng ngày càng hiếm ở đồng bằng: “Nó không phải là sự vắng vẻ, âm u của núi rừng, cũng không phải sự vắng vẻ cô đơn của biển cả... Bàn chân vẫn chạm đất, mắt vẫn thấy màu xanh của cỏ, cùng rừng tràm xanh biếc, nhưng không tiếng chim kêu, không tiếng con cá quấy: cái vắng lặng mênh mông kiểu Đồng Tháp Mười...”.

PHAN QUANG - SGGP