Nghệ sĩ Nguyễn Thân cho biết: “Thú thật, ban đầu khi nghe đến khu công nghệ cao chúng tôi cũng không hình dung ra có liên quan gì đến điêu khắc.
Nhưng sau khi được UBND TPHCM và Ban quản lý xây dựng khu công nghệ cao cho xem bản thiết kế cũng như diễn giải về công trình, chúng tôi đã có những phác thảo để đưa vào khu vườn tượng này”.
Tham gia trại sáng tác xây dựng vườn tượng tại khu công nghệ cao này có 20 nhà điêu khắc với nhiều ý tưởng đa dạng. Họa sỹ kiêm điêu khắc gia Văn Ngọc- người vừa đoạt giải thưởng hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2005 đem đến vườn tượng tác phẩm “Hang gió” với những khối vuông tượng trưng cho sáng tạo đến vô cùng của con người. Còn điêu khắc gia Văn Đạt lại đưa đến một tác phẩm gồm 3 khối đá chênh vênh tạo cảm giác không ổn định với những con số dày đặc.
Với 2 chất liệu chủ yếu là đá trắng (được đưa từ Thanh Hóa vào) và đá Granit (Lấy từ Bà Rịa) các nghệ sỹ thỏa sức sáng tạo theo cách riêng của mình. Nhà điêu khắc Lê Triều Điểm tự hào: “Dù rất khó khăn trong việc thực hiện ý tưởng bởi thời gian làm việc ít nhưng chúng tôi ai cũng cảm thấy vui vì mình là người đầu tiên được góp mặt tại đây”.
Điêu khắc gia Nguyễn Than nhận xét: Một vài nghệ sĩ đã bỏ qua nghệ thuật diễn tả, chú trọng đến hình khối, dáng vẻ mang tính tạo hình. Đây là xu hướng mới của nghệ thuật điêu khắc”.
Một tháng dành cho các nghệ sỹ sáng tạo tại hiện trường đã gần hết, khu vườn tượng đã dần hiện ra.
Ảnh : Một trong số những bức tượng đang dựng ở khu công nghệ cao