Bởi chỉ cần gõ 3 chữ "Quan Chánh Bố" lên mạng Internet là có ngay tọa độ con kênh đào đang lọt vào tầm ngắm của Chính phủ VN trong nỗ lực đưa ĐBSCL hội nhập "thế kỷ kinh tế biển".
Từ năm 1997-1999, đơn vị tư vấn Haecon (Bỉ) tiêu tốn 2 triệu USD nghiên cứu luồng Định An, kết luận không nên tiếp tục nạo vét. Nhưng từ năm 2000-2004, VN vẫn ném xuống đây 47 tỉ đồng. Tức là chúng ta mất tới 8 năm chỉ để nhận diện 1 sai lầm. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt bức xúc: "Thời gian là tài sản quốc gia. Lãng phí thời gian là sự lãng phí lớn nhất".
Nỗi bức xúc của vị lãnh đạo từng "thay đổi công năng" 2 con kênh đào đầu tiên do danh tướng Nguyễn Văn Thoại thực hiện cách nay gần 200 năm thành T4, T5 thoát lũ ra biển Tây có rất nhiều lý do thực tế. Nhìn ở tầm gần: Do luồng cạn, Cảng Cần Thơ chỉ đón tàu trọng tải 3.000 tấn trong khi phải 7.000 tấn để đến... ASEAN. Nhìn ở tầm xa: Sau 30 năm đánh Pháp, đuổi Mỹ, 10 năm cấm vận khiến cây lúa trở thành "cây chính trị", 20 năm đổi mới phát hiện thêm tôm, cá basa, trái cây nhưng chi phí vận tải quá nặng làm giảm đi thu nhập của những người nuôi trồng...
Trăm năm chảy xiết
"Trà Vinh có bún nước lèo - Có chùa Ông Mẹt, ao đào Bà Hom - Có chùa thờ vía Quan Công - Có đình Long Đức thờ Trần Trung Tiên". Năm Tự Đức thứ 8, để tưởng nhớ công lao quan bố chánh Trà Vinh dẫn nước sông Hậu vào đầm lầy Láng Sắc, biến nơi đây thành cánh đồng nước ngọt duy nhất trên vùng ngập mặn ven biển, vua đã ban sắc thần. Trần Trung Tiên được phụng thờ trong nhiều ngôi đình ở huyện Tiểu Cần và TX. Trà Vinh. Nhưng con kênh đào do ông chỉ huy 167 năm về trước chỉ rộng có 7 thước, chưa đủ thuyết phục tiến sĩ Bassem Eid thuộc đơn vị tư vấn SNC - Lavalin (Canada) chọn thay thế luồng Định An đón tàu từ 10.000-20.000 tấn: Rộng từ 150-250 thước, sâu từ 6,5-8,5 thước. Cuốn "Lịch sử Đảng bộ huyện Duyên Hải" giúp tôi giải đáp thắc mắc này: "Đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp cho đào (thực chất là đào lại) con kênh mà đồng bào gọi là kênh "Láng Sắc" hay kênh "Nhà thờ", trong kháng chiến chống Pháp được đặt tên là kênh "Nguyễn Văn Pho" (một cán bộ lãnh đạo huyện hy sinh), làm cho việc giao thông thuỷ thêm thuận lợi (mở rộng, kéo dài tới vàm Láng Nước trổ ra biển Đông)".
Để có "con rồng thứ 10" như một đồng nghiệp từng ví von, cộng đồng 3 dân tộc Việt, Khmer, Hoa sống dọc tuyến kênh đã chung lưng đấu cật, trút cạn máu xương trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và chống lại đói nghèo. Khoảng năm 1944-1945, có một số tàu lớn chở lương thực của phát xít Nhật bị máy bay Đồng minh bắn chìm sát bờ biển Trường Long Hoà. Dân mình đói cùng cực, đua nhau ra biển lấy gạo về rửa mặn, giả thành bột mà ăn. Bao đựng gạo thì may quần áo. Hồi đó có quần áo bằng bao bố để mặc là sang nhất đời. Tới năm 1956, bão lớn gây sóng thần ở Trường Long Hoà, giẫy đi 1 cái doi lớn và tạo ra 1 dãy cồn cát rất dài. Năm 1997 thì có bão số 5 gây ra thiệt hại lớn về người và của. Chính phủ bỏ ra cả chục ngàn tỉ đồng cho vay đánh bắt xa bờ, nhưng không ít gia đình ngư dân vẫn đói...
... và những ghềnh thác
Lời hẹn trình Chính phủ phê duyệt dự án vào cuối tháng 7 đã qua. Có nghĩa là tính toán của tư vấn quốc tế đang gặp phải ý kiến phản biện. Điều đó bình thường thôi. Ngay chuyến "xuôi dòng" của chúng tôi cũng gặp phải một vài "ghềnh thác".
Khởi hành từ cửa Đại An, chúng tôi đi ngang qua bến cá Định An đang say mơ trong giấc mơ trở thành cảng biển, rồi rẽ vào ấp Giồng Lớn, xã Đại An để thăm chùa Nodol. Hàng trăm năm qua, đây vẫn là nơi cư trú bình yên của các loài điểu tộc, nhưng điều đó liệu rồi có còn khi tàu viễn dương lanh lãnh hú còi, khi du khách bốn phương kéo về tấp nập?
Có đến 8.200 trong tổng số gần 10.000 hộ bị mất đất sản xuất, đất ở, nhà ở thuộc huyện Duyên Hải. Bà Thạch Chanh, ngụ ấp Thống Nhất, xã Long Toàn, bộc bạch: "Nhà tui là nhà lá, có nửa công đất giồng cát, 5 công đất xà ngom tạm đủ nuôi 2 vợ chồng và 5 đứa con. Nếu phải hy sinh, mong nhà nước bồi hoàn y như những gì mà tui đang có". Liệu chính sách giải tỏa bồi hoàn hiện hành sẽ bảo đảm nguyên tắc ngang giá và định giá theo thực tế thị trường? Có phải đây sẽ là trở ngại lớn nhất khi dự án triển khai?
Sau 65 năm tọa lạc ở ấp Đình Cũ, xã Long Khánh, chùa Bông Sen hiện có 22 sư sãi tu tập, phụng sự hơn 200 hộ tín đồ Khmer. Dẫn tôi đi xem ngôi chánh điện mới xây trị giá 600 triệu đồng, sư cả Thạch Rích Thi cho biết: "Cấp trên đã về đây cắm mốc. Không riêng chánh điện mà toàn bộ 20 công đất của chùa đều bị giải tỏa. Chúng tôi đã gởi đơn lên huyện. Huyện nói sẽ cố gắng để không dời chùa, nếu phải dời thì bảo đảm khôi phục nguyên trạng".
Đã chậm trong phát hiện, đang chậm trong thiết kế và không khéo sẽ chậm trong thi công - đó là cảm nhận của chúng tôi khi đứng chân trên thềm lục địa, nơi 2 tuyến đê chắn sóng, chắn bùn cát bồi lắng đang được "cân đo" tính hiệu quả. Nhìn ra khơi xa: Cả thế giới đang rộn rịp bước vào "thế kỷ kinh tế biển". Nhìn dọc hình cong chữ S: VN vốn dĩ là quốc gia biển. Mở hay không mở thuỷ lộ ra biển Đông sẽ là "chọn lựa sinh tử" trước thềm hội nhập WTO...
Ảnh:
1.-Thuỷ đồ cửa sông Hậu – kênh Quan Chánh Bố - tuyến kênh mới.