TBKTSG: Vì sao ITI chọn tài trợ cho trang web Văn nghệ sông Cửu Long mà không phải là một vùng khác?
- Ông NGUYỄN HÒA: Vì miền Tây Nam bộ không có nhiều điều kiện như ở các vùng miền khác. Tác phẩm của 13 tỉnh, thành khu vực này ít được giới thiệu ở trong nước trong khi nó xuất hiện khá mạnh trên những trang web ở nước ngoài. Nguyện vọng của tôi là làm sao kinh doanh các tác phẩm văn học giúp anh em văn nghệ miền Tây qua trang web.
TBKTSG: ITI rót chi phí vào đây nhiều không?
- Một số chi phí cần bỏ ra thường xuyên như đăng ký tên miền, dung lượng lưu trữ thì không đáng kể. Còn về nhân sự điều hành, hiện có bốn người kiêm nhiệm toàn bộ như xử lý hình ảnh, tổng hợp tin tức, bài vở, xác minh lý lịch tác phẩm và tác giả, lưu trữ và an ninh mạng... Họ phụ trách 25 đề mục của trang web và có thể hình dung những công việc này giống như làm tòa soạn của một tờ báo vậy.
TBKTSG: Cho tới giờ thì hiệu quả trang web ra sao?
- Kết quả mang lại thật bất ngờ. Một trang web văn nghệ đang phôi thai và còn ít tác phẩm mà có số lượng truy cập đến cả ngàn lượt mỗi ngày là một điều khó hình dung, nhiều nhất là bạn đọc ở nước ngoài và giới trẻ trong nước.
TBKTSG: Thế thì việc giúp tác giả văn nghệ kinh doanh như ý anh muốn, liệu có khả thi không?
- Trang web mà rất nhiều người biết đến là amazon.com chuyên kinh doanh sách báo, tài liệu và tác phẩm qua mạng lâu nay đã đạt doanh thu mỗi năm hơn một tỉ đô la Mỹ. Họ bán tác phẩm qua mạng, giới thiệu sách, chuyển tiền qua tài khoản, nhận tiền và chuyển sách đến người đọc.
Còn với trang web này, tôi cũng đã nghĩ đến một phương án kinh doanh. Để sử dụng trang web, tôi đề nghị mỗi bạn đọc trả lệ phí khoảng 5.000 đồng một năm, được cấp quyền đọc khoảng 2.000 tác phẩm chọn lọc. Với 500.000 người truy cập một năm, tôi nghĩ số lệ phí thu được sẽ đủ để trang trải cho bộ máy và tiến tới trả nhuận bút cho những tác giả có tác phẩm. Thứ đến là bán tác phẩm qua mạng, tác giả cũng được hưởng một chế độ hoa hồng nhất định vì gần đây đã có nhiều bạn đọc nhờ mua sách giùm và cũng có vài nhà xuất bản đã ngỏ ý về vấn đề này.
TBKTSG: Như vậy là văn học nghệ thuật đã “ám ảnh” chuyện kinh doanh của ông?
- Tôi hay chú ý đến những góc cạnh xã hội thông qua tác phẩm văn học, điều này giúp tôi hiểu rõ hơn đối tượng cần phục vụ. Kinh doanh cũng cần lãng mạn chứ!
TBKTSG: Vậy thì ông thử… “lãng mạn” một chút về nền văn học nghệ thuật?
- Với văn học nghệ thuật, tôi có ước mơ là làm thế nào để các tác giả Việt Nam có chủ quyền tác phẩm thực sự vì lâu nay nhiều tác phẩm của họ bị chép trộm và sử dụng nhiều nơi trên thế giới nhưng chẳng thấy ai lên tiếng cả. Cũng như mơ đến một ngày nào đó khi ra quầy sách sẽ không còn thấy những cuốn sách viết ra một cách èo uột, dịch một cách thảm hại và nghiên cứu một cách... đùa giỡn.
Từ trang web vannghesongcuulong.org, tôi còn đang ấp ủ thiết kế và lập trình một trang web lớn hơn để giới thiệu toàn cảnh bức tranh văn học nghệ thuật Việt Nam cho những người yêu thích.
Huỳnh Kim thực hiện
“Quê ở tận Quảng Trạch, Quảng Bình, tôi lớn lên ở đất Kim Long, Huế. Thuở nhỏ khoái văn chương nên có làm một vài tờ báo in roneo và bắt đầu từ năm 1972 tôi tham gia viết bài cho tờ tuần báo Thời Mới ở Đà Nẵng. Sau 1975, tôi vào Cam Ranh (Phú Khánh) kiếm sống bằng nghề nông, rồi đi nghĩa vụ quân sự ở Trung đoàn 723 Sư 333 trên Daklak. Giải ngũ, tôi vào Sài Gòn thử thời vận, may thay có người bạn biết tôi có máu nghệ sỹ nên giới thiệu về làm đạo diễn cho chương trình văn nghệ của một công ty xây lắp ở Vũng Tàu. Tại vùng đất mới này, thấy nghề xây dựng và trang trí nội thất đang phát triển mạnh và có thể sống được, thế là tôi trụ lại. Cùng với một số anh em kiến trúc sư, kỹ sư, tôi thành lập tổ hợp xây dựng Vĩnh Thái năm 1987 tại thành phố Vũng Tàu. Tổ hợp ấy nay đã được nâng cấp thành Công ty Vĩnh Thái. Đi cùng với sự đổi mới của đất nước, thời đại của công nghệ thông tin, Công ty cổ phần Phần mềm ITI ra đời là kết quả từ sự nỗ lực của cả một tập thể” - Nguyễn Hòa tâm sự.
Nhà doanh nghiệp Nguyễn Hòa (trái)
và nhà thơ Lê Chí với biểu tượng trang web Văn nghệ sông Cửu Long.
Ảnh: TRƯƠNG CÔNG KHẢ