Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
348
123.252.552

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Con đường âm nhạc lần 6 (*) : Văn Cao - Cõi mơ: Nổi bật một nhân cách và tài năng lớn
Đêm 13-11, một đêm nhạc Văn Cao vắng mặt ca sĩ Ánh Tuyết cuối cùng đã không làm nhiều người yêu nhạc Văn Cao thật sự hài lòng với phần âm nhạc, nhưng bù lại, chương trình đã khá thành công khi góp phần làm bật lên tài năng và nhân cách của Văn Cao qua những mẩu chuyện thú vị.

Nỗi sầu trong Buồn tàn thu chưa gieo được vào lòng người nghe qua giọng ca Mỹ Hạnh, Xuân Phú chưa chín xúc cảm trong ca khúc Trương Chi, Khánh Linh chưa đủ tha thiết trong Suối mơ. Những bản hùng ca Chiến sỹ Việt Nam, Bắc Sơn (tốp nam NHVN), Tiến về Hà Nội (Trọng Tấn, Khánh Linh) cũng được thể hiện chưa mạnh chất "hào hùng" trong nhạc Văn Cao.

 

Thành công hơn cả có thể kể đến phần trình bày của Tam ca áo trắng với Làng tôi, Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên và NSND Quang Thọ với Trường Ca sông Lô, Hải Phòng mở ra biển lớn.

 

Và Thiên thai (Mỹ Linh), Thu cô liêu (Anh Thơ), Cung đàn xưa (Anh Thơ - Xuân Phú), Bến xuân (Xuân Phú), Đàn chim Việt (Mỹ Hạnh, Mỹ Linh)...- những ca khúc đầy phức điệu không dễ thể hiện hoàn thiện nhưng cũng đủ đem lại một đêm nhạc đầy xúc cảm trong lòng người nghe. Vì, chẳng có gì có thể diễn tả được sự quyến rũ của âm nhạc Văn Cao khi những thanh âm của ông vang lên. Thanh cao, trầm lắng, lồng lộng và bát ngát những giai điệu đẹp...những giai điệu bay lên từ tâm hồn và tài năng vĩ đại của Văn Cao.

 

"Văn Cao là một nghệ sĩ có tài nhưng rất khiêm tốn. Cách nuôi dạy con cái và cách xử thế của NS với vợ con rất ấm cúng và gương mẫu", bà Nghiêm Thúy Băng - phu nhân của cố nhạc sĩ Văn Cao chia sẻ và bày tỏ niềm xúc động khi chứng kiến đêm nhạc hoành tráng dành cho Văn Cao sau 10 năm ông qua đời.

 

Nhà thơ Văn Thao - con trai của cố NS chia sẻ về quá trình thu thập tư liệu và viết hồi ức về cha mình của anh. "Viết hồi ký thường là người viết tự nâng mình lên, biện hộ cho mình và như thế sẽ đụng chạm đến một số quan điểm, một số người khác", NS Văn Cao trả lời con trai như thế về lý do không viết hồi ký của ông và hóm hỉnh bảo "Biết đâu con sẽ là người viết cho bố". Từ đó, sau khi NS Văn Cao qua đời, đọc những bài viết về Văn Cao, thấy còn rất nhiều chuyện về cha mình mà nhiều người không biết, Văn Thao quyết định bắt tay vào thu thập tư liệu và viết hồi ức về cha, đến nay cuốn hồi ức cũng vừa hoàn thành.

 

Cũng qua nhà thơ Văn Thao, khán giả mới biết Văn Cao có đến 2 bản Trương Chi và bản Trương Chi được hát ngày nay là bản thứ nhì. Bản đầu tiên ra đời sau thời gian sinh hoạt hướng đạo sinh ở Huế năm 1940, và chính nhạc sĩ Tô Vũ là người nhớ được bản Trương Chi 1 để cung cấp cho Văn Thơ. Trong Trương Chi 1 có một đoạn mà về sau được Văn Cao phát triển thành ca khúc Suối mơ.

 

Hoàn cảnh ra đời những nét nhạc đầu tiên và những ca từ trong bài Trường ca sông Lô - một bức tranh hoành tráng về âm nhạc lẫn hội họa mà Phạm Duy gọi là đỉnh cao nhất của nhạc Kháng chiến nói riêng và tân nhạc VN nói chung - cũng được nhà thơ Văn Thao kể lại một cách chi tiết và xúc động. Một khung cảnh bi tráng của một đoạn đường đất nước được tái hiện qua cảm xúc của người nghệ sĩ và giờ đây, qua diễn giải của con trai Văn Cao làm người nghe càng rung động một niềm cảm phục.

 

Chương trình còn có sự tham gia của ông Trần Liễn - anh ruột của ca sĩ Trần Khánh - cũng chính là người đầu tiên đã hát nhạc Văn Cao. Ca khúc đầu tiên mang tên Nhạc rừng ấy chính Văn Cao lúc đầu công bố đã không dám thú thật là của mình. Sự thông minh mà kín đáo của Văn Cao còn được ông Trần Liễn kể lại qua những mẩu chuyện thú vị về tài năng hội họa và thơ ca của chàng Văn thuở học trò.

 

Cuộc trò chuyện với ông Trần Doãn Tòng - một người bạn thân của NS Văn Cao cũng thú vị không kém. Khán phòng Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội vang dội tiếng vỗ tay khi ông Doãn Tòng nhắc lại hình ảnh tuyệt đẹp của người con gái trong hai câu hát của Cung đàn xưa: Chiều năm xưa gót hài khai hoa/Mắt huyền lưu xuân, dáng hồng thơm hương...

 

Thời lượng của một chương trình chưa đủ tạo nên một chân dung Văn Cao thật đầy đủ, nhưng "Văn Cao - cõi mơ" đã thành công khi phác họa cho khán gỉa thấy những nét thú vị về tài năng và nhân cách một nghệ sĩ lớn qua những mẩu chuyện thật ấm áp.

 

Tuy nhiên, những phóng sự ngắn xen kẽ và những cuộc đối thoại giữa MC và khách mời chưa cho thấy điểm nhấn mới nào của con đường âm nhạc lần này sau một thời gian gián đoạn. MC Thúy Hạnh cũng chưa tự tin và "nhuyễn" lắm trong lần xuất hiện đầu tiên ở chương trình.

 

Khán giả mong lắm những chương trình lớn và xứng đáng hơn nữa dành cho Văn Cao - người nhạc sĩ mà những gì ông để lại sẽ còn mãi như chính hơi thở của âm nhạc Việt.

 

Do có sự thay đổi về ekíp, so với những con đường âm nhạc trước đó, chương trình số sáu mang tên "Cõi mơ" dành cho cây đại thụ của âm nhạc VN đã 10 năm vắng bóng Văn Cao có khá nhiều điểm khác biệt.

 

Sân khấu unplugged gần gũi được nâng lên cao cho trang trọng. Khán giả tại chỗ bị phân tâm khi nhìn thấy mỗi khi chuyển tiết mục, ca sỹ lại đi lên sân khấu từ phía trước thay vì đi sau cánh gà. Phần quảng cáo giữa chương trình được chiếu lên màn hình lớn làm loãng phần đối thoại tuy không phát  trực tiếp.

 

Số ca sỹ tham gia đông đảo hơn vì có dàn hợp xướng. Phần phối khí do bốn nhạc sỹ thực hiện chứ không phải một.

 

Cấu trúc của chương trình được sắp xếp tuần tự theo những tác phẩm tiêu biểu qua các thời kỳ và câu chuyện về nhạc sỹ của vợ, con trai và những người bạn thân đem đến những thông tin đầy đủ về gia tài tác phẩm và hoàn cảnh sáng tác trong đời nhạc sỹ chứ không tạo ấn tượng ở từng ca khúc bằng cách phối khí, thể hiện mới mẻ như những chương trình trước.

 

U.LY

Ảnh: V.Dũng tòan cảnh đêm diễn

L.TH. - TTO
Tin tức khác