Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
320
123.252.009

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Người Hà Nội cuối tuần và website Văn nghệ sông Cửu Long : Phỏng vấn Ông Nguyễn Hòa
Bây giờ chỉ cần gõ địa chỉ http://www.vannghesongcuulong.org là bạn có thể lạc vào thế giới văn học nghệ thuật của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, chí ít bạn có thể tìm hiểu, làm quen hoặc gặp lại hàng nghìn tác phẩm văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật...của nhiều tác giả. Hiện Website Văn nghệ sông Cửu Long là Website thuần túy văn nghệ và duy nhất với đúng nghĩa của nó ở nước ta. Nhân có dịp công tác qua Vũng Tàu, phóng viên NHNTC đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hòa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phần mềm ITI , người thực hiện Website này.Thời gian gặp gỡ tuy ngắn ngủi nhưng do đôi bên cùng cỡi mở, chân thành nên chúng tôi cũng vỡ vạc ra được nhiều điều. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

   - PV: Cách đây không lâu, tôi có tham dự một cuộc trao đổi nho nhỏ về văn học trên Internet do Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam tổ chức với sự tham gia của các nhà thơ,nhà văn:Hữu Thỉnh ( Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ), Đỗ Kim Cuông(Trưởng ban Văn Nghệ Ban tư tưởng văn Hoá TW), Hữu Việt ( BTV Báo Tiền Phong). Tại đây, mọi ý kiến đều tập trung bày tỏ khác vọng có một tờ báo văn nghệ điện tử.Tôi nghĩ đây là một khát vọng chính đáng và cũng thể hiện mong mỏi của nhiều người, đặc biệt là những người đang cầm bút.

 

   - Ông Nguyễn Hòa:  Một khát vọng nhỏ nhưng khó thực hiện,từ năm 1997 Bộ VHTT đã ký quyết định thành lập mạng máy tính Cinet.vnnews.com,tới tháng 1.1999 Bộ VHTT lại quyết định mở ra trên mạng này trang văn học và báo chí,chuyển qua lại và cũng không thực hiện được dù tốn nhiều tiền bạc và công sức.

 

  - PV: Nhưng Wesite Văn nghệ sông Cửu Long đã xuất phát và lên đường theo cách của nó . Cách đây 5 - 6 tháng gì đó, có một lần từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà văn Phạm Khắc Lưu đã cho tôi địa chỉ Website này và tôi đã bước đầu làm quen với nó. Hay dở thì bàn sau nhưng tôi thấy trang Web này thật cần thiết và bổ ích.Tôi đón nhận nó trong tâm trạng rất phấn khởi và hào hứng và reo thầm trong bụng: Thế là từ nay cánh văn chương và những người yêu thích văn chương đã có một người bạn để gặp gỡ, trao đổi! Ông có thể giới thiệu chút ít về nó?

 

   - Ông Nguyễn Hòa: Tôi biết có nhiều nhà văn, nhà thơ đều muốn có một Website văn nghệ . Nhưng tôi cũng biết nhiều nhà văn, nhà thơ của chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi phải nói đến việc tự xây dựng cho mình một trang Web. Biết vậy, tôi bảo: Không hề gì! các nhà văn hãy khoan nghĩ đến giải pháp kỹ thuật, vốn liếng đầu tư...trước mắt ITI sẽ nghĩ hộ các anh, các chị phần này. Và thế rồi, sau 3 tháng chuẩn bị công phu và miệt mài, ngày 12 - 11 - 2004, Website Văn học sông Cửu Long đã ra mắt bạn đọc. Website này do Hội Nhà văn Việt Nam là đơn vị chủ quản, nhà thơ Lê Chí trong cương vị thực hiện, còn tôi tạm làm tổng biên tập. Trang Web này là nơi đưa tin hoạt động văn học nghệ thuật, công bố tác phẩm, trao đổi ý kiến, gửi bài . Dự kiến sẽ mua bán tác phẩm, liên doanh sản xuất ấn phẩm dưới dạng cung cấp đĩa, bài qua mạng...Hiện Website này đang tải 1625 tác phẩm văn học, 78 tác phẩm âm nhạc, 16 tác phẩm sân khấu, 168 tác phẩm mỹ thuật, 178 tư liệu các loại của 512 tác giả. Và nếu ai có dịp nhắp "chuột" vào địa chỉ của Webiste này thì người đó có thể lang thang đến những vùng quê như An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long. Đó là nơi mà Trang Thế Hy, Lê Chí. Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Vũ Hồng, Trịnh Bửu Hoài, Võ Đắc Danh, Nguyễn Ngọc Tư...đang sống và cầm bút. Đó cũng là nơi mà Trần Kim Trắc, Nguyễn quang Sáng, Lê Giang, Lê Văn Thảo, Nguyễn Trọng Tín...đã từ đó ra đi.

 

  - PV: Người đọc đã đón nhận Website này như thế nào, thưa ông?

 

   - Ông Nguyễn Hòa: Sau một tuần ra đời, số lượt người truy cập đã lên tới một vạn. Còn hiện nay, trung bình mỗi ngày có khoảng trên dưới 1000 lượt người truy cập.

 

  - PV: Vì sao ông lại tự nguyện hợp tác với các nhà văn và chọn văn học của đất phưng nam đưa lên mạng?

 

  - Ông Nguyễn Hòa: Vì miền tây không có điều kiện như vùng miền khác,tác phẩm của 13 tỉnh,thành ít được giới thiệu trong nước trong khi nó xuất hiện khá nhiều ở những trang web nước ngòai.

 

  -PV: Nếu tôi không nhầm thì trên Website văn nghệ sông Cửu Long không thấy có mục quảng cáo, trong khi những trang Web khác thì mục quảng cáo đã trở thành quen thuộc?

 

   - Ông Nguyễn Hòa: Là một trang Web văn nghệ thuần chất và không mang tính thương mại nên ban biên tập của chúng tôi không  nhận quảng cáo.Nếu là nhà tài trợ thì tôi dành một trang đề mục riêng.Thật khó chịu khi vừa đọc thơ Nguyễn Duy lại vừa nhìn quảng cáo thuốc nhức đầu thì kỳ lắm.

 

   - PV: Tôi biết nhiều tờ báo hiện nay sống nhờ quảng cáo. Ngay cả các tờ báo, tạp chí  chuyên về văn học nghệ thuật ở ta như Văn nghệ, Văn nghệ trẻ, Nhà văn, Văn học nước ngoài, Người Hà Nội...vẫn rất cần quảng cáo. Nếu  không nhận quảng cáo trên Website của mình, tôi e rằng về lâu về dài sẽ gặp nhiều khó khăn? Và như các cụ nhà ta thường nói : Cơm áo không đùa với khách thơ đâu!

 

 - Ông Nguyễn Hòa: Đúng là làm một Webite nói chung thì không khó nhưng làm cho ra làm và để nuôi nó, làm cho nó đàng hoàng về lâu về dài...thì cũng khó thật.

 

   - PV: Vậy các ông đã có cách gì "hóa giải"? Chả lẽ về mặt kinh phí hoạt động chỉ trông vào sự hảo tâm thôi sao? Mà sự hảo tâm nào chẳng có giới hạn?

 

 - Ông Nguyễn Hòa: Nếu một năm chỉ cần có 500.000 người truy cập vào Website và mỗi người chỉ cần trả 5 nghìn đồng/năm thôi, thì mỗi năm chúng tôi đã thu về cũng khá khá tiền. Theo tôi, kinh phí khai thác chính là điều này,nói theo dân CNTT là cấp quyền truy cập. Và dĩ nhiên là phải chính danh,thí dụ : Hội cho phép và có con dấu riêng chẳng hạn.

 

 - PV: Phương châm hoạt động của Website này là gì?

 

 - Ông Nguyễn Hòa: Vì người đọc, vì những người ở xa tổ quốc,những bạn đọc trẻ và những người yêu thích văn học nghệ thuật.Chúng tôi trông chờ những nhà làm văn học nghệ thuật hãy gửi thật nhiều tác phẩm có chất lượng cho chúng tôi qua đường Email.

 

   - PV: Người ta hay bảo: Lớp trẻ bây giờ lắm khi khó hiểu lắm và chẳng thích văn chương đâu. Không ít tở báo đã cảnh tĩnh điều này. Còn qua Website này, ông thấy lớp trẻ có xa lánh văn chương không?

 

   - Ông Nguyễn Hòa: Chắc chắn là không. Rất nhiều học sinh, sinh viên vào trang Web của chúng tôi. Do vậy, nếu nói lớp trẻ không yêu văn học nghệ thuật là không có có sở.

 

   - PV: Có người bảo Website Văn học nghệ thuật sông Cửu Long chỉ là một thứ rau tập tàng. ông nghĩ sao?

 

   - Ông Nguyễn Hòa:  Ý này là của Nhà thơ Nguyễn Duy khi trang SCL chưa có giấy phép. Thậm chí nhà thơ ví nó với con chửa hoang nhưng con chửa hoang dễ nuôi.

 

   - PV: Trên “Thị trường đoc” bây giờ, người ta hay phán : Nhà xuất bản này to,Nhà xuất bản kia nhỏ, tờ báo “hoặc tạp chí” này to, tờ báo kia nhỏ, tạp chí này vừa vừa. Theo ông, Website này được đánh giá là Website to hay Website nhỏ?

 

   - Ông Nguyễn Hòa: To hay nhỏ hoàn toàn phụ thuộc vào kỷ thuật lập trình,số lượng thông tin và số lượng người truy cập. Điều này cũng giống như báo viết. Nếu tờ báo nào đó có số lượng phát hành lớn thì hiệu quả xã hội sẽ lớn. Một Website ra đời chưa đầy năm, mọi đánh giá về nó có thể là hơi vội. Hãy để thời gian và để độc giả khẳng định. Về lâu về dài, chúng tôi sẽ phải cố gắng, trước hết phải có một ban biên tập đúng nghĩa. Một trang web chưa hòan chỉnh bài vở với trên 300.000 lượt truy cập đã đủ nói lên nhiều điều.

 

 - PV: Sao cho Website Văn học nghệ thuật sông Cửu Long xứng đáng là nơi tập hợp những cây bút mạnh, đủ sức để chia sẻ với độc giả xa gần, ở cả trong nước và ngoài nước?

 

  - Ông Nguyễn Hòa: Đó cũng là tham vọng của chúng tôi. Nhưng hiện nay, chúng tôi chỉ mới dám nghĩ: Website Văn học nghệ thuật sông Cửu Long góp thêm một tiếng chuông tuy nhỏ thôi nhưng có sự lay động trong đêm tịch mịch.

 

   - PV: Câu hỏi cuối cùng.Ông hãy nói về mình?

 

  - Ông Nguyễn Hòa: “Tôi ư! Vì đói khổ mà làm kinh doanh, kinh doanh riết nên cũng biết làm. Tôi quê gốc tận Quảng Trạch, Quảng Bình, lớn lên ở Kim Long, Huế. Thuở nhỏ khoái văn chương nên có làm một vài tờ in roneo thời đó và năm 1972 tôi có viết cho tờ tuần báo Thời Mới ở Đà Nẵng được vài năm. Như mọi người, vì có bằng tú tài tôi cũng  vào lính Thủ Đức, sau đó tôi trốn về nhà ở Kim Long. Sau 1975 tôi về Vĩnh Thái, Cam Hiệp, Cam Ranh làm đủ thứ: làm nông, làm thuê cuốc mướn độ nhật, kể cả vào bộ đội làm chiến sĩ ở Trung đoàn 723 Sư 333  ở Daklak. Sau nhiều lang bạt ấy, tôi vào Sài Gòn thử thời vận và may thay có người giới thiệu về làm đạo diễn cho một chương trình văn nghệ của một công ty xây lắp ở Vũng Tàu nhưng rồi tôi thấy ngành xây dựng và trang trí phát triển, tôi cùng vài anh em kiến trúc sư, kĩ sư thành lập Tổ hợp Xây dựng Vĩnh Thái năm 1987 ngay tại Vũng Tàu. Bây giờ nâng cấp thành Công Ty Vĩnh Thái và tôi đã qua chừng ấy năm trong nghề.

Công ty cổ phần Phần mềm ITI ra đời từ việc kinh doanh của Vĩnh Thái và vì Vĩnh Thái cần một trang Web, tôi nhờ hoài không đạt nên tự thuê người làm lấy và từ đó hình thành ITI.

 

   - PV: Xin cám ơn ông Nguyễn Hòa.

 

Người Hà Nội cuối tuần.Số 30 ngày 03.11.2005

Đặng Huy Giang - NHNCT
Tin tức khác