Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
1.215
123.206.302

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Chuyện chung quanh bài hát Dáng đứng Bến Tre
LTS: Nhân dịp mừng sinh nhật lần thứ 81 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, NXB Trẻ vừa ấn hành hồi ký: Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tự họa. Bài viết này được trích từ hồi ký trên. Tựa do tòa soạn đặt

Năm 1980 tôi về Bến Tre, cùng hai vợ chồng nhạc sĩ Lư Nhất Vũ - nhà thơ Lê Giang. Có thể gọi đây là hai “thổ công” miền Tây Nam Bộ. Mà lại là hai đứa em kết nghĩa của tôi. Nghe nói nơi này cũng dữ lắm! Nhưng tôi rất yên tâm vì đã có hai “lá chắn” khá bảo đảm kia...

Mới về mà tôi đã nghe đủ chuyện anh hùng làm tôi khá kinh ngạc. Như chuyện anh Hai Trung, Bí thư Tỉnh ủy, 6 năm liền, được dân che chở vẫn ém mình trên ngọn dừa để chỉ đạo cuộc chiến đấu ở Bến Tre. Hay chuyện chị Ba Định, người con gái dũng cảm kiên cường, thần tượng của đội quân tóc dài, đã bao lần làm quân địch hoảng sợ. Những con người như thế đã có một quá khứ chiến đấu tuyệt vời, đẹp hơn nhiều tiểu thuyết. Còn những cây dừa của miền Nam! Ở đâu cũng là hình ảnh của quê hương, cũng dự phần trong đạn lửa. Khi có khẩu hiệu: “Một tấc không đi, một ly không rời!” thì ai là người thực hiện khẩu hiệu đó một cách nghiêm chỉnh nhất? Phải chăng đó là những cây dừa! Để bây giờ thương tích đầy mình! Sao không được gọi là “đồng chí thương binh!”.

Nghe mãi, nghe mãi, tôi bỗng có cảm nhận: Bến Tre là một mặt trận của miền Nam thu nhỏ. Vì ở đây có tất cả: Có Đồng Khởi! Có đội quân tóc dài! Có mọi hình thức chiến tranh nhân dân mà kẻ địch thì khiếp sợ, bạn bè trên thế giới cũng phải nghiêng mình kính phục.

Ngày tôi còn ở miền Bắc, tôi đã tỏ rõ sở trường viết về người phụ nữ (đã có Tiếng hát Zôia (1953), Mẹ yêu con (1956), Tiễn anh lên đường (1965), Bài ca phụ nữ Việt Nam (1970), Em đi làm tín dụng (1971), Người giỏi chăn nuôi (1972), Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973) v.v...) nên anh em trong nghề đã phong cho tôi danh hiệu “Chuyên trị về phụ nữ”, kiểu như thuốc gia truyền của bà Lang Trọc ở Hà Nội chuyên trị về ho. Nên chi, bây giờ tôi thiên về đội quân tóc dài, cũng là điều dễ hiểu. Mà thực lòng, càng nghĩ tôi càng say mê thần tượng chị Ba Định cùng đồng đội của mình, một dáng đứng rất Bến Tre, rất Nam Bộ, một dáng đứng rất đáng để cho mọi thế hệ, không riêng gì tôi, đáng say mê, đáng tự hào (“say mê” với nghĩa tôn sùng, kính nể... không dung tục như một số kẻ xấu sau này đã tung tin, xuyên tạc).

Thế rồi, chỉ một thời gian rất ngắn, tôi đã nhanh chóng làm xong bài hát Dáng đứng Bến Tre. Nhanh chóng đến nỗi đã khiến vợ chồng Lư Nhất Vũ - Lê Giang cũng phải ngạc nhiên! Thực ra đó cũng là lời tôi cam kết với vợ tôi năm 1975, khi vợ tôi còn chưa vào trong này, “... có lẽ ta còn phải chịu sống khổ khoảng dăm năm nữa, để anh còn học làm người Nam Bộ, thì rồi may ra mới có ăn...”. Và quả nhiên, năm 1980, đã hết 5 năm để cho tôi học làm người Nam Bộ. Học đủ mọi thứ, từ trong suy nghĩ đến cách nói năng. Kết quả là như vậy đó! Tôi đã thu gọn những năm miền Nam chống Mỹ, thu gọn phong trào Đồng Khởi, thu gọn những thành tích chiến đấu của đội quân tóc dài, thu gọn Bến Tre hôm qua và Bến Tre hôm nay vào từng ấy, chỉ từng ấy thôi, khuôn nhạc và lời. Và thế là tôi đã học được cách nghĩ và cách nói của người Nam Bộ! Ôi! Tôi mừng quá! Mừng đến muốn khóc!

Bài hát làm xong, đích thân tôi đã dàn dựng cho đoàn ca múa của tỉnh, từ việc phối khí cho dàn nhạc, đến việc luyện cho ca sĩ Thanh Thúy của đoàn, từng câu từng chữ. Khi tôi làm việc với đoàn ca múa thì các cán bộ lãnh đạo của Ty Văn hóa tỉnh đã luôn luôn theo dõi từng ngày, nên rất hài lòng về kết quả đã đạt. Ty Văn hóa đã liên hệ với Đài Phát thanh của tỉnh, và đã cho đoàn ca múa sang đó để thu thanh, rồi phát trong thị xã. Không những thế, Ty Văn hóa còn chuẩn bị giấy để xuất bản...

Bất thình lình ông Đoàn Trí, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy phụ trách tuyên huấn, đi đâu đó về (lúc này ông đã tạm nghỉ không giữ chức vụ ấy nữa vì có vấn đề gì đó, không rõ). Tôi vẫn phải làm việc với ông và qua ông đề nghị cho tôi báo cáo với Ban Thường vụ, tác phẩm đã hoàn thành. Hôm biểu diễn, Ban Thường vụ từ bí thư, phó bí thư, chủ tịch tỉnh... không thấy ai đến, chỉ có một mình ông Đoàn Trí ngồi duyệt. Cái lạ nữa là từ khi ông đến, sau cái bắt tay xã giao, ông không hề nói với tôi một lời nào, dù chỉ là thăm hỏi. Đến lúc xong, cả hội trường vỗ tay nhiệt liệt giờ lâu. Riêng ông thì không. Thậm chí, lúc ra về cũng không bắt tay tôi và nói một lời gì tạm biệt, mặc dù tôi ngồi ngay bên cạnh ông...

Nhưng ghê gớm thay, ngay ngày hôm sau, ông triệu tập một cuộc họp có đông đủ Ty Văn hóa, Đài Phát thanh và đoàn ca múa, ông tuyên bố “... bài hát này chưa nói gì về Bến Tre cả!” và ông ra lệnh: “Đoàn ca múa dẹp! Không hát nữa! Đài Phát thanh dẹp! Xóa băng đi, không phát nữa! Ty Văn hóa, không xuất bản nữa!”.

Thế là hết! Còn gì đâu nữa! Ai cũng ấm ức. Nhưng đó là “ý trời” mà! Biết làm sao. Tôi đành ra về, chịu đựng.

Về nhà tôi nghĩ: Một bài hát như thế, Bến Tre họ vứt đi cũng như năm xưa Hà Bắc đã vứt đi bài Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa (1973), thì ta tìm nơi khác, một tác phẩm hay thiếu gì đất sống!

May thay, qua đầu năm sau, 1981, tôi nghe tin sẽ có Liên hoan Ca múa các tỉnh phía Nam ở ngay tại TPHCM. Thế là tôi tập cho Thu Nở, rất kỹ. Đến ngày liên hoan quả nhiên Thu Nở được giải nhất về đơn ca nữ - huy chương vàng. Mà tôi, là tác giả, cũng được huy chương vàng. Sau tổng kết, Đài Truyền hình TP làm một chương trình báo cáo giới thiệu rộng rãi trước quần chúng gần xa...

Ba hôm sau, anh Bảy Nhân là chuyên viên Ban Tổ chức Trung ương, đặc trách các tỉnh Đảng bộ phía Nam, hàng xóm của tôi, vừa đi Bến Tre về, mang cho tôi một mẩu giấy, không ngờ lại chứa đựng một tâm tình quá lớn, với những dòng chữ như sau: “... Tình cờ tôi được xem Thu Nở hát bài Dáng đứng Bến Tre ở Đài Truyền hình TP. Tôi vô cùng xúc động. Thay mặt Đảng bộ và nhân dân Bến Tre tôi tỏ lòng biết ơn đồng chí”.

Ký tên: Hai Trung (Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre)

Có thể nói đây là lần đầu tiên trong đời, tôi nghe được một lời nói, một lối nói vô cùng bình dị, vô cùng chân tình của một đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nói với một người nhạc sĩ như thế! Bao nhiêu nỗi khổ tâm trong tôi một năm qua bỗng biến mất. Tôi cảm thấy như mình đã được đền bù. Đền bù bằng một cái gì vô giá...

Giá như sau này, không có những chuyện “lòng thòng” thì tình nghĩa của tôi với Bến Tre còn trọn vẹn biết mấy!

Những cái “lòng thòng’’ ấy là: Không biết từ đâu đã có tin đồn là Bến Tre đã chuẩn bị cho tôi một triệu đồng (bằng 10 triệu bây giờ). Thực tế tôi chỉ nhận được một bì thư trong đó chỉ có 200.000 đồng. Còn 800.000 đồng, nghe nói Ty Văn hóa đã dùng vào việc khác. Rồi lại có lần người ta đồn: Bến Tre chuẩn bị cho tôi một miếng vườn, trong đó có mấy chục gốc dừa, thu hoạch mỗi năm không nhỏ. Không những thế Bến Tre còn làm cho tôi một cái nhà để ở... Nhưng tất cả cho đến nay vẫn chỉ là tin đồn, thực tế không có gì cả. Chỉ lâu lâu Tỉnh ủy có nhớ lên thăm và cho một ít trái dừa, hoặc tết thì mứt dừa, thế thôi. Gần đây, đồng chí Nghĩa, nguyên chủ tịch nay đã nghỉ hưu có đến thăm. Trước khi về có đưa tôi 1.000.000 đồng. Hai hôm sau, Bảy Hoàng, Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin, hiện nay lại lên thăm, không gặp tôi nhưng có gửi biếu 1.000.000 đồng...

Tự sự: “Trên đời, ai cũng có một cuộc đời. Dù đẹp hay xấu, nhưng khi đã viết thành hồi ký, muốn cho giá trị phải làm sao cho nó có tính chân thực, nghĩa là đúng sự thật...”.
 (Trích Mấy lời nói đầu trong hồi ký Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý tự họa)

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

Teflon Ptfe Extruder Machine

- Theo Báo