Hai anh có thể cho biết sẽ có những thay đổi gì so với loạt chương trình trước đây?
Đạo diễn Thành Long: Bản chất Con đường âm nhạc vẫn là chương trình biểu diễn, talk show và clip nghệ thuật. Chúng tôi sẽ phải tìm ra những điểm nhấn trên con đường của mỗi nhạc sĩ để khắc họa. Kịch bản do tôi và anh Quang Huy đảm nhiệm. Tôi không dám nói khác nhiều hay không, hãy để người xem nhận xét, nhưng chắc chắn tôi không giẫm chân lên những gì êkip trước đã làm.
Đạo diễn Quang Huy: Mỗi người có phong cách và tư duy về chương trình này khác nhau. Quan trọng nhất là con đường của mỗi nhạc sĩ sẽ hiện lên ở mức đậm nhạt như thế nào. Chúng tôi đi theo hướng để âm nhạc kể chuyện, chứ không quá cầu kỳ với những hình thức trình bày ngoài âm nhạc.
Chuyện MC là chuyện lớn mà người ta thường nói về Con đường âm nhạc. Điều này cũng sẽ có thay đổi chứ?
Thành Long: Chúng tôi đang tìm. Hiện có 4 đề cử, nhưng tôi chưa thể tiết lộ.
Ngày 13/11 tới là chương trình dành cho nhạc sĩ Văn Cao. Đây là nhân vật khó cho các anh?
Quang Huy: Rất khó, vì những talk-show của tác giả với công chúng là không có, bắt buộc phải tái hiện bằng âm nhạc và đối thoại cùng những người thân và bạn bè của Văn Cao.
Thành Long: Nhiều người nói làm đêm nhạc Văn Cao thì phải thế này, thế kia. Ông là nhạc sĩ có 2 thời kỳ sáng tác và cả 2 đều cực kỳ sung mãn.
Bạn bè và người thân của Văn Cao là những ai? Có sự xuất hiện của Nguyễn Thụy Kha và Nguyễn Trọng Tạo?
Thành Long: Không. Những người ấy cũng chỉ hay viết về Văn Cao thôi. Đối tượng chúng tôi mời phải là những người bạn tri âm của Văn Cao.
Chẳng hạn như...?
Người tri âm của ông ấy là vợ, thứ hai là con (nhà thơ Văn Thao). Thường thường kể về những người nổi tiếng đã mất, người ta ít khi nói dối.
Phải chăng Ánh Tuyết sẽ là ca sĩ “đinh” của đêm Văn Cao?
Quang Huy: Chúng tôi chọn những gương mặt mới chứ không nhất thiết là ca sĩ mà nhắc tới Văn Cao người ta nghĩ ngay tới cô ấy. Chúng tôi muốn có một chương trình Văn Cao với cách thể hiện mới, khám phá Văn Cao ở một phương diện mới. Nhưng tất cả đều dựa trên nguyên tắc tôn trọng sự sang trọng trong âm nhạc của ông. Dàn nhạc sẽ là một cơ cấu lớn. Ê-kip phối khí cũng mới hoàn toàn, đó là Phạm Ngọc Khôi, Minh Đạo, Đỗ Bảo và Trần Mạnh Hùng.
Thành Long: Cái thực sự chúng tôi muốn thay đổi chính là âm nhạc. Những giọng ca chuyên Văn Cao như ánh Tuyết, Thu Hà, Cao Minh... đã tạo nên cách nghe quen thuộc cho những lớp người trước. Nhưng, ở Con đường âm nhạc lần này, chúng tôi muốn ca sĩ hát nhạc Văn Cao với đúng tâm trạng của thời bây giờ.
Nhưng thử nghiệm mới với nhạc Văn Cao và Trịnh Công Sơn là chuyện rất nhạy cảm?
Thành Long: Đúng rồi. Tôi nghe nhiều lần đĩa Thanh Lam hát nhạc Trịnh, thấy cũng có những cái đáng cổ vũ. Tất nhiên, cách làm mới của Lam quá mạnh và quá sốc, tạo cho những người nghe trung thành với Trịnh Công Sơn cảm giác giật mình. Bây giờ, nó là khó chấp nhận, nhưng có thể vài năm sau nó là bình thường. Cảm nhận nghệ thuật luôn luôn thay đổi, chỉ có cách nghĩ của người già mới giữ nguyên như cũ.
Xin cám ơn hai anh.