Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
345
123.252.557

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nỗi nhớ qua: Cánh đồng bất tận
Cách đây hơn tháng, nhà văn Ngô Thảo từ Hà Nội điện cho tôi rằng anh sẽ vào Sài Gòn, mượn tôi về Cà Mau để gặp tác giả Cánh đồng bất tận và hỏi tôi đã đọc chưa. Nói thật lòng là tôi chưa đọc. Tôi có một cái thói là khi tôi viết tôi quên hết mọi sự và chẳng đọc của ai.

Nghe Ngô Thảo khen, tôi đành xếp giấy và đọc. Đọc xong, tôi ngẩn ngơ... Tôi nhớ sông, nhớ rạch, nhớ rừng, nhớ miền đất U Minh. Tôi người An Giang, người sống trên bờ sông Tiền, sông Hậu, hai dòng sông mênh mông. Năm 16 tuổi, tôi theo bộ đội về với “cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư.

Tôi là thằng học trò, đi học tôi đi xe ngựa, đi xe đạp hoặc xe hơi, còn về “cánh đồng bất tận” thì đi xuồng. Thích nghi với môi trường, tôi biết chèo. Một mình, xuồng hai chèo, từ Chắc Băng về Rạch Ráng tôi chèo suốt đêm. Đúng là tôi chèo trên kinh, trên sông của “cánh đồng bất tận” - vùng đất: Muỗi kêu như sáo thổi / Đỉa lền như bánh canh.

Trên những sông dài hun hút, ghe thương hồ xuôi ngược suốt đêm, vừa chèo vừa hò đối đáp, qua câu hò ta có thể hình dung được con người ấy cũng như con người bây giờ trong Cánh đồng bất tận.

    Con cò nó mổ con lươn

    Bớ chị ghe lườn muốn tía tôi hôn

    Tía tôi lịch sự quá chừng

    Cái lưng mốc thếch cái đầu chôm bôm

như nhân vật đàn ông trong câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư.

Tôi thường bật cười một mình mỗi khi nhớ lại một câu hò:

    Anh thương em từ đầu tới đít

    Đêm anh muốn nằm khít bên em

Không hò, không chọc ghẹo nhau thì sức đâu mà đi suốt con sông dài qua những cánh đồng bất tận.

Chín năm đánh Pháp, tôi đi khắp miền Tây, qua nhiều cánh đồng, những cánh đồng đầy rùa rắn, qua nhiều vườn ổi, qua nhiều rẫy khóm. Sau này tôi đã từng về lại chiến trường xưa - nhiều thay đổi quá mừng quá vui. Tôi cũng về những vùng sâu xa, nơi là căn cứ cách mạng, vẫn thấy đìu hiu, thấy đau lòng. Làm sao đây, làm sao đây hỡi người có trách nhiệm!

Tôi đóng quân trong nhà dân, nhà bên con rạch, nhà bên bờ kinh Xáng, nhà bên bờ kinh đi thẳng vào rừng sâu. Rừng tràm mênh mông, rừng của chim cá, rùa rắn, ếch nhái, rừng của mật ong, rừng của dây choại.

Người dân ở đây thường mang trong mình ba dòng máu: người Kinh, người Tiều, người Khơme. Ba dòng máu, ba dòng văn hóa trong một con người. Tính cách của người dân cũng có cái gì đó vừa chung lại vừa riêng. Cần cù với ruộng rẫy, miệt mài trên sông nước, trung hậu, sống đầy tình cảm, tình cảm đến mức có khi lạc lòng...

Cánh đồng bất tận khiến tôi thấy nhớ nhiều chuyện quá - văn chương mà đánh thức kỷ niệm trong lòng người đọc và gợi cho người đọc nghĩ ngợi nhiều điều là điều rất hiếm. Đó là sức mạnh của văn chương, không phải nhà văn nào cũng làm được. Với tôi, Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư hay là như vậy.

Nhà văn Ngô Thảo là người nhạy cảm, đánh hơi được hương vị trong Cánh đồng bất tận nên cất công bằng đường bay, đường bộ, đường sông tìm gặp tác giả, mua đứt cái miếng đất gọi là Cánh đồng bất tận để chuyển thành phim. Chuyện có, văn có, cảnh có, nhân vật rất đậm nét, chỉ còn có hình có nhạc nữa là xong bộ phim. Sẽ là bộ phim hay, tôi tin lắm.

NGUYỄN QUANG SÁNG - Theo TuoitreOnline
Tin tức khác