Ông là tác giả của 29 vở kịch và dàn dựng 27 chương trình cho sân khấu. Đồng thời ông cũng nhận nhiều giải thưởng và học vị danh dự từ 14 trường đại học. Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm: The Birthday Party và Betrayal, The room, The Dumb Waiter, The Caretaker, The Servant, A Slight Ache... Vở kịch mới nhất của ông là Remembrance Of Things Past được sáng tác vào năm 2000 và được Nhà hát kịch quốc gia ở London diễn.
Ủy ban xét duyệt giải Nobel 2005 nhận xét: các tác phẩm của Pinter tìm ra những ẩn dụ sâu sắc dưới những điều thường nhật và mở ra một lối vào phòng kín của sự ẩn ức. Tác phẩm của ông đề cập đến những điều gai góc thông qua những sự kiện đơn giản, vụn vặt của đời sống. Kịch nghệ của Pinter có cá tính đặc biệt và được gọi bằng một thuật ngữ: "Pinteresque" với những đặc điểm về tính thời sự và ấn tượng nghệ thuật mạnh mẽ về sức mạnh cô đọng của ngôn từ. Hình tượng trong ngôn ngữ sân khấu được ông dùng để xuyên qua những phần bằng phẳng và đần độn của con người để đến những phần sâu hơn. Sân khấu có khi được dàn dựng để nói lên sự ngột ngạt và lời thoại ngưng đọng để khán giả cảm nhận được chiều sâu của vấn đề.
Pinter là người Anh thứ hai đoạt giải Nobel văn học trong vòng 5 năm trở lại đây sau V.S.Napiul. Ông cũng là kịch tác gia thứ năm được đề nghị trao giải Nobel văn học sau S.Beckett, Gunter Grass, John Steinbeck, Jean Paul Sartre. Trước giải Nobel, Pinter từng được trao nhiều giải thưởng uy tín khác về văn chương của Anh, châu Âu và Mỹ.
Ngoài viết kịch, ông còn sáng tác kịch bản phim, viết văn xuôi, làm thơ, phát biểu ý kiến chính luận, đạo diễn, đóng kịch... Nói chung, ông là một tài năng đa dạng về nhiều lĩnh vực và phong phú về số lượng các sản phẩm nghệ thuật. Trên sân khấu, ông là diễn viên kịch với nghệ danh David Baron.
Không chỉ nổi tiếng với các vở kịch, ông còn nổi tiếng là người chống lại cuộc chiến ở Iraq. Ông vẫn luôn lưu giữ những ký ức chiến tranh bom đạn của thế chiến II. Có người nhận xét rằng, ông thực sự gây ấn tượng với những phát ngôn đại diện cho thế hệ những người sống vào thập niên 60 của thế kỷ XIX.
Thơ ca của ông thể hiện sự sâu sát với thời cuộc và một tấm lòng nhân ái với những nạn nhân chiến tranh trong cái nhìn có phần giễu cợt về nhà cầm quyền tổ chức cuộc chiến. Qua thơ của ông, người đọc cảm nhận được những biến cố của thời cuộc và trách nhiệm của một nhà văn - công dân thế giới. Bài thơ God Bless America được viết tháng 1.2003 là một ví dụ: "Ở đây, một lần nữa họ đi lại/Những binh sĩ mặc áo giáp diễu hành/Những bài hát ballad đều đều của sự hân hoan/Khi họ phi nước đại qua một thế giới rộng lớn/Cầu nguyện với Đấng thiêng liêng của người Mỹ/Những nơi cặn bã, bùn lầy nước đọng buộc chân họ với cái chết/Những con người không thể kết thân với nhau/Những người khác cự tuyệt hát hò/Những người mất giọng/Những người quên mất giai điệu/Những người cưỡi ngựa với cú quất mạnh/Đầu bạn lăn tròn trên cát/Đầu bạn vục vào sự dơ bẩn/Đầu của bạn bị vùi vào sự ô nhục, nhơ nhuốc/Mắt của bạn trố ra và mũi của bạn ngửi thấy mùi hôi của cái chết/Không khí chết chóc bao trùm cuộc sống này/Và họ chờ đợi sự hà hơi tiếp sức của thượng đế".
Có thể nói, với những bài thơ như thế này, Pinter đã góp thêm một tiếng nói vào diễn đàn hòa bình thế giới trong cuộc chiến tại Iraq. Cùng với giải Nobel hòa bình cho El Baradei và IAEA, phải chăng Ủy ban Nobel 2005 muốn chuyển tải một thông điệp mới đến mọi người trên thế giới về quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội nóng bỏng. Điều này góp phần nâng cao vị thế của giải, chứng tỏ họ đã sát sườn với đời sống và gióng lên tiếng chuông cảnh báo của mình chứ không phải chỉ là quan sát viên và là một tổ chức khoa học thuần túy.
Có thể tìm hiểu những thông tin về tiểu sử nghề nghiệp và các tác phẩm của Harold Pinter tại http://www.haroldpinter.org.
Ảnh : H.Pinter hiện nay...
(Tổng hợp từ BBC, Reuters, MSNBC, website của Harold Pinter)