- PV: Xin ông cho biết, nếu Luật Điện ảnh được thông qua và ban hành sẽ có tác động như thế nào đối với ngành điện ảnh Việt Nam?
- Ông Trần Luân Kim (TLK): Trước đây, ngành điện ảnh của Việt Nam hoạt động không hề theo bất cứ một điều luật nào, chỉ theo một Nghị định duy nhất là NĐ 48/CP năm 1995. Nhưng đến nay, xã hội ngày càng phát triển, ngành điện ảnh cũng phát triển hơn rất nhiều nên NĐ 48/CP không còn phù hợp, ngành điện ảnh bị “bí”, không bao quát, không theo sát thực tế và hoạt động bị cản trở rất nhiều. Hiện nay, tất cả các anh chị em hoạt động trong ngành điện ảnh cũng đều trông mong vào Luật Điện ảnh rất nhiều với hy vọng sẽ thay đổi được nhiều, tạo sự thông thoáng trong hoạt động của ngành, phát huy sức sáng tạo của con người.
Ngoài ra, nếu Luật Điện ảnh được thông qua và ban hành sẽ bảo hộ được việc sản xuất phim trong nước từ khâu sản xuất đến phát hành, cân bằng được sự chênh lệch giữa số lượng phim trong nước và nước ngoài, bảo tồn văn hoá Việt Nam. Hợp pháp hoá được lượng phim liên doanh, liên kết với nước ngoài vì đây là lĩnh vực rất nhạy cảm.
- Theo ông, ưu điểm của Bản dự thảo Luật Điện ảnh lần này là gì?
- Ông TLK: Bản dự thảo lần này đã bao quát được hầu hết các mảng chuyên môn trong ngành điện ảnh như: sản xuất, phát hành, phổ biến, lưu trữ, quan hệ quốc tế…Đồng thời, dự thảo Luật lần này còn mở rộng hướng thu hút đầu tư cho các tư nhân tham gia làm phim, đặc biệt là đối với đối tượng là những người Việt Kiều hiện đang sinh sống ở nước ngoài được thành lập các công ty kinh doanh trong ngành điện ảnh.
Nhà nước cũng có điều kiện đặt hàng làm các bộ phim công ích, như phim hoạt hình, miền núi, vùng sâu, vùng xa… Luật cũng quy định chặt chẽ về chế độ kiểm duyệt phim, vấn đề trình duyệt phim lên Hội đồng duyệt phim thuộc Bộ VHTT hoặc Hội đồng duyệt phim thuộc Đài Truyền hình sẽ có trách nhiệm thẩm định nội dung, đánh giá chất lượng phim để phân loại đối tượng phổ biến. Phim phát sóng trên Đài Truyền hình Trung ương và địa phương đều phải được Bộ VHTT cấp phép, kết quả duyệt phim phải có sau 15 ngày.
- Nhưng theo ý kiến của giới chuyên môn thì Dự thảo Luật lần này vẫn còn nhiều điều bất cập, ông có nhận xét như thế nào về vấn đề này?
- Ông TLK: Hiện nay, các nghệ sỹ vẫn còn nhiều điều băn khoăn về quy định quyền của biên kịch, đạo diễn, diễn viên…vì đây là công việc mang tính đặc thù cao, mối quan hệ hợp tác trong nghề nghiệp rất linh hoạt nên khó có thể ấn định những thoả thuận này thành luật được. Bởi nếu đã quyết định đưa những quyền lợi đó thành luật thì sẽ xảy ra các vụ kiện cáo liên miên. Đa số ý kiến của các nghệ sỹ là không nên đưa điều khoản này vào Luật mà họ sẽ thực thi nó bằng hợp đồng trong từng hoàn cảnh cụ thể.
Hay ngay việc trong Luật quy định các phim làm bằng tiền ngân sách Nhà nước phải tổ chức đấu thầu là không hợp lý, phần đông các nghệ sỹ đều cho rằng: “việc làm phim không thể giống như mua vật liệu xây dựng cầu, mỗi phim đều có một tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể đối với từng thể loại nên Nhà sản xuất sẽ tự lựa chọn người nào phù hợp nhất với thể loại phim nào để đặt hàng thì sẽ hiệu quả hơn.
Tôi nghĩ Luật Điện Ảnh còn gây nhiều bức xúc là bởi, lúc đâu thì quản lý quá lỏng lẻo, lúc lại quá chặt chẽ cũng chưa hợp lý lắm. tuy nhiên, có bàn cãi nhiều thì mới tìm ra những vấn đề còn gây thắc mắc. Dự thảo chắc chắn vẫn còn gây nhiều bức xúc, và sẽ còn phải chỉnh sửa nhiều lần mới có thể đưa ra Quốc Hội để thông qua.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
- Xin cảm ơn ông.
Ảnh : "Giải phóng Sài Gòn" - phim đặt hàng của Nhà nước.