Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
355
123.252.507

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Giải goncourt 2005 : Francois Weyergans: Ba ngày về với mẹ
Nhà văn Bỉ Francois Meyergans đã bất ngờ vượt qua đối thủ nặng ký Michel Houellebecq để đoạt giải Goncourt năm nay với tiểu thuyết Trois jours chezmamère

Tác giả

 

Trái với cung cách chiếm lĩnh các phương tiện truyền thông đại chúng và quảng cáo rùm beng của Michel Houellebecq (với tác phẩm La possibilité d’une ile), nhà văn vừa trúng giải Francois Weyergans, từ khi bước vào làng văn cho tới nay đã gần bốn chục năm, chừng như lúc nào cũng cố tránh, không muốn cho người đời chú ý tới mình.

 

Francois Weyergans sinh năm 1941 ở Bỉ, mẹ là người Pháp và bố là người Bỉ, nhưng chủ yếu sống ở Paris. Ông xuất thân là một nhà làm phim, tốt nghiệp IDHEC (Trường Điện ảnh Quốc gia), đạo diễn cuốn phim ăn khách một thời Je t’aime, tu danses (Anh yêu em, còn em thì nhảy múa). Dù vậy, Weyergans được thiên hạ biết tiếng nhiều nhờ sự nghiệp văn chương hơn là nhờ mấy tác phẩm điện ảnh lẻ tẻ. Ông bắt đầu nổi danh với tư cách là nhà văn vào năm 1973 qua cuốn Le pitre (Thằng hề). Trong số các tác phẩm đáng chú ý khác của ông còn có Le radeau de la Méduse (Chiếc bè Méduse), La vie d’ un bébé (Hài nhi), Je suis écrivain (Tôi viết văn), La démence d’un boxeur (Võ sĩ điên rồ, giải Renaudot 1992), Franz et Francois (Franz và Francois). Năm 2005 này, ông cùng lúc cho ra mắt hai cuốn Trois jours chez ma mère vừa trúng giải Goncourt và cuốn Salomi (Salomé, tác phẩm đầu tay, khởi thảo năm 1968).

 

Tác phẩm đoạt giải

 

“Có thể rồi một ngày nào đó tôi cũng trách mình, không phải vì trò chuyện với mẹ, bởi hầu như chiều nào tôi cũng nói chuyện qua điện thoại với bà, mà là vì ít đến thăm bà, nhất là mấy năm sau này. Đã thượng thọ, vậy mà người mẹ yêu quý của tôi vẫn còn tỏ ra rạch ròi hơn tôi nhiều. Trong điện thoại, bà không ngớt tóm gọn tình thế: "Tóm lại, mẹ thật ít có dịp trông thấy con trên đời".

 

Chính vì vậy mà, thay mặt tác giả, nhân vật Francois Weyergraf mong muốn được "ba ngày về với mẹ" cho phải đạo làm con. Đây là một cuốn tiểu thuyết có cấu trúc phức tạp. Người kể chuyện Francois Weyergraf "bịa" ra một tác giả tên là Francois Graffenberg, ông Graffenberg này lại "bịa" ra một nhân vật là Francois Weyerstein; mỗi Francois lại truyền cho Francois khác cái xung năng sáng tạo của mình.

 

Ngay từ đầu, độc giả đã gặp lại nhân vật có họ na ná với họ Weyergans trong cuốn Franz et Francois xuất bản 8 năm trước. Francois Weyergraf là nhà làm phim và nhà văn (hệt như tác giả), 60 tuổi, luôn luôn thao thức, trăn trở, bất an trong lòng, nhưng rất ư uyên bác, chẳng khác gì nhà văn Bỉ danh tiếng Franz Weyergans, cha của tác giả. Nếu như qua Franz et Francois, tác giả đã tỏ lời vừa kính phục vừa ganh ghét cha mình, thì cuốn Trois jours chez ma mère như một bức thư bày tỏ tình cảm gửi tới mẹ già.

 

Mẹ và con

 

Bà nay 91 tuổi rồi, tưởng đã gần đất xa trời, nhưng không, bà vẫn minh mẫn và sung sức. Qua điện thoại, bà không ngớt thăm hỏi, chăm sóc đứa con trai ở tuổi 60 như nó còn bé dại. Bà dặn nó phải viết nhiều hơn, bớt hút thuốc, không thì phổi bị thủng lỗ chỗ. Một nhân vật kỳ diệu. Nhớ tới thời bà... chưa già, vừa góa chồng là bà cặp kê ngay với một ông láng giềng, chủ một xí nghiệp, có vợ con. Bà cũng chẳng ngại la cà trong các quán bar, nhảy nhót với những kẻ lạ mặt. Vóc dáng, cử chỉ, lời ăn tiếng nói của bà lúc nào cũng trẻ trung, sống động, khiến cho nhiều người cứ tưởng bà với con mình là vợ chồng chung gối với nhau.

 

Thế nên Francois Weyergraf/ Weyergans hết mực yêu quý, tôn sùng mẹ mình: Chúng ta nghe rõ đằng sau chữ "maman" (má, mẹ, u...) mỗi khi tác giả thốt lên trên trang giấy từng cung bậc rung động của ngòi bút. Ông khao khát được ôm mẹ vào lòng, về ở với mẹ dầu chỉ "ba ngày", vậy mà cứ mải miết bận rộn. Lại nữa, cứ mong mang về dâng tặng mẹ cuốn sách viết về cuộc đời của bà, nhưng vì nó vẫn còn trong trứng nước nên tác giả khôn thôi ngần ngại không dám bước chân. Mà cũng có thể vì tác giả e rằng một khi đã phơi bày cuộc đời của mẹ mình trên trang sách, biết đâu bà lại chẳng bất thần trút hơi thở cuối cùng.

 

Rốt cuộc, "ba ngày về với mẹ'' chỉ là một giấc mơ.

 

Mượn cớ

 

Hay chỉ là cái cớ cho phép tác giả nhẩn nha "tùy bút" trên 270 trang sách, một cách hấp dẫn, lôi cuốn, nhờ ở một văn phong điêu luyện, nhưng không kiểu cách. Thành quả của 7 năm lòng miệt mài với ngôn từ, chữ nghĩa, với tư duy, suy luận.

 

Viện Hàn lâm Goncourt đã đúng đắn khi trao tặng Goncourt, giải quan trọng nhất của văn học tiếng Pháp, cho tác phẩm Trois jours chez ma mère của Francois Weyergans. Trong số các nhà văn từng đoạt giải này có Marcel Proust, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras...

VD - Thể thao & Văn hóa
Tin tức khác