Tình yêu lớn nhất dành cho người đàn ông đầu tiên, người cha. Bài thơ Thấp thoáng cánh cò hiển hiện chân dung của một người đàn ông đi khai phá, một người cha rất bình thường nhưng vẫn mang vóc dáng của người đi mở cõi: "Bàn chân cha từng lún trong bùn/cánh cò bay trước mặt/cha của thời mở đất/ngang tàng cánh tay vung... Đêm phương Nam ánh lửa bập bùng/sự sống giấu dưới bao tầng lá mục... Đất phương Nam đặc điểm thành tên/những Xẻo Quít, Mương Trâu/những Bến Đình, Bến Nước/cánh cò nối rừng tràm, rừng đước/nối xóm làng đến tận mênh mông/đường chân trời nối núi và sông/cuộc nhân thế nối kẻ sơn tràng với người hạ bạc...". Cái hào sảng trong tính cách khoáng đãng, dũng mãnh của con người làm chủ cả một thiên nhiên hoang dã bộc lộ rất rõ: "Cha của thời bùn ngập ống chân/đã dạy con "bạc tiền như phấn thổ"/niềm ao ước cho con biết chữ/lớn hơn sản nghiệp đời mình... Đất lành/đàn sấu ngủ quên trong bưng/đường rừng đầy dấu chân cọp, beo, mễnh mãng/cha đi trong đêm vừa tan/lòng nhủ lòng/thú dữ không bằng người dữ...". Nhịp sinh học của cuộc sống con người cũng là vòng tuần hoàn của đất trời, xoay vần trong những gì gần gũi nhất: "Con bìm bịp kêu nước lớn sông đầy/con cá thượng nguồn xuôi về quẫy sóng/cà na trổ bông, vông đồng chín rụng/lúa đã đòng đòng hối hả hè-thu... /Những cơn mưa làm bóng xế, trăng lu/giàn nhạc của đêm không chờ thời khắc/chim vịt kêu chiều tiếng khoan, tiếng nhặt/giục mẹ trên đồng về với đàn con"... Xuất hiện bóng dáng người đàn bà, người mẹ, trong những gia đình đông đủ vợ chồng con cái, nghĩa là con người đã kiên trì ở lại, bám trụ trên đất, nối dài tương lai mình bằng những đứa con.
Thiên nhiên Nam Bộ là những cánh rừng tràm rừng đước bạt ngàn xanh mướt bốn mùa, giữ đất cho cây và cho người. Những cánh rừng ấy đã trở thành nhà, kêu gọi những bầy chim, bầy thú trở về: "Trà Sư/rừng chiều thinh không/cơn gió thổi lao rao mùa nước giựt/cá linh trên đồng ra sông/cọng bông súng như dài thêm/đọt tràm bỗng non tơ nẩy lộc... đàn sếu về nghỉ chân/xôn xao chim cò kiếm ăn đồng cạn/người gác rừng lo nỗi lo mùa nắng/lo về sự bình yên của rừng/về sự bình yên của những đàn chim..." (Rừng Trà Sư mùa xanh). Còn gì nữa? Còn một màu xanh phía trước, phía tương lai, phía của những đứa trẻ hôm nay: "Những đứa trẻ ở lung Ngọc Hoàng/lớn lên giữa rừng tràm/biết đường đến trường gần hơn đường ra chợ... Những đứa trẻ lớn lên sẽ biết/không vùng đất nào xấu/không có miệt đồng xa/lung Ngọc Hoàng rừng tràm bao la/vẫn có trường để các em học chữ..." (Những đứa trẻ ở lung Ngọc Hoàng).
Quê gốc An Giang, và trừ 3 năm học ở Trường viết văn Nguyễn Du - Hà Nội, Nguyễn Lập Em hầu như chỉ chí thú với vùng quê khuất nẻo của mình. Ở mãi một nơi như vậy cũng có mặt trái của nó: tất cả có thể quen thuộc đến mức nhàm chán, nếu ta không biết cách làm mới cảm xúc trong mình. Hình như Nguyễn Lập Em đã vượt qua điều đó. Ngoài sáu tập sách, gồm cả thơ và văn xuôi đã xuất bản, tập thơ này của chị đã tạo một dấu ấn riêng: quê hương Nam bộ được chị nhắc đến không chỉ bằng những tình cảm nhỏ bé của người đàn bà. Trong bài Suy ngẫm trước chiến tranh, chị còn bộc lộ một cái nhìn rộng hơn, về một điều muôn thuở của con người: "Bầu trời rộng lớn/lòng người nhỏ nhen/sao có thể là chúa tể muôn loài... Khoảnh khắc của tình yêu/là chấp nhận sự khác mình/yêu được là hạnh phúc...". Chấp nhận sự khác mình. Yêu được (chứ không phải được yêu) đã là hạnh phúc. Đó chẳng phải là một phát biểu rất đáng ghi nhớ hay sao?
(*) Đọc Bầu trời chim sáo - tập thơ của Nguyễn Lập Em, Văn nghệ An Giang xuất bản năm 2005