Tham dự Trại sáng tác văn học Vũng Tàu lần này gồm 22 nhà văn - 17 nhà văn phía Nam đất nước (từ Huế trở vào) và 5 nhà văn phía Bắc. Trong đó, có 9 nhà thơ và 13 nhà văn. Việc chia ra thơ, văn này cũng rất tương đối ở trại viết lần này, vì hầu hết 22 nhà văn này đều là những cây bút xây dựng văn nghiệp của mình trên cả hai thể loại. Có nhà văn bên cạnh sáng tác còn viết cả lý luận phê bình văn học nghệ thuật, báo chí và bình luận xã hội.
Sự đa dạng, phong phú của các khả năng văn học này đã đem đến cho trại sáng tác văn học lần này sự phong phú, đa dạng của các tác phẩm sau gần một tháng làm việc.
- 8 tập thơ (từ 20 bài đến nhiều hơn) và 1 trường ca.
- 5 tập truyện ngắn, 4 tiểu thuyết.
- Nhiều truyện ngắn lẻ và nhiều chùm thơ lẻ đã được viết tại thời gian ở trại tạo tiền đề cho những tập mới sau này.
Cố nhiên với những tập thơ, văn đã tương đối hoàn chỉnh không hẳn là sản phẩm chỉ trong gần 1 tháng, mà là sản phẩm hoàn thiện sau một thời gian dài làm việc. Hai mươi ngày, nếu chuẩn bị tốt từ trước, có thể hoàn thành một tiểu thuyết, một trường ca với độ dài trung bình (200-300 trang), nhưng với thơ và truyện ngắn khi đã hoàn thành, thông thường đã phải vài ba năm gom góp, sửa đổi.
Những trại viết như thế này bao giờ cũng là những điểm hẹn cần thiết nhất cho những khoảng tĩnh tâm, những trao đổi, những sắp xếp tác phẩm và nhờ nó mà những sáng tác được công bố sớm hơn.
Có lẽ chẳng bao lâu nữa, bạn đọc sẽ được tiếp xúc với 300 trang truyện ngắn Cỏ đêm của nhà văn Nguyễn Đức Thiện; 200 trang truyện ngắn Đixin và Misa của Hoàng Đình Quang; tiểu thuyết 200 trang viết về chiến tranh Vùng sâu của Nguyễn Quang Hà; tập 1 gồm 300 trang đã hoàn chỉnh tiểu thuyết nhiều tập Khôn dại và dại khôn của Trần Công Tấn; tiểu thuyết Đất xanh đã viết đến trang thứ 300 của nhà văn giải nhất tiểu thuyết 2004-2005 Đào Thắng; tập tiểu luận khá đầy đặn về 51 nhà thơ hiện đại Cuộc lãng du thơ của nhà thơ Trần Ngọc Tuấn; tập thơ Giọt trần gồm 43 bài của nhà thơ Vũ Thị Kim Liên; trường ca Thơ của người hát rong của nhà thơ Nguyễn Lập Em; tập thơ Những cọng rau tập tàng của nhà thơ Cảnh Trà; tập thơ Ai đem thương nhớ của nhà thơ Đàm Chữ Văn; tập thơ Thiên đường trên mặt đất của nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh; hai trường ca Đi hội Đền Hùng và Những cô gái lụa làng Vạn Phúc của nhà thơ Phan Cung Việt.
Sau những tác phẩm vừa xuất bản trong 2 năm gần đây, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc đã có những chùm thơ mới khá khởi sắc. Nhà thơ Tạ Văn Sĩ với 20 bài thơ lẻ có nhiều nét riêng độc đáo. Nhà thơ Song Hảo với nhiều chùm thơ. Các nhà văn Tô Phương, Vĩnh Nguyên, Hồng Nhu, Khôi Vũ... với những chùm truyện ngắn đã hứa hẹn nhiều về những tập truyện ngắn sẽ ra đời trong thời gian tới. Còn nhà văn Triệu Xuân thì khá là bí mật với những sấp bản thảo dày cộm cho những tiểu thuyết mới. Anh vừa mới in mấy tiểu thuyết liền trong dăm năm vừa rồi khiến ta hồi hộp lắm...
Trên đây mới là những thông tin có tính chất thống kê học, nhưng điều đáng mừng đã hiện ra rất cụ thể trên từng trang đã có. Và một điều quan trọng hơn, qua những trang đã có ấy, qua nhiều tiếp xúc trao đổi trực tiếp với nhau, các nhà văn VN hiện dường như không còn kiêng kỵ bất cứ mảng sống nào trong cuộc sống hết sức sôi động hiện nay của đất nước. Nhiều ý tưởng sâu sắc, góc cạnh mà rất bình tĩnh đã được trao đổi.