Sức chinh phục của "Thoáng quê Việt"
Cả Nhà hát TP.Hồ Chí Minh đêm 22.10 gần như bị thôi miên bởi chất ca trù pha lẫn nét hiện đại trong cách thể hiện của giàn ca sĩ trẻ khá mạnh về kỹ thuật: Hồ Quỳnh Hương, Lưu Hương Giang, Việt Hoàn, Tô Minh Thắng... Không chỉ mạnh về hát, các tiết mục múa cũng khá nổi bật, đòi hỏi kỹ thuật cao như "Lửa tình Tây Nguyên".
Đạo diễn Trần Bình cho biết, chương trình này đã được mang sang Trung Quốc lưu diễn, được phía bạn đánh giá cao; sắp tới sẽ có mặt tại "Những ngày văn hóa VN tại Nam Phi" ngày 8.11 tới. Kết cấu chương trình khá chặt. Phần đầu nhấn nhá yếu tố "Thăng Long văn hiến kinh kỳ", với dấu ấn đồng bằng châu thổ, những bài ca, điệu múa gần như hoà quyện trong nhịp chuyển của văn hoá Bắc Bộ. Tiếp đến là sắc màu những miền quê, với nét chấm phá Tây Nguyên, nét trầm của những tháp cổ miền Trung...
Sau khi xem chương trình của đoàn, NSƯT Việt Cường nhận xét: "Chương trình này được dàn dựng công phu, nhiều tiết mục để lại dấu ấn thực sự, và làm cho người xem hiểu được điều mà đạo diễn muốn gửi gắm. Phải nói là những người làm nghệ thuật múa như chúng tôi cảm thấy hài lòng vì sự khéo léo chắt lọc từ những điệu múa nguyên chất những gì tinh tuý, rồi phả vào đó hơi thở hiện đại, nâng lên thành ngôn ngữ riêng".
Còn NSƯT Y Moan bình luận: "Tôi thấy giàn ca sĩ trẻ của nhà hát hát rất mạnh. 8 giọng ca có thể nói đều xuất sắc. Tuy nhiên, múa Tây Nguyên theo tôi còn bốc lắm".
Ông Bình cho biết, để thoát ra khỏi cái khung hội diễn, chính nhà hát đã đầu tư những tiết mục hoàn toàn mới, vì có dựng cái mới thì mới bảo đảm sự sống còn của nhà hát. Dựng xong không phải dự hội diễn 3-4 ngày về rồi cất xó, mà cái chính là có thể diễn hàng tháng ở Hà Nội, doanh thu trích lại để dựng tiết mục mới.
Chỉ có cách "mình đầu tư mình" như thế thì mới mong thu hút người xem. Khán giả vẫn có một lớp người thích nhạc trẻ, nhưng nghe hát yêu đương mãi rồi cũng chán. Nhà hát không chỉ phục vụ lớp người đứng tuổi, mà cả giới trẻ, làm sao để họ chấp nhận mình. Và thực sự khán giả trẻ rất thích. Vì họ cần nghệ thuật tinh tế. Không thể cứ diễn theo kiểu "định hướng", hay cũ quá, theo kiểu "tuyên truyền" như ngày trước...
Nhấc mình ra cũ mòn rất khó
Các chương trình của các tỉnh thường mạnh về màu sắc dân tộc, như Đoàn nghệ thuật "Ánh Bình Minh" của Trà Vinh mang màu sắc Khmer, đoàn Gia Lai và Đắc Lắc mang màu sắc Tây Nguyên, nhưng chưa hẳn đã giống nhau.
Song, cho dù có ưu thế về những điệu múa, các đoàn vẫn gần như "có gì mang đến hội diễn", không mảy may thay đổi. Chính vì thế, vẫn có một tâm lý "ngại" xem hội diễn, vì chỉ ngần ấy cái cũ "ôn lại" mà thôi.
Ca sĩ Y Moan hài hước nhận xét: "Tất cả xào lại thôi. Đoàn ca múa nhạc dân tộc Đắc Lắc chúng tôi nghiệp dư lắm. Các ca sĩ trẻ quá, và chưa thực sự có giọng hát hay. Đoàn không được đầu tư gì cả". Nhưng đấy là anh khiêm tốn. So với đoàn Gia Lai, chương trình của Đắc Lắc có lửa hơn, những điệu múa cũng có thay đổi, cách điệu. Và giọng hát Y Moan vẫn vang dội như tiếng "đại ngàn" ngày nào.
Chỉ mới 4 đoàn biểu diễn, song, sự chênh lệch lực lượng trở nên khá rõ giữa đoàn trung ương và địa phương, giữa thành phố lớn và các tỉnh. Nhưng dù sao, 5 năm một lần mới có hội diễn, nói như đạo diễn Trần Bình, là một thời gian quá lâu, tránh sao không mòn mỏi?
Nên chăng, hai hoặc 3 năm một lần có một hội diễn, để các nghệ sĩ, các đoàn trau dồi nghề, học hỏi nhau nhiều hơn? Như thế, cơ hội cho ca sĩ, diễn viên múa trẻ bứt lên cũng nhiều hơn.
Tiết mục của Nhà hát nhạc nhẹ T.Ư được đánh giá cao trong đêm khai mạc.