Theo lời giới thiệu của nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Bộ trưởng Hoàng Quốc Dũng thì cuốn Đoạn trường tân thanh là của một Việt kiều Pháp tặng cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, sau đó vào năm 1981 Chủ tịch tặng lại GS. Nguyễn Thạch Giang, vì nhiều lý do nên mãi đến nay GS mới cho công bố.
Nhưng thật đáng tiếc – theo GS – nguyên bản chữ Nôm đã bị mối xông và phải thiêu hủy nên chúng ta không được mục sở thị. Theo Lời giới thiệu cũng như mô tả văn bản của GS thì đây là một bản chép tay, tờ cuối có ghi rõ: Hoàng Triều Minh Mệnh thập ngũ niên, tuế thứ Giáp Ngọ, mạnh thu chi nguyệt, thượng cán, cát nhật – Hàn lâm viện thừa chỉ đẳng thần phụng bái sao (Năm Giáp Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 15, ngày lành, thượng tuần tháng Bảy. Các quan thừa chỉ Viện hàn lâm vâng lệnh sao lại), nhưng không hiểu sao ở bìa trước, bìa sau và cả trang lót đầu cuốn sách đều ghi là Bản khắc in năm 1834, phải chăng ở đây có sự nhầm lẫn trong khâu in ấn?
Một điều đáng mừng là trong mấy năm gần đây vấn đề sưu tầm, nghiên cứu Truyện Kiều lại được khởi sắc, nhiều văn bản cổ quý hiếm như Liễu Văn Đường Tự Đức thứ 24 (1871), Nguyễn Hữu Lập 1870, Liễu Văn Đường Tự Đức thứ 19 (1866), Thịnh Mỹ Đường Kỷ Mão 1879..., lần lượt được phiên âm, chú giải và công bố rộng rãi.
Nhu cầu thưởng thức Truyện Kiều rất đa dạng, cá biệt có người không đồng tình với những bản Kiều đang được phổ biến hiện nay và muốn có một bản Kiều ưng ý, tâm đắc như mình hiểu, nên đã hiệu đính lại, loại bỏ những chữ, những câu thậm chí cả một đoạn dài.
Đó là trường hợp Truyện Kiều do cụ Đinh Trần Cương khảo biện và chú thích (Hội Văn nghệ Hà Tĩnh- 2005).
Trên báo chí vấn đề tranh luận xung quanh Truyện Kiều cũng đã diễn ra rất sôi nổi, nhiều công trình nghiên cứu Truyện Kiều của các học giả, chuyên gia như Văn bản Truyện Kiều – nghiên cứu và thảo luận, Tư liệu Truyện Kiều Bản Duy Minh Thị 1872, Tư liệu Truyện Kiều từ Bản Duy Minh Thị đến Bản Kiều Oánh Mậu cũng đã được công bố trong đó vấn đề kỵ húy được xem như là một trong những tiêu chí quan trọng để xác định niên đại của tác phẩm.
Về thời điểm sáng tác, Truyện Kiều cũng là một đề tài được các nhà nghiên cứu quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra lời giải.
Xin nêu một vài dẫn chứng: Học giả Hoàng Xuân Hãn cho rằng Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều sau khi đi sứ Trung Quốc về (1814) lúc đã ngoài 50 tuổi, còn Nguyễn Thạch Giang cho biết Truyện Kiều được khởi thảo từ năm 1779 (lúc Nguyễn Du 14 tuổi!), cụ Đào Duy Anh thì lại bảo Nguyễn Du viết Truyện Kiều trước lúc đi sứ (1813), gần đây GS Nguyễn Tài Cẩn và Ngô Đức Thọ lại chứng minh Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào khoảng 1786 – 1790 lúc tác giả khoảng 20 – 25 tuổi…
Gần đây nhất tại Nghệ An lại vừa phát hiện thêm được một văn bản Truyện Kiều Nôm quý hiếm còn nguyên vẹn có nhan đề Kim Vân Kiều tân truyện do Tụ Huyền Đường tàng bản - Đồng Khánh nguyên niên 1885 (năm 2004 Bản Liễu Văn Đường TĐ thứ 19 cũng được phát hiện tại Nghệ An) và chúng ta hy vọng đây chưa phải là bản được phát hiện cuối cùng.
Trở lại Bản Truyện Kiều Minh Mệnh thứ 15 (1834), tuy chưa có điều kiện tìm hiểu kỹ văn bản, nhưng chúng tôi cũng xin có một vài nhận xét sơ bộ như sau:
1. Bản này có những câu khác hẳn với các bản Nôm và Quốc ngữ được phổ biến hiện nay.
C456 – 458: Giai nhân hội ngộ nên lòng lâng lâng\Tả sao xiết nỗi vui mừng\Bấy lâu cam lạnh mấy từng giá băng.Bấy lâu nay một chút lòng chưa cam,\Chày sương chưa nện cầu Lam\Sợ lần khân quá ra sàm sỡ chăng. (LVĐ 1866, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM,...)
C522: Thành thân trước liệu đền bồi sau khi\Còn thân ắt lại đền bồi có khi.(LVĐ 1866, 1871, TMĐ 1879,…)
C728: Đôi lòng khắc ước, đôi tim khảm thề\Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề. (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C736: Duyên này chị ngắm, vật này em trông\Duyên này thì giữ, vật này của chung.(LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C945: Thiếp danh tới tấp trong ngoài\Tin nhạn vẩn lá thơ bời (bài) (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879)
C1046: Cha mẹ già yếu, em thơ khổ buồn\Có khi gốc tử đã vừa người ôm(LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C1069: Lộn gan với lão trời già\Nhớ gan riêng giận trời già (LVĐ 1866, 1871)
Nổi gan riêng giận trời già (DMT 1872)
Sốt gan riêng giận trời già (TMĐ 1879)
Tức gan riêng giận trời già (KOM)
C1348: Mười điều méo mó tròn vo một vài\Mười phần cũng đắp điếm cho một vài (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879. KOM)
C1738: Mặc người cô thế cô thân thét gào Dẫu rằng trăm miệng khôn phân lẽ nào (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1789, KOM)
C1981: Ngại ngùng sợ hãi dang ra\Nhận ngừng nuốt tủi đứng ra (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, KOM)
…
Trên đây chúng tôi chỉ mới nêu lên 10 trường hợp làm dẫn chứng.
2. Lời thơ trong bản này mang tính chất dân dã, mộc mạc, thô sơ, thiếu trau chuốt và có một số từ của địa phương Nghệ Tĩnh. Ta hãy so sánh:
C8: Thiên tình xưa cổ còn truyền sử xanh\Phong tình có lục còn truyền sử xanh (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C27: Điểm cười nghiêng nước nghiêng thành\Một hai nghiêng nước nghiêng thành (DMT 1872, KOM)
Một đôi nghiêng nước nghiêng thành (LVĐ 1866, 1871, TMĐ 1879)
C68: Xa nghe chẳng quản chi đường xa xôi\Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi (LVĐ 1866, 1871, TMĐ 1879, KOM…)
C196: Dưới dòng nước chảy cạnh bên nhịp cầu\Dưới dòng nước chảy bên trên có cầu (LVĐ 1866, 1971, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C582: Tan tành khung cửi tanh bành mủng may\Rụng rời giọt liễu, tan tành cội mai (LVĐ 1866, 1871, TMĐ 1879)
Rụng rời khung dệt tan thành gói may (DMT 1872, KOM)
C1045: Sân nhà nay cảnh nắng mưa\Bồng Lai cách mấy nắng mưa (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C1824: Trời ơi sao lại nàng Kiều ở đâyThương ôi! Chẳng phải nàng Kiều ở đây (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C2518: Mũi tên oan nghiệt trúng liền tướng quân\Dạn dày cho biết gan liền tướng quân (DMT 1872, TMĐ 1879, KOM)
C2817: Tốn hao của cải bạc vàng\Bao nhiêu của mấy ngày đàng (LVĐ 1866, 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C2829: Hỏi han lùng kiếm khắp nơi\Người một nơi, hỏi một nơi (LVĐ 1871, DMT 1872, TMĐ 1879, KOM…)
C2918: Duyên mây xe với một vì trượng phu\Trong quân tôi hỏi thiếu gì tóc tơ (LVĐ 1866, 1971, DMT 1872, KOM…)
C3039: Mà toan chia rẽ chúng mình làm hai\Mà toan chia gánh chung tình làm hai (LVĐ 1871, DMT 1872, TMĐ 1879)
3. Trong bản này chúng tôi chưa phát hiện thấy hiện tượng kỵ húy như trong bản Duy Minh Thị 1872.
Đây tuy là một cuốn sách chép tay và không còn nguyên bản chữ Nôm để đối chiếu, nhưng nó vẫn là nguồn tư liệu tham khảo cho các nhà nghiên cứu để tìm về nguyên tác Truyện Kiều của Nguyễn Du.
(1) Đoạn trường tân thanh (Bản khắc năm 1834) – NXB Văn hóa - Thông tin 2005
(2) LVĐ = Liễu Văn Đường
DMT = Duy Minh Thị
TMĐ = Thịnh Mỹ Đường
KOM = Kiều Oánh Mậu