Thành cổ Sơn Tây thật là quý. Ngôi thành theo kiến trúc Vauban. Cũng cần phải nói thêm là trong số các thành cùng thời thì thành Sơn Tây nguyên vẹn nhất, vì thế lại càng tăng giá trị di sản.
Thành Sơn Tây cho đến nay vẫn còn tường thành, cổng thành, hào nước, cầu rút..., nhất là phạm vi thành cổ hầu như chưa bị các hộ dân lấn chiếm. Một vài cây cổ thụ quyện rễ vào tường thành lại càng tăng thêm cảm hứng hoài cổ của du khách. Chỉ nguyên trạng như thế, thành Sơn Tây đã là một di sản văn hoá hiếm có.
Hơn một thế kỷ tồn tại, thành đã xuống cấp và yêu cầu bảo tồn, tu bổ và phục hồi là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, nếu phục dựng không tốt, chỉ đem lại sự phản cảm thì thà cứ giữ nguyên những gì vốn có còn hay hơn. Ngay ở thành cổ này cũng đã có bài học mà báo chí đã lên tiếng là việc phá cổng chính cách đây hơn chục năm rồi xây mới một cái cổng khác với vôi vữa ximăng trông nhang nhác một cái cổng làng hiện đại.
Ở ta, các công trình tu bổ tháp Chăm được làm tương đối tốt. Đó là giữ nguyên vị trí kiến trúc và bổ khuyết những mảng kiến trúc bị phá huỷ, những viên gạch mới làm cũng phải cầu kỳ có tương đương chất liệu, đến chất kết dính từng viên gạch Chăm cũng phải dày công tìm tòi, có người bỏ cả đời nghiên cứu mới mong tìm ra.
Ngoài cái cổng chính của thành cổ Sơn Tây đã lỡ phá và thay mới như một sự trớ trêu "tân cổ giao duyên", còn lại trong di sản là 3 cổng thành nữa.
Chính những người có trách nhiệm thi công trong dự án đã bộc bạch như sau: Khi dỡ những rễ cây si, cây đề cổ thụ đã ăn sâu vào cổng thành, nếu thành đổ thì phải xây lại hoàn toàn và bằng vật liệu mới. Thế là lại... đánh bùn sang ao. Lẽ ra, phải giữ nguyên và gia cố hiện trạng di tích, hạn chế sự phát triển của rễ cây. Phục dựng những đoạn cổng bị hủy hoại bằng đúng thứ vật liệu tương tự chứ không phải là vật liệu mới. Như thế thì các cổng thành mới có giá trị khoa học bảo tồn đúng đắn.
Sử cũ còn chép lại: Năm Minh Mạng thứ ba, thành cổ Sơn Tây được xây bằng đá ong đến năm Tự Đức thứ hai xây bằng đá ong cả bờ hào. Thế thì việc phục dựng thành phải bằng đúng đá ong mới phải, mà đá ong ở vùng này chắc chẳng thiếu mà có thiếu đi chăng nữa thì chỉ cần phục dựng một đoạn ngắn cũng có thể giúp cho việc hình dung thành xưa gần với lịch sử hơn.
Nhưng các nhà thi công công trình lại có "sáng kiến" khác: Hai móng xây bằng đá hộc, phía trong đắp đất, tạo thành một taluy đất thoai thoải rộng hơn 9m. Rõ ràng việc phục dựng không đúng với những gì vốn có tức là tạo ra một thứ đồ giả cổ.
Hy vọng ở những giai đoạn sau, việc phục dựng và bảo tồn một số hạng mục được làm cẩn thận hơn và tranh thủ rộng rãi ý kiến các nhà khoa học và nhân dân. Nhất là xin đừng phá bất kỳ một dấu tích kiến trúc nào để thay vào một kiến trúc mới.
Không chỉ với thành cổ Sơn Tây, một số công trình phục dựng di tích khác cũng được làm không đúng lắm. Nhưng có lẽ phổ biến hơn cả là vấn đề làm một số kiến trúc mới quá, không ăn nhập gì với cụm di tích được tu bổ tôn tạo hoặc có sự chắp vá giữa các loại hình di tích có niên đại không cùng nhau để chung vào một chỗ.